Cuộc hẹn của những người yêu dó
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 13:18, 29/09/2019
74 tác phẩm của 13 họa sĩ sáng tác trên giấy dó vừa ra mắt công chúng Thủ đô, tại Trung tâm triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, 29 Hàng Bài vào những ngày đầu tháng 9. Vẫn là cuộc hẹn của những người yêu dó nhưng “Góp dó 2” đã mang đến cho những người yêu hội họa nhiều sự bất ngờ.
Tác phẩm “Mái tơ” - màu nước trên giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình.
Giấy dó là chất liệu truyền thống, được làm thủ công và gắn với những dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng. Hơn bất cứ chất liệu nào khác, dó mỏng manh nhưng mềm mại, sắc nét mà dịu dàng, mộc mạc mà sang trọng, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa chắc chắn, vừa biến hóa. Dó lưu giữ được những khoảnh khắc, những nét xúc cảm thoáng qua, những bâng khuâng xao xuyến mà phải thật tinh tế mới có thể nhận ra. Cùng với các chất liệu truyền thống khác như sơn mài và lụa, dó cũng đã mang lại vẻ đẹp riêng cho mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, dó là một chất liệu hết sức khó tính và đỏng đảnh nhưng lại dễ lưu giữ mạch cảm xúc của họa sĩ khi sáng tạo. Khi vẽ trên mặt dó mềm và mỏng thì ngọn bút của họa sĩ cũng khẽ khàng hơn, lướt nhanh hơn. Để nuôi dưỡng xúc cảm thể hiện sao cho đạt hiệu quả thị giác trên chất liệu giấy dó truyền thống đòi hỏi người họa sĩ phải sáng tạo ra ngôn ngữ mới, đĩa màu mới. Đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với các họa sĩ, nhất là họa sĩ trẻ. Thời kỳ mỹ thuật Đông Dương cũng đã có họa sĩ vẽ tranh giấy dó nhưng không nhiều. Sau này vào những thập kỷ 80 – 90 của thế kỷ trước xuất hiện một số tác giả như Lý Trực Sơn, Xuân Tiệp… và hiện nay dó cũng đã được nhiều họa sĩ trong đó có các họa sĩ trẻ theo đuổi.
Chung niềm đam mê với dó, trung tuần tháng 12/2018, nhóm họa sĩ gồm 13 người đã ra mắt công chúng 50 tác phẩm vẽ trên giấy dó trong triển lãm mang tên “Góp dó”. Sau thành công của “Góp dó 1”, đầu tháng 9/2019, triển lãm “Góp dó 2” tiếp tục được tổ chức như một sự nối dài và lan tỏa tình yêu với dó. 13 họa sĩ góp mặt trong triển lãm “Góp dó 2” có người đến từ TP. Hồ Chí Minh xa xôi như: họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, có người đến từ thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng như: Đặng Tiến, Trần Vinh, Đoàn Đức Hùng còn lại các họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương, Nguyễn Đoan Ninh, Vũ Thái Bình, Nguyễn Minh Hiếu, Hà Huy Mười, Chu Văn, Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh đều sinh sống tại Hà Nội. Tất cả đều cùng chung đam mê với nghệ thuật giấy dó. Ngoại trừ họa sĩ Vũ Thái Bình chọn dó như chất liệu duy nhất để theo đuổi còn lại các họa sĩ trong nhóm mỗi người đều có những lựa chọn riêng. Có họa sĩ tìm đến với lụa, có họa sĩ thử sức với tranh sơn dầu và nhiều chất liệu khác, nhưng với dó vẫn trọn vẹn tình yêu trong họ.
Tác phẩm “Thu trên phố” - màu nước trên giấy dó của họa sĩ Nguyễn Minh.
74 tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này cho thấy những phong cách và bút pháp khác nhau của từng họa sĩ. Nếu Nguyễn Minh, Nguyễn Minh Hiếu vẽ dó bằng màu nước, Chu Văn vẽ dó bằng acrylic, Đặng Tiến vẽ dó bằng bột màu thì Bùi Văn Tuất lại vẽ dó bằng sơn dầu, còn Đoàn Đức Hùng chọn mực nho vẽ trên giấy dó… Sự đa dạng trong chủ đề cũng như bút pháp, kỹ thuật thể hiện đã đem đến cho triển lãm “Góp dó 2” những dấu ấn riêng, mang đậm hơi thở cuộc sống đương đại.
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Xem “Góp dó 2” dễ nhận ra ở các tác phẩm sự trẻ trung hơn, phóng khoáng hơn cả về bút pháp lẫn nội dung. Các họa sĩ trẻ vừa kế thừa các thế hệ trước, vừa thể hiện được sự phát triển của mình, đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống, có thể trực diện, có thể ẩn ý…”
Họa sĩ Vũ Thái Bình - một trong số 13 tác giả góp mặt trong triển lãm lần này cho biết, từ “Góp dó 1” đến “Góp dó 2” đã có một sự thay đổi đáng kể cả về chất lượng tác phẩm, cũng như tác giả đến với dó. “Nhiều người quan tâm hơn đối với dó – đó cũng là mục đích mà triển lãm này hướng tới. Nhìn vào “Góp dó 2” trong bối cảnh hiện nay của mỹ thuật Việt Nam có thể thấy câu chuyện của dó đã được mở rộng về biên độ cũng như sức lan tỏa. Điều này đã ít nhiều cho thấy tín hiệu vui cho dó truyền thống trong nền mỹ thuật đương đại cũng như đối với những người làm nghệ thuật” - họa sĩ Vũ Thái Bình chia sẻ.