Những dấu ấn từ triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2019
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:36, 06/10/2019
Đến hẹn lại lên, vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, Hội Mỹ thuật Hà Nội lại tổ chức triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Triển lãm vừa là cuộc hội ngộ của giới Mỹ thuật Thủ đô, vừa như một sự tổng kết những thành quả, dấu ấn và cả sự phát triển của mỹ thuật Thủ đô trong một năm qua.
Tác phẩm “Ngày mới” sơn dầu của họa sĩ Phạm Thành
Để chuẩn bị cho cuộc triển lãm này, ngay từ đầu năm 2019, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã phát động các hội viên gửi tác phẩm tham gia triển lãm. Đã có hơn 700 tác phẩm của các họa sĩ hội viên và chưa phải là hội viên gửi tới tham dự triển lãm. Kết quả, Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Hà Nội đã chọn được 250 tác phẩm của 250 tác giả để giới thiệu với công chúng tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2, Hoa Lư, Hà Nội) từ ngày 4 đến ngày 13/10/2019.
Theo họa sĩ Phạm Kim Bình - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, triển lãm Mỹ thuật Thủ đô lần thứ 50 tiếp tục quy tụ được nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia. Có những họa sĩ đã qua tuổi bát thập như: Nguyễn Văn Chung, Lê Ngọc Hân, Đỗ Hữu Huề, Nguyễn Đình Huống... vẫn có tác phẩm gửi tới triển lãm. Đặc biệt, triển lãm năm nay có tới gần 1/3 tác giả là các họa sĩ trẻ. Sự góp mặt của những tác giả trẻ cho thấy những tín hiệu vui của mỹ thuật Thủ đô, đem đến cho triển lãm “luồng gió mới” với nhiều phong cách, dấu ấn khác biệt.
250 tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm không chỉ cho thấy sự đa dạng về chất liệu (sơn mài, sơn dầu, màu nước, lụa, acrylic, chất liệu tổng hợp…) mà còn thể hiện sự phong phú về đề tài (phong cảnh, chân dung, lễ hội, cuộc sống lao động và sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng, môi trường…).
Xem triển lãm, công chúng Thủ đô như được hòa mình vào cuộc sống, thiên nhiên của khắp các vùng miền trên cả nước qua các tác phẩm: Thảo cầm viên, Đêm đông Việt Bắc, Thuyền chài ở Bái Tử Long, Phong cảnh miền núi, Hội cồng chiêng, Lễ hội Tây Nguyên, Biển mây trên nóc nhà Phanxipang, Tháng 6 ở Cao Bằng, Cảnh sinh hoạt người H’Mông ở Hà Giang, Tất cả vì Trường Sa…
Đề tài lịch sử, chiến tranh cũng đã được nhiều họa sĩ tái hiện trong tác phẩm của mình như: Khúc tráng ca - 1954 của Bùi Anh Hùng, Thời hoa lửa của Vũ Văn Minh, Ký ức chiến tranh của Nguyễn Thị Hải Nhung, Hào khí của Lê Đức Tùng, Hà Nội tháng Chạp năm 1972 của Nguyễn Bằng Lâm…
Tác phẩm “Thu phố cổ” sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đồng Tiến
Điểm nhấn tạo nên dấu ấn của triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm nay chính là các tác phẩm về đề tài Hà Nội. Bên cạnh một Hà Nội cổ kính, hào hùng in bóng trong (Cầu Long Biên, sông Hồng Hà Nội; Ngàn năm thương nhớ Thăng Long; Văn Miếu Hà Nội; Phố Hàng Đào; Nhà cổ; phố cổ) còn có một Hà Nội thanh lịch; hào hoa (Làng hoa Hà Nội, Mây hồ Gươm, Hà Nội vào thu, Mùa hoàng yến Tây Hồ, Hà Nội linh thiêng hào hoa...). Đặc biệt bước chuyển mình của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập và phát triển cũng đã được nhiều họa sĩ thể hiện thành công trong tác phẩm của mình.
Họa sĩ Phạm Kim Bình, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội đánh giá: “Triển lãm mỹ thuật Thủ đô 2019 tiếp tục cho thấy sự khởi sắc của Mỹ thuật Thủ đô. Qua các tác phẩm có thể nhận thấy các tác giả đã dồn nhiều tâm sức để đầu tư cho sáng tác. Các tác phẩm hội họa được tạo hình công phu, với những sắc màu quyện hòa nhuần nhuyễn. Bên cạnh cách vẽ tả thực, nhiều bức vẽ trừu tượng cũng gợi mở nhiều suy tư… Năm nay, triển lãm Mỹ thuật Thủ đô có tới 30 tác phẩm điêu khắc được lựa chọn giới thiệu với công chúng. Các tác phẩm được sáng tác trên các chất liệu gỗ, đồng, compozits, tổng hợp không chỉ cho thấy sự tinh tế, sáng tạo và sung sức của các tác giả mà còn phản chiếu được bức tranh muôn mặt của đời sống góp phần đáng kể làm nên thành công của triển lãm.
Có thể nói, triển lãm mỹ thuật Thủ đô là hoạt động nghề nghiệp được các thế hệ họa sĩ Thủ đô mong đợi nhất trong năm. Dù rằng chưa có nhiều tác phẩm mang tính đột phá, thể hiện sự vượt trội về chất lượng nghệ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ, tuy nhiên triển lãm vẫn được kỳ vọng sẽ mang tới cho công chúng những dấu ấn riêng của mỹ thuật Thủ đô. Với mỗi tác giả, tác phẩm sẽ là một minh chứng cho thấy tình yêu với Hà Nội, với quê hương đất nước, đặc biệt là tình yêu hội họa, cảm xúc sáng tạo nghệ thuật luôn ăm ắp, tỏa lan.