Lớp mù dày đặc ở TP.HCM không phải do cháy rừng Indonesia
Tin tức - Ngày đăng : 08:38, 27/09/2019
Ngày 26/9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho biết, đơn vị vừa có báo cáo kết quả đo lường chất lượng không khí tại 30 vị trí trong tháng 9, đặc biệt trong những ngày từ 18 - 20/9, khi thành phố xuất hiện lớp sương mù dày đặc.
Theo đó, trong ngày 20/9, lượng bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần, hàm lượng NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần. Đặc biệt, bụi mịn PM10, PM 2.5 gia tăng 1,9 - 2,2 lần. Đây là loại bụi mịn được khuyến cáo là gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Dựa vào kết quả đo lường được, Sở TN&MT khẳng định, lớp sương mù dày đặc xuất hiện ở thành phố những ngày qua không phải do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng tại Indonesia.
"Nguyên nhân là sự gia tăng các chất ô nhiễm là do hoạt động hội tụ nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống khiến thành phố luôn nhiều mây, không có nắng. Cùng với nền nhiệt độ thấp có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, hơi nước bám vào tạo ra lớp mù", Sở TN&MT cho biết.
Mặt khác, do trời ít nắng nên không đủ bức xạ làm nóng mặt đất, không khí ô nhiễm nằm sát mặt đất không phát tán lên cao được khiến lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan. Sở TN&MT cho biết, tình trạng mù gây ô nhiễm không khí gần đây gần như xảy ra hằng năm, rơi vào khoảng tháng 9 và 10, gọi là mù khô quang hóa.
Theo khuyến cáo từ Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến hệ hô hấp mà còn có thể gây tổn tại cho hầu hết nội tạng. Ô nhiễm khói bụi là tác nhân cơ bản gây một số bệnh như nhiễm trùng hô hấp, viêm xoang, viêm tai giữa, di ứng… và nặng hơn là gây ra bệnh tim, ung thư phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu.