Bài 2: Năm tháng không thể nào quên

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:33, 02/10/2019

Không khí tại buổi gặp mặt chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ngày 1-10 diễn ra đầm ấm và xúc động. Bên lề cuộc gặp mặt, nhiều nhân chứng lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về những năm tháng hào hùng, oanh liệt không thể nào quên của 65 năm về trước.

Tự hào lịch sử, vững bước tương lai


Ông Lê Văn Ba (sinh năm 1934, số nhà 14 phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng):

Ngày 10-10-1954, khi đó tôi 20 tuổi và ở trong đoàn người chào đón Đoàn quân Giải phóng từ chiến khu Việt Bắc trở về. Trước đó không lâu, tôi vẫn bị giặc Pháp truy lùng gắt gao do trốn khỏi Nhà tù Hỏa Lò. Đón chờ ngày giải phóng, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức in màu Báo Tiền phong số đặc biệt để phát cho mọi người. Tôi tham gia biên tập, in báo, vừa làm vừa phải bí mật, thậm chí in mỗi nơi một phần rồi ghép lại với nhau. Tổng số cũng được vài trăm tờ để phát cho các tầng lớp nhân dân.

Tôi vẫn nhớ như in không khí Ngày Giải phóng Thủ đô. Cảm giác rất vui sướng, giống như mọi người được thoát kiếp nô lệ nhưng tôi vui hơn vì được giải phóng lần thứ hai và từ nay không còn phải lẩn trốn mà tự do đi khắp phố phường...

Ông Nguyễn Đức Minh (sinh năm 1931, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân):

Tôi thuộc đơn vị đặc biệt tham gia tiếp quản Thủ đô nên đến tối 10-10-1954 mới về tới Nhà tù Hỏa Lò. Trước đó, Sư đoàn 350 đã về chốt giữ và gác vòng ngoài, còn vòng trong là anh em Công an Hà Nội. Trong số đó có mình tôi là cựu tù Hỏa Lò. Cảm xúc thực sự là quá sức tưởng tượng vì khi đó mình ở tâm thế ngẩng cao đầu vì đất nước được độc lập, tự do. Đêm đó tôi đã không ngủ được, một phần vì trước đây ở trong rừng tối, nay đèn dầu sáng khó ngủ, hơn nữa tôi lại được bố trí nằm ở đúng phòng tên giám thị trước đây ở. Hồi tôi bị giam ở Hỏa Lò, không bao giờ nghĩ có lúc mình lại ở đây. Tôi cứ đứng đó nhìn xuống chỗ tôi và các đồng đội bị giam trước đây, bao kỷ niệm ùa về, nước mắt trào ra.

Trải qua bao nỗi thăng trầm cho đến ngày Thủ đô được giải phóng, tôi càng tin tưởng sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng để dân mình có ngày hôm nay, ngẩng cao đầu làm dân của một nước độc lập.

Ông Dương Tự Minh (sinh năm 1935, nhà số 98A phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm): 

Thời tạm chiếm, tôi tham gia hoạt động trong đội hình Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội và đã bị địch bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò gần 1 năm (từ tháng 10-1952 đến tháng 8-1953). Chuẩn bị cho ngày tiếp quản Thủ đô, tôi nhận nhiệm vụ huy động học sinh các trường làm cờ, khẩu hiệu và đúng ngày 10-10-1954 đứng dọc các đường phố đón chào bộ đội tiến vào, đặc biệt là khu vực Bờ Hồ, phố Hàng Đào, Hàng Ngang…

Ngày 10-10-1954, tôi đứng cùng đoàn học sinh ở phố Hàng Đào, bộ đội đi từ phía Bờ Hồ lại và cảm xúc rất khó tả. Từ xa nhìn thấy bộ đội là chúng tôi đã nhảy lên hò reo, hát vang các bài: “Tiến về Hà Nội”, “Mừng giải phóng Thủ đô”...

Ông Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1931, số nhà 33 ngõ 357 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng):

Ngày 10-10-1954, tôi cùng đoàn quân tiếp quản vào Thủ đô theo hướng Ngã Tư Vọng. Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi chiến thắng trở về và được người dân chào đón hồ hởi. Tôi còn nhớ khi đó anh em chúng tôi khiêm tốn bước xuống xe, chưa nhìn thấy người trong gia đình đâu nhưng tất cả người dân đều vồn vã, tay bắt mặt mừng khiến mình cảm thấy thân quen như ruột thịt. Cảm xúc đó cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.

Bà Tạ Thị Nhường (sinh năm 1930, ở tổ dân phố số 17, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông):

Trải qua 4 nhà tù của thực dân Pháp, tôi đau yếu, bệnh tật nên ngày 10-10-1954 không ra được ngoài đường. Tuy nhiên, nghe mọi người nói hôm đó Bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô khiến tôi vui lắm. Nghe tin giải phóng là thấy cuộc đời như được sang trang mới, cảm thấy khỏe hẳn ra và lại thêm nghị lực để chiến đấu với bệnh tật, trở lại hoạt động cách mạng...

Phong Thu/ lược ghi