Có một Hà Nội thân thương trong ảnh
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:40, 10/10/2019
Hòa chung với không khí tưng bừng của ngày lễ lớn, Kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh Nghệ thuật lần thứ 49. Triển lãm vừa được tổ chức tại Nhà triển lãm Hà Nội, 45 Tràng Tiền, Hà Nội.
Các vị khách mời cắt băng khai mạc triển lãm.
Phát huy truyền thống hào hùng
Vào những ngày này chúng ta lại có dịp ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của Hà Nội trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Cùng với đó là sự đồng hành của nền nhiếp ảnh Thủ đô, một trong những chứng nhân lịch sử của thành phố trong 65 năm qua.
Trải qua 65 năm, Nhiếp ảnh Thủ đô trở thành nơi hội tụ và là cái nôi của nhiếp ảnh cả nước. Chúng ta tự hào về thế hệ lớp người đi trước của phong trào nhiếp ảnh Hà Nội, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi cuộc kháng chiến giành thắng lợi với chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ với những hình ảnh Bộ đội ta về Giải phóng Thủ đô tháng 10/1954. Các NSNA như: Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn Duy Kiên, Nguyễn Tiến Lợi, Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Đỗ Huân, và nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác đã góp phần làm nên những trang lịch sử của nhiếp ảnh Thủ đô. Những bức ảnh “Bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô” và cùng bài ca hùng tráng: Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về của nhạc sĩ Văn Cao tạo nên một bức tranh hoành tráng về ngày Giải phóng Thủ đô cách đây 65 năm trước.
Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội là một trong những đại diện lớn nhất của phong trào nhiếp ảnh Thủ đô, đã và đang phát huy truyền thống 65 năm nhiếp ảnh để xây dựng đội ngũ nhiếp ảnh xứng tầm thời đại. Từ những ý nghĩa đó, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức cuộc thi và triển lãm ảnh Nghệ thuật lần thứ 49 này nhằm tiếp tục phát huy truyền thống nhiếp ảnh của Hà Nội.
Trong công cuộc xây dựng đất nước và Hà Nội hôm nay, Nhiếp ảnh Hà Nội lại tiếp tục với hành trang của mình đi vào cuộc sống, phản ảnh những khoảnh khắc của đất nước và con người Hà Nội, mang đậm nét văn minh thanh lịch, nhưng đầy hào hùng trong công cuộc xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, lịch sự.
Bức tranh về một Hà Nội thân thương
BTC triển lãm ảnh Nghệ thuật lần thứ 49 đã nhận được 1900 tác phẩm ảnh của 320 tác giả. Sau nhiều vòng chấm chọn, Hội đồng Giám khảo đã chọn được 122 tác phẩm dự treo triển lãm trong đó có 16 tác phẩm vào bộ giải gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
Triển lãm thu hút được nhiều công chúng yêu nghệ thuật.
122 tác phẩm nhiếp ảnh tại triển lãm này là những hình ảnh sống động, kết hợp với những khoảnh khắc lắng đọng tạo nên bức tranh hoành tráng về một Hà Nội thân thương và đáng yêu. Các nhà nhiếp ảnh Hà Nội đi sâu vào đời sống Hà Nội, phản ánh những thành tựu kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật trong thời gian qua, cùng với các vấn đề về an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế... đồng thời nêu bật những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người văn minh, thanh lịch trong giai đoạn hiện nay.
Tình yêu và đam mê với công việc của người Hà Nội đã được thể hiện trên nhiều tác phẩm. Song khoảnh khắc ghi lại công việc vẽ cho búp bê của một cháu gái với đôi mắt chăm chú của tác giả Trần Thị Hồng Minh đã gây được sự chú ý của Hội đồng giám khảo. Tác phẩm “Niềm đam mê” này đã giành giải Nhất.
“Lễ hội rước nước trên sông Hồng” của Bùi Minh Tâm là sự phát hiện độc đáo. Lễ rước ấy qua khung cảnh bè mảng trên sông Hồng tạo nên không gian khác lạ, gây ấn tượng cho người xem. Tác phẩm đoạt giải Nhì.
Tác giả Nguyễn Ngọc Bình đem đến cho người xem hình ảnh thân thiện của người phụ nữ Hà Nội với vị khách nước ngoài, thể hiện sự hội nhập quốc tế. Tác phẩm có bố cục chặt chẽ, màu sắc nhẹ nhàng, ý tưởng tốt cũng đoạt giải Nhì.
Chùm 3 ảnh giải Ba cũng độc đáo không kém. “Hội vật truyền thống quê tôi” của Ngô Trung Kiên cho ta cái nhìn mới về không gian hội vật với cảnh quan đẹp. Hiếm khi ta bắt gặp một thảm vật được tổ chức giữa vùng đất nổi của ao đình, trong ánh chiều tà đẹp lung linh.
Cầu Nhật Tân lâu nay trở thành hình ảnh quen thuộc của giới nhiếp ảnh với nhiều góc độ, ánh sáng khác nhau. Nhưng lần này Nguyễn Hoàng Hiếu đã khám phá góc độ mới và gây chú ý bởi dòng ánh sáng huyền ảo trên chiếc cầu. Tác phẩm xứng đáng đoạt giải Ba.
Chùm ảnh giải Khuyến khích gây ấn tượng với nhiều tác phẩm xuất sắc. Ánh sáng, bố cục, góc độ chụp là sự nổi bật của nhóm ảnh giải này. Như “Nghệ nhân gốm làng Bát Tràng” của Nguyễn Ngọc Ban nếu không có ánh sáng hắt xiên thì bức ảnh kém đi về sự thể hiện. Nhưng ở đây tác giả cũng khéo léo như người thợ gốm thành công trong việc cho chùm sáng xiên tạo nên mảng sáng tối khác nhau trong không gian gốm này. “Ngôi trường đại học mới” của Trương Bích Liên là ảnh kiến trúc đẹp hiện đại. Cùng với đó là “Khu đô thị mới” của Đường Hồng Mai cũng là tác phẩm nắm bắt được vẻ đẹp của kiến trúc và xây dựng về đêm, bằng kỹ thuật phơi sáng hoàn hảo. Ấn tượng không kém là “Khoảnh khắc ngày nhập học” của Trần Phong Thái với những khung ô lớp học sinh động và khác nhau.
Còn nhiều những gương mặt tác giả trong 122 tác phẩm có thể nêu ở đây. Tất cả là những tác phẩm xứng đáng cho 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô yêu dấu của chúng ta, được hòa quyện lại tạo nên truyền thống nối tiếp của Nhiếp ảnh Hà Nội trong thời kỳ mới. Triển lãm ảnh Nghệ thuật Hà Nội lần thứ 49 thực sự là một bó hoa tươi thắm gửi tới ngày lễ 65 năm ngày Giải phóng và gửi tới Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.