Một cuốn tiểu sử âm nhạc chân thật và sống động
Tác giả - tác phẩm - Ngày đăng : 11:55, 09/05/2022
Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau...” - một cuốn tiểu sử âm nhạc vô cùng chân thật và sống động vừa được NXB Kim Đồng trình làng bạn đọc. Với nguồn tư liêu tin cậy và kiến thức âm nhạc sâu rộng, Tiến sĩ Lê Y Linh - một nhà nghiên cứu âm nhạc, cũng là con gái của nhạc sĩ đã giúp công chúng hiểu hơn chân dung của một nhạc sĩ tài hoa cả trong nghệ thuật và cuộc sống đời thường.
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ, khi cha mình còn sống bà đã muốn thu thập các tác phẩm, muốn làm một điều gì đó nhưng nhạc sĩ Hoàng Vân cứ gạt đi. “Cha tôi không có nhật ký, không có chuyện kể, ông không viết gì khác ngoài sáng tác nhạc, thơ và thư pháp. Ngay cả gần khi ông mất, không còn sáng tác nữa, ông cũng không có dự định viết hồi ký. Vào năm 2000, tôi đã lên kế hoạch sưu tầm các tác phẩm của ông, cũng đã nhờ các bạn tìm được hơn 100 bản thu tác phẩm của ông ở Đài Tiếng nói Việt Nam; sau đó đến năm 2015 tập hợp được một thùng tổng phổ với khoảng 150 ca khúc nhưng rồi tôi cũng không thể làm gì vì mỗi lần định hỏi, định biên tập, định in, định công bố... thì ông đều từ chối. Sau khi ông mất, chúng tôi mới thật sự có thể bắt tay vào công tác lưu trữ”, Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ.
Để “phục dựng” cuộc đời của cha mình, Tiến sĩ Lê Y Linh đã gặp gỡ nhiều người từng làm việc, gắn bó với nhạc sĩ để xác định các nguồn tư liệu, lượm lặt thông tin; đọc báo, đọc sách, đọc tư liệu, khảo chứng để phân tích và tổng kết các nguồn, đối chiếu thông tin, phân loại... Sau ba năm, đã có hơn 700 tác phẩm, hàng trăm video, 170 bản thu, hơn 500 bản nhạc viết tay, hơn 200 bản nhạc được in, hơn 10 phim truyện, hơn 200 bài báo và sách viết về nhạc sĩ được tập hợp... Đó cũng là chất liệu để Tiến sĩ Lê Y Linh chấp bút cho cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau...”.
Cuốn sách dày 265 trang, được chia làm bốn phần: Phần 1 - Nhạc sĩ Hoàng Vân - cuộc đời và sự nghiệp; Phần 2 - Tác phẩm; Phần 3 - Quan điểm về âm nhạc và Phần 4 - Người trong cõi nhớ. Bằng sự sắp xếp hệ thống và khoa học, Tiến sĩ Lê Y Linh đã đưa công chúng ngược dòng thời gian trở về với tuổi thơ của cậu bé Lê Văn Ngọ (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Vân), đến với hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ kể từ khi rời Thủ đô đi kháng chiến và cho đến ngày rời cõi tạm.
Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ chỉ cần điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”. Cũng bởi thế mà trong “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau”, Tiến sĩ Lê Y Linh đã phác họa cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của cha mình qua những mốc thời gian gắn với sự ra đời của mỗi tác phẩm, từ “Hò kéo pháo”, “Người chiến sĩ ấy”, “Thành đồng Tổ quốc”, “Hồi tưởng”, “Khúc tâm tình người thủy thủ”, “Quảng Bình quê ta ơi”; đến những bài hát “ngành ca” - “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca người giáo viên nhân dân”, “Bài ca xây dựng”...; rồi những sáng tác nhạc cho phim “Con chim vành khuyên”, “Mối tình đầu”...; và sau này là những bài ca về những vùng đất, những miền quê nơi ông đã tới như: “Tình ca Vũng Tàu”, “Tình ca Tây Nguyên”, “Tiếng hát trong mây”, “Điện Biên Phủ”...
Như một cuốn phim quay chậm dày dặn tư liệu và cảm xúc, cuộc sống và hành trình sáng tạo của nhạc sĩ Hoàng Vân hiện diện trên từng trang viết một cách chân thực sống động. Qua những âm giai và khuôn hình của hồi ức, người đọc gặp lại một Hoàng Vân luôn bền bỉ, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết trong sáng tạo.
Là một người làm nghiên cứu âm nhạc, khi viết cuốn “tiểu sử âm nhạc” cho cha mình Tiến sĩ Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học để có sự khách quan trong nhận xét, đánh giá. Trong “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau…”, khi điểm lại những sáng tác tiêu biểu của ông qua các thời kỳ, hay khi phân tích, đánh giá về tác phẩm của Hoàng Vân, tác giả Lê Y Linh đều khéo léo đan cài những nhận xét, đánh giá của các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, nhà báo... Qua đó làm nổi bật những nét duyên riêng của nhạc sĩ từ phong cách, tính bác học, sự đa dạng trong thể loại và đề tài, cách sử dụng ca từ, giai điệu, phối khí... Những bài nghiên cứu sâu như: “Những ca khúc làm nên tên tuổi Hoàng Vân”, “Tác phẩm cho lứa tuổi mùa xuân của cuộc đời”, “Những khúc tình ca thầm lặng”, “Khí nhạc và giao hưởng”, “Trường ca và hợp xướng”... cho thấy sự dày công trong nghiên cứu, đánh giá của tác giả.
Bên cạnh đó, các bài viết thể hiện quan điểm của nhạc sĩ Hoàng Vân về âm nhạc được giới thiệu trong cuốn sách cũng đã minh chứng cho niềm say mê và cả những đau đáu của người nghệ sĩ đối với âm nhạc… Dẫu ông đã đi xa nhưng trong cõi nhớ của bạn bè, đồng nghiệp, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn như còn mãi - một Hoàng Vân tài năng và lịch lãm; điềm đạm và kiệm lời; thông thái và uyên bác không chỉ trong âm nhạc mà trong cả văn thơ, sân khấu, điện ảnh, hội họa. Một Hoàng Vân trong mắt những người con luôn ấm áp và gần gũi; thanh thản, nhẹ nhàng vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống dù nó có khắc nghiệt đến đâu...
Là người đã từng thực hiện nhiều cuộc gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Hoàng Vân, nhà văn Trương Quý đánh giá: “Cuốn sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau”... là một nỗ lực khắc họa chân dung con người sáng tạo ở phương diện làm rõ các thao tác “nhà nghề” một cách dễ cảm thụ nhất đối với đại chúng”. Còn nhạc sĩ, nhà báo Tiến Mạnh thì nhận định: “Khi đọc cuốn sách này, độc giả có thể thấy rõ được những giá trị quý báu mà tác giả đã dày công sưu tập: giá trị về mặt tư liệu, giá trị về bồi dưỡng thẩm mỹ âm nhạc, giá trị về giáo dục và đào tạo âm nhạc”.
Với Tiến sĩ Lê Y Linh, bên cạnh niềm hi vọng người đọc có thể hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Vân, hiểu thêm về chặng đường của lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945, cảm nhận được phần nào vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc... thì bà còn có một kỳ vọng nữa đó là từ cuốn sách này sẽ có những nhạc sĩ và người thân của họ nhận thấy sự cần thiết của việc tập hợp dữ liệu và tiến hành sớm việc lưu trữ sáng tác, tác phẩm của mình.