Công an TP. Đà Nẵng: Có dấu hiệu vi phạm quy định về giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm?
Tin tức - Ngày đăng : 09:07, 07/10/2019
Chưa khởi tố vụ án là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Trong văn bản gửi Công an TP. Đà Nẵng, Báo GD&TĐ khẳng định: Ngày 20/11/2018 Báo đã có văn bản số 836/GD&TĐ đề nghị Công an TP.Đà Nẵng xử lý hành vi của bà Nguyễn Thị Thúy Hồng (SN 1959, trú tại 22 Phạm Tứ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng. Bà Hồng nguyên là Trưởng văn phòng thường trú của Báo tại Đà Nẵng. Ngoài bà Hồng còn có bà Trương Thị Ngọc Lan (SN 1977, trú tại 71/18 Trần Cao Vân, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) là kế toán kiêm thủ quỹ văn phòng về hành vi có dấu hiệu tham ô tài sản Nhà nước với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu sau một thời gian giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm của Báo thì bất ngờ ngày 13/5/2019, ông Trần Quốc Hương- Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu ký QĐ số 38 về việc Tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Công an quận Hải Châu đưa ra lý do: Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tại liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả (theo nội dung văn bản số 302/CSĐT ngày 8/5/2019- PV).
“Qua kiểm tra dấu bưu điện, dấu văn bản đến xác định trong khi Báo chưa nhận được văn bản số 302/CSĐT ngày 8/5/2019 thì Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đã ra quyết định tạm đình chỉ nói trên. Ngay sau đó chúng tôi đã cử cán bộ cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu tại công văn số 302/CSĐT ngày 8/5/2019. Chúng tôi khẳng định rằng việc Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu ban hành quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm trong trường hợp trên là trái quy định pháp luật (Điều 148 – BLTTHS)”- văn bản của Báo GD&TĐ khẳng định.
Theo trình bày của báo GD&TĐ thì mặc dù ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm nhưng cán bộ điều tra của Đội cảnh sát Kinh tế - Công an quận Hải Châu vẫn gọi điện thoại và gửi giấy mời triệu tập cán bộ, nhân viên của Báo ở tòa soạn tại Hà Nội vào Đà Nẵng để cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc.
Cơ quan báo đã chấp hành bằng việc cử cán bộ, nhân viên của mình đến trụ sở Công an quận Hải Châu để làm việc theo yêu cầu. Thế nhưng, đến nay việc tố giác tội phạm đã kéo dài gần 01 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thỏa đáng. Theo Báo GD&TĐ thì việc kéo dài thời gian giải quyết vụ việc này đã vi phạm quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại điều 147 – BLTTHS.
Được biết, sau khi Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tố giác tội phạm như trên thì bà Hồng và bà Lan càng thể hiện sự thách thức, coi thường pháp luật.
Cụ thể, bà Lan tiếp tục có những bài viết trên trang faceboook cá nhân có nội dung vu khống, bôi nhọ danh dự nhân phẩm của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập thể phóng viên, biên tập viên và cá nhân lãnh đạo của báo.
Trước đó, ngày 23/8/2019 đơn vị này cũng đã có công văn số 445/GD&TĐ gửi Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng tố cáo bà Trương Thị Ngọc Lan có hành vi vu khống, làm nhục người khác.
Được biết, ngày 30/8/2019 cơ quan này cũng đã có văn bản số 373/GD&TĐ gửi Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu đề nghị phục hồi giải quyết tố giác tội phạm, trả lời kết quả điều tra theo quy định pháp luật nhưng đến nay cơ quan báo chí này vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của Công an quận Hải Châu.
“Việc Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu chưa ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố là vi phạm quy định tại điều 149 – BLTTHS”- văn bản được gửi đi của Báo GD&TĐ khẳng định.
Dấu hiệu đã rõ, vì sao Công an Đà Nẵng kéo dài, không khởi tố?
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tiền của các cán bộ Văn phòng tại Đà Nẵng (Nguyễn Thị Thúy Hồng- trưởng văn phòng, Trương Thị Ngọc Lan- kế toán kiêm thủ quỹ), tháng 10/2018 Báo GD&TĐ thuê đơn vị kiểm toán độc lập tiến hành kiểm toán hoạt động thu chi văn phòng này.
Kết quả kiểm toán cho thấy có những vi phạm nghiêm trọng trong các khoản chi cho cộng tác viên không ký nhận tiền mà do bà Hồng ký nhận, hồ sơ kế toán kèm theo không có hợp đồng với các cộng tác viên. Tổng số tiền chi sai từ 2010 đến 2013 là 44 triệu đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy người ký nhận tiền khác với người nhận tiền trên chứng từ của các khoản chi tiền nhuận bút và chi phí khác.
Tổng số tiền chi sai từ 2010 đến 2013 là trên 148 triệu đồng. Bên cạnh đó còn nhiều khoản chi không có hóa đơn, chứng từ kèm theo, tổng số tiền chi sai từ 2009 đến 2013 là 173.996.000 đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng chỉ rõ nhiều khoản chi phí có mâu thuẫn về nội dung, chứng từ kèm theo. Số tiền chi sai từ 2009 đến 2013 là hơn 46 triệu đồng. “Đoàn kiểm tra nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các sai phạm trên nhằm chiếm đoạt tiền tại Văn phòng đại diện Đà Nẵng- Báo GD&TĐ. Các hành vi sai phạm này có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản theo điều 353 Bộ luật Hình sự 2015”- văn bản của đơn vị kiểm toán nêu rõ.
Vì sao vụ việc kéo dài đến nay đã gần 1 năm, nhưng Công an TP.Đà Nẵng vẫn chưa khởi tố vụ án, có không dấu hiệu cơ quan bảo vệ pháp luật của TP.Đà Nẵng làm không hết trách nhiệm, bỏ lọt tội phạm trong vụ việc này?
Ngày 4/10, phóng viên các cơ quan báo chí đã điện thoại, nhắn tin tìm hiểu sự việc đến Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, ông Trần Quốc Hương- Trưởng Công an quận Hải Châu nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng hoặc không nghe máy.
Đại tá Trần Mưu- Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng cho biết đã biết về sự việc và có chỉ đạo Công an quận Hải Châu làm rõ. “Tôi cũng biết báo GD&TĐ rất bức xúc về việc này”- đại tá Mưu nói.
Các chuyên gia pháp lý khẳng định: “Như kết quả kiểm toán cho thấy hành vi của bà Hồng và bà Lan là đặc biệt nghiêm trọng, rõ ràng có dấu hiệu tội “tham ô tài sản” – Điều 353 BLHS. Việc Cơ quan CSĐT Công an quận Hải Châu, Đà Nẵng chưa ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng trên để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật là vi phạm quy định của điều 147 – BLTTHS. Việc chậm trễ này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”- chuyên gia pháp lý phân tích.