Suy nghĩ nhân ngày kỷ niệm

Tin tức - Ngày đăng : 10:05, 07/05/2022

Hôm nay 7/5 là ngày kỷ niệm 68 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”.
Hướng tới ngày kỷ niệm vẻ vang này, những ngày qua, đông đảo người dân từ mọi miền đất nước đã hành hương về Điện Biên Phủ, đặc biệt là đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) để được chiêm ngưỡng bức tranh panorama được xem là lớn bậc nhất thế giới.
Ngày 7/5/1954, lá cờ
Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng” của QĐND Việt Nam Anh hùng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu (Nguồn: TTXVN)

Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chỉ trong hai ngày 30/4 và 1/5, hàng chục nghìn người đã tới đây, xếp hàng dưới trời mưa để đợi đến lượt vào xem bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cũng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, lượng du khách đến thăm các di tích lịch sử, các di tích lịch sử, bảo tàng tăng rõ rệt. Thống kê cho thấy, tại Hà Nội với những đổi mới trong cách trưng bày, tổ chức hoạt động tham quan, các điểm di tích như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… đều thu hút lượng khách tăng trên 250%.

Tại TP Hồ Chí Minh, lượng du khách đến tham quan Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), các Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh… cũng tăng cao.

Điều đáng nói là trong số du khách tới thăm các di tích lịch sử, bảo tàng, có nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên… Một học sinh ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Đến đây trong dịp lễ em được tiếp xúc với các cô, chú cựu chiến binh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng đến tham quan, em cảm thấy rất vui".

Thực tế nói trên chứng minh một điều, người dân, trong đó có các em học sinh, không hề thờ ơ với lịch sử, đặc biệt là lịch sử hào hùng của sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, vấn đề là nó được thể hiện, tiếp cận dưới hình thức nào.

Trong một diễn biến khác, những ngày qua đã diễn ra cuộc tranh luận xung quanh việc từ năm học 2022 - 2023, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được triển khai ở lớp 10. Theo đó, ngoài 7 môn học bắt buộc, môn Lịch sử trở thành một trong các môn tự chọn cho học sinh. Tất nhiên, mỗi ý kiến, dù ủng hộ hay mang tính phản biện đều có lập luận mang tính thuyết phục, song điều thấy rõ nhất là cần có sự thay đổi căn bản về nội dung, cách dạy và học môn Lịch sử.

Một nhà giáo, chuyên gia về môn Lịch sử đã nhận định khá chính xác: Cả chương trình và cách dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông nhiều năm nay thật sự chưa hiệu quả, và đó chính là một trong những lý do khiến học sinh không thích học sử. Nếu không có sự thay đổi căn cơ thì cho dù môn sử tiếp tục là môn học bắt buộc, học trò vẫn khó mà yêu thích môn học này.

Cũng cần nói rằng, để đạt được những thay đổi có tính căn cơ, cần có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của sử học nói chung cũng như việc giảng dạy môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Chúng ta đều biết, môn Lịch sử giáo dục lòng yêu nước, nhưng không phải chỉ có vậy. Lịch sử hào hùng, vinh quang của dân tộc Việt Nam còn là những bài học quý báu, giáo dục tinh thần tự lực tự cường, khát vọng vượt khó... để xây dựng và bảo vệ đất nước, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha ông.

Mặt khác, với những câu chuyện sinh động, sử học còn cung cấp cho người học những kinh nghiệm, cách ứng xử trong cuộc sống, những bài học làm người… Với những thay đổi hướng tới những mục tiêu nói trên, chắc chắn môn Lịch sử sẽ tạo sự say mê và cuốn hút các thế hệ học trò.

Như vậy, một lần nữa có thể khẳng định, dù là môn bắt buộc hay tự chọn, môn Lịch sử phải được đổi mới, cả về chương trình, cách dạy và học, trước hết là để học sinh tìm được ở môn học này sự say mê, những điều bổ ích cho cuộc sống của các em hôm nay và tương lai.

kinhtedothi