Tiếp tục thực hiện Chương trình 04-CTR/TU của Thành ủy Hà Nội: Cần tăng cường và đổi mới hơn nữa các hình thức tuyên truyền
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:52, 09/10/2019
Năm nay, Thủ đô Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2019). Đó là quãng thời gian chưa hẳn đã dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại và tự hào về quá khứ hào hùng của cha ông. Qua đó, thấy được ý nghĩa dân tộc và thời đại của Ngày Giải phóng Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong gian khó, chiến tranh, Hà Nội vững vàng đi lên, thay da đổi thịt với bao công trình khang trang sạch đẹp. Từ quá trình đô thị hóa mạnh mẽ ấy đã đặt ra cho Thủ đô
Ông Nguyễn Văn Phong - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội
Phóng viên (PV):Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của Chương trình 04-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016- 2020" (Chương trình 04-CTr/TU) trong quá trình phát triển của Thủ đô những năm qua?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Hiện nay, văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt, là trung tâm đối với sự phát triển toàn diện, bền vững của Thủ đô. Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy là 1 trong 8 chương trình lớn của Thủ đô nhiệm kỳ XVI Đảng bộ Thành phố; là chương trình có diện bao quát rộng, có liên quan đến kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy, những vấn đề được nêu ra trong Chương trình 04-CTr/TU không chỉ có ý nghĩa cơ bản, lâu dài mà còn là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Việc thực hiện chương trình tốt hay không tốt đều ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống, xã hội Thủ đô.
PV:Trong những năm qua, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân Thủ đô. Xin ông cho biết, vai trò của công tác tuyên truyền trong việc thực hiện Chương trình 04-CTr/TU?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng từng bước nâng cao. Cho nên, công tác tuyên truyền trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người luôn đóng vai trò quan trọng. Hà Nội đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải đi trước một bước và phải được triển khai linh hoạt, sáng tạo, cách thức triển khai cụ thể trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể. Thông qua công tác tuyên truyền, Hà Nội đã phát huy cao độ tính tích cực, chủ động trong quá trình quản lý và triển khai các chính sách xây dựng văn hóa.
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của Thành phố quan tâm và triển khai thực hiện thường xuyên tuyên truyền trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm mục tiêu làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa.
PV: Cụ thể là những hình thức tuyên truyền cơ bản nào đang được Thành phố đẩy mạnh, thưa ông?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cụ thể, thông qua các hội nghị định kỳ cho đội ngũ báo cáo viên, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời thông qua hội thảo, tọa đàm, hoạt động của các phòng, ban chuyên môn, các tổ chức, đoàn thể; thông qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, họp thôn, tổ, sinh hoạt của các chi hội; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (tuyên truyền lưu động, đặc biệt tuyên truyền trên mạng lưới đài truyền thanh, qua Bản tin, Cổng thông tin điện tử và các trang mạng xã hội của các đơn vị). Trên hệ thống báo chí của thành phố, các chuyên trang, chuyên mục về phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được chú trọng. Trong đó trọng tâm là nội dung biểu dương các tấm gương cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy.
Đặc biệt, nhiều đơn vị đã tổ chức các hội thi về văn hóa ứng xử tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trên địa bàn, tạo thêm một kênh thông tin để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở (tiêu biểu là các đơn vị: Hà Đông, Đống Đa, Chương Mỹ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Trì…)
PV:Ông có thể điểm qua những kết quả đã đạt được, qua đó chỉ ra những khó khăn, tồn đọng trong việc thực hiện tuyên truyền Chương trình 04-CTr/TU?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Với nhiều nét đổi mới trong việc triển khai tuyên truyền, nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về các nội dung của Chương trình 04-CTr/TU được nâng lên rõ nét. Qua đó, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ; giúp cán bộ đảng viên và nhân dân có nhận thức đúng đắn về chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như của Thành phố trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Người dân đang dần nhận thức được lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn minh nên tích cực hưởng ứng, đồng thời đấu tranh, phê phán đối với những biểu hiện lệch lạc, sai trái với thuần phong mỹ tục. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp đã ý thức được vai trò của mình trong việc cụ thể hóa Chương trình của Thành ủy vào thực tiễn tại cơ sở.
Công tác xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều sự kiện lớn được tổ chức thành công; hoạt động văn hóa xã hội vẫn giữ được nếp; giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa thể thao được tăng cường; hai quy tắc ứng xử đã dần đi vào cuộc sống… Công tác GD&ĐT đã có những đổi mới căn bản từ việc thực hiện đồng bộ số điểm điện tử tại các trường THCS, THPT; hoàn thiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học; nâng cao số lượng, chất lượng trường chuẩn quốc gia; thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Công tác y tế, thái độ phục vụ bệnh nhân của các y bác sĩ có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục được các tiêu cực trong việc khám chữa bệnh cho người dân. Cùng với đó, công tác giải quyết việc làm được tăng cường với nhiều giải pháp như: đưa các điểm giao dịch việc làm vệ tinh vào hoạt động; đổi mới các phiên giao dịch việc làm…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế tồn tại cần khắc phục như: công tác tuyên truyền ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự có nhiều đổi mới; đầu tư chưa đúng mức; các phương pháp tuyên truyền, vận động truyền thống nhiều lúc, nhiều nơi còn nặng tính hình thức; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội trong thời kỳ CMCN 4.0 không chỉ có tác động tích cực mà cả những tác động tiêu cực trong cách tiếp nhận thông tin…
PV:2 Quy tắc ứng xử trên địa bàn Thành phố được coi là khâu đột phá trong thực hiện Chương trình 04- CTr/TU. Vậy, công tác tuyên truyền 2 Quy tắc này đã được thực hiện sáng tạo thế nào, thưa ông?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Quy tắc ứng xử là 1 trong 3 khâu đột phá được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVI. Nội dung triển khai tuyên truyền Chương trình 04-CTr/TU có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều đơn vị có sáng kiến, đổi mới trong công tác tuyên truyền, đem lại tác dụng tích cực. Cụ thể, một số cơ quan, ban, ngành của Thành phố đã lồng ghép thực hiện Quy tắc ứng xử vào thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017”, chủ động lồng ghép nội dung 2 bộ Quy tắc ứng xử vào sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt Đảng, sinh hoạt của các tổ chức chính trị và đưa việc thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử là một trong những tiêu chí đánh giá công chức, viên chức, người lao động hàng năm. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị đã phát động phong trào ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự tới người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan mình.
Thông qua hoạt động giao tiếp, mỗi công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp đến công dân, tổ chức thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa đối với cơ quan hành chính và nơi công cộng.
Các cơ quan trên địa bàn thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện 02 bộ Quy tắc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ và từng bước xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thuộc Thành phố “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận tình - Thân thiện”. Thông qua việc thực hiện này góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp.
PV:Từ những kết quả và hạn chế trong quá trình tuyên truyền thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm cần rút ra?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Trong công tác tuyên truyền, cần phải thực hiện quán triệt sâu sắc, nâng cao được nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra. Có sự đầu tư nguồn lực gắn với chiến lược phát triển phù hợp với từng cấp địa phương, đơn vị, chú trọng đổi mới cơ chế thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa thông qua công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” của các vùng miền trong nước, đặc biệt sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của quốc tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Đồng thời, phát huy hiệu quả của truyền thông, báo chí Hà Nội và cả nước trong tuyên truyền, phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến, cũng như phê phán những hành vi phản văn hóa, cố ý chống đối, đi ngược lại đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng nhằm lan tỏa sự tích cực, hiểu biết, tạo sự đồng thuận, nâng cao tinh thần đấu tranh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trên trận địa mới, khó, phức tạp là “không gian mạng”.
Việc tuyên truyền, quán triệt gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá nhất thiết phải thường xuyên, liên tục vì từ nhận thức đến hành động trong phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người là một quá trình, không thể nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Đặc biệt đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu các cấp, địa phương, đơn vị. Trong quá trình phát triển phải xác định chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa quan trọng ngang nhau; mỗi bước phát triển văn hóa có tác dụng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
PV:Theo ông, để nâng cao và đổi mới công tác tuyên truyền Chương trình 04-CTr/TU, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những năm tiếp theo là gì?
Đồng chí Nguyễn Văn Phong: Tiếp tục tuyên truyền về các mục tiêu đã đạt được, phấn đấu sẽ đạt các mục tiêu đề ra về xây dựng nền văn hóa và con người Hà Nội thời kỳ mới phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Thủ đô và Tổ quốc Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, phát huy bản sắc truyền thống thanh lịch, văn minh. Tập trung xây dựng nếp sống văn minh và môi trường văn hóa Thủ đô phong phú, lành mạnh theo hướng đồng bộ và hướng mạnh về cơ sở. Trong đó chú trọng vai trò, sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - cộng đồng xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội tích cực tham gia đổi mới, sáng tạo góp phần đưa Thủ đô phát triển lên một tầm cao mới, cất cánh trở thành “Thủ đô sáng sạo” trong khu vực và thế giới. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện 02 Quy tắc ứng xử; “Giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thành phố”. Từ đó các cấp, các ngành tiếp tục triển khai tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ phù hợp như: “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương” trong các nhà trường; tuyên truyền xây dựng văn hóa kinh tế: văn hóa sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, văn hóa quản lý kinh tế, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân...
Xin trân trọng cảm ơn ông!