Hai chỉ vàng, 1 xe đạp cà tàng thành tỷ phú bậc nhất Việt Nam
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:19, 07/10/2019
Kể về câu chuyện khởi nghiệp, Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ cho hay, ngày ngày ông đạp chiếc xe cà tàng đi bán bút bi dạo khắp Sài Gòn. Đến năm 1981, ông Cô Gia Thọ lập nên một xưởng sản xuất nhỏ với 20 nhân công.
Ban đầu vốn liếng rất ít, chỉ với 2 chỉ vàng khởi nghiệp và tài sản lớn nhất là chiếc xe đạp, ông chủ người Hoa phải kiêm rất nhiều khâu từ sản xuất, rao hàng, bán hàng và thu tiền. Vì vốn quá hạn hẹp nên ông Cô Gia Thọ phải dùng tiền xoay vòng, nghĩa là trong 1 tuần ông chỉ đủ chi phí sản xuất cho 3 ngày, đến ngày thứ 4 thì đem sản phẩm đi bán dạo tại các sạp báo ở Sài Gòn và chờ thu tiền luôn tại chỗ.
Sau đó, ông Thọ dùng tiếp số tiền này để sản xuất và để dành lợi nhuận gom góp trả lương cho nhân công. Vì vốn ít nên ông Thọ cũng không dám bỏ mối ở chợ Tân Bình, bởi khi bỏ mối thì phải bỏ theo đơn sỉ và thu tiền sau. Ông Thọ và nhân công cứ loay hoay mãi như thế cho đến năm 1996 thì bắt đầu có doanh thu ổn định.
Đến 2010, Thiên Long niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Sau 40 năm hoạt động, giờ đây Thiên Long đã xuất khẩu ra 61 nước trên khắp thế giới. Công ty lọt Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất cho tạp chí Forbes bình chọn và được xem là "Đế chế" hùng mạnh nhất về lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam với vốn hóa thị trường xấp xỉ 4.000 tỷ. Đây là DN và doanh nhân hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực văn phòng phẩm.
Vị chủ tịch đúc kết thành công của mình đến từ sự học hỏi và cố gắng không ngừng nghỉ, tuy nhiên cũng không thể thiếu yếu tố may mắn.
Hàng không không phải bắt theo trend
Nói về ngã rẽ làm hàng không trong bối cảnh hiện nay, ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho hay, một năm riêng tiền mua vé là 3.000 tỷ, nên việc tham gia thị trường hàng không không phải cái hứng, không phải trend mà là kinh doanh bắt buộc.
Với mục tiêu tăng từ 1 triệu từ nay lên 2 triệu khách hàng vào năm 2022, các hãng bay hiện không đáp ứng được vì họ vẫn phải phục vụ khách đi lại hàng ngày, mỗi chuyến bay mua được rất ít chỗ. Hiện tại công ty đã rất vất vả khi làm việc với các hãng hàng không thì đến lúc 2 triệu khách là vô phương. Do đó, việc lập hãng hàng không là nhiệm vụ tự thân.
Nhìn lại con số hiện nay 90 triệu dân có 200 máy bay, cứ cho là 300 đi, thì 300.000 dân mới có 1 máy bay so với các nước xung quanh là quá ít, không ai hình dung nổi. Bao nhiêu triệu người hiện được đi máy bay? 85% khách du lịch thế giới đi bằng máy bay, khoảng cách trên 300km thì không có phương tiện nào địch lại máy bay - ông Kỳ đặt câu hỏi.
Ông Kỳ cho rằng, Việt Nam có tốc độ phát triển du lịch rất tốt, một năm đón 18 triệu lượt khách nhưng nhìn sang Thái Lan họ có 38 triệu lượt khách. Chúng ta không thể khống chế "chỉ làm được đến thế thôi, làm sao cạnh tranh nổi". Vấn đề là làm sao giữ được thị trường Việt Nam.
Nghề chính là phi công, Tổng Giám đốc chỉ là nghề phụ!
Chia sẻ tại một sự kiện, ông Phan Xuân Đức, Tổng Giám đốc Vinpearl Air, cho biết phi công có thể bay đến 65 tuổi, miễn là vẫn đảm bảo về sức khỏe theo yêu cầu của Cục Hàng không. Chưa kể, nếu là phi công quốc tế thậm chí tuổi đời hành nghề bay còn được kéo dài, đơn cử ở Nhật được bay đến 67, con số ở Úc là 70, thậm chí không có giới hạn tuổi đời phi công tại New Zealand.
Hơn nữa, trong ngành phi công vẫn có nhiều lựa chọn. Bạn có thể đi bay hoặc làm hành chính, tùy vào sở thích và khả năng của mỗi người. Riêng với ông Đức, mặc dù trên vai trò lãnh đạo Vinpearl Air, ông vẫn khẳng định: "Với tôi, Tổng Giám đốc chỉ là nghề phụ, nghề chính vẫn là nghề phi công".
Tiếp tục nói về con đường nghề nghiệp của mình, ông Đức chia sẻ nghề phi công thì đúng là thời gian rất hạn hẹp, đặc biệt thời gian cho gia đình. "Thời gian đi bay chiếm đến 3/4 thời gian, trong quá trình này phi công thường ‘lang thang’ ở các khách sạn 4-5 sao. Chỉ ¼ thời gian còn lại được về nhà, và khoảng thời gian này thực sự rất quý. Chúng tôi có thể chăm sóc người mình thương, góp một phần công sức cho gia đình nhỏ dù chỉ là phụ rửa bát... ".
Hơn nữa, với phi công thì đồng hồ sinh học cũng khác với người thường, ban đêm lúc mọi người đi ngủ thì phi công đi bay, ngược lại ban ngày mọi người đi làm thì phi công đi ngủ.
Không nên vì giá cả mà hạ thấp giá trị sản phẩm
Bà Trương Thị Lệ Khanh - Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT CP Vĩnh Hoàn - chia sẻ, cho dù bán sản phẩm tốt nhưng ra thị trường quốc tế, đối tác sẵn sàng trả giá từng cent một. Và cách của Vĩnh Hoàn là chia sẻ thông tin với họ, thuyết phục họ, để họ hiểu được câu chuyện và hành trình công ty đang theo đuổi.
"Đó không phải là vì lợi ích của công ty mà là vì người chăn nuôi, vì môi trường xung quanh. Khi mọi chuyện tốt dần lên, nhiều đối tác đến thăm trại chăn nuôi vô cùng ngạc nhiên vì chẳng khác nào khu du lịch sinh thái", bà Khanh nói.
Từ câu chuyện của mình, "bà trùm" cá tra khuyên các doanh nghiệp khi theo đuổi lý tưởng kinh doanh thì chiến lược để thuyết phục nhân viên, đối tác, khách hàng tin và cùng đồng hành mới là điều quan trọng. Không nên vì giá cả mà hạ thấp giá trị sản phẩm.
"Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm nông nghiệp nên áp lực về môi trường là rất lớn", bà Khanh tâm sự.