Góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh
Tin tức - Ngày đăng : 09:59, 16/10/2019
1. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, ngày 16-10-1948 tại chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29 QN/TƯ về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương. Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng ta do đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 16-10-1948 là Ngày truyền thống Kiểm tra Đảng, đánh dấu mốc son trong lịch sử vẻ vang của ngành. 71 năm qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp và các thế hệ cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng đã luôn không ngừng phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; hun đúc nên truyền thống "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy" của ngành Kiểm tra Đảng. Thành tích cùng sự nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ kiểm tra đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cùng với các địa phương khác trong cả nước, tại các Đảng bộ: Hà Đông, Sơn Tây và Hà Nội trước đây, công tác kiểm tra của Đảng luôn được coi trọng và triển khai nghiêm túc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội (khóa XII) “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, từ ngày 1-8-2008, đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố Hà Nội đã tiếp tục thể hiện được vai trò, vị trí, góp phần xứng đáng vào thành quả phát triển chung của thành phố.
Đáng lưu ý, đề tài khoa học nằm trong Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã phản ánh rõ nét kết quả công tác kiểm tra từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Trong đó, xác định kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố luôn chủ động từ khảo sát, nắm bắt thông tin, lựa chọn nội dung và đối tượng để kiểm tra; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm như: Đất đai, tài chính, dự án đầu tư, cải cách hành chính, công tác cán bộ...
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra các cấp thành phố đã kiểm tra 1.089 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm (tăng 353 đảng viên so với cùng thời điểm nhiệm kỳ trước), trong đó có 577 trường hợp là cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra đã kết luận 894 trường hợp có vi phạm (chiếm 82,09%); phải thi hành kỷ luật và đã thi hành kỷ luật xong 502 trường hợp (chiếm 57,43% số đảng viên có vi phạm). Đối với tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 332 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, tăng 85 đơn vị so với cùng thời điểm nhiệm kỳ trước. Qua kiểm tra đã kết luận 195 tổ chức Đảng có vi phạm và đã thi hành kỷ luật 24 tổ chức Đảng.
Không chỉ vậy, phát huy vai trò chủ động, tích cực, ở đâu có việc mới, việc khó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đều tham gia giải quyết. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu giải quyết tình hình phức tạp về công tác nhân sự ở một số đảng bộ trực thuộc Thành ủy; đề xuất gợi ý kiểm điểm sâu đối với một số Ban Thường vụ và cá nhân cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã phối hợp với các ban Đảng Thành ủy, Đảng ủy Công an thành phố đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên...
2. Tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Kiểm tra Đảng thành phố Hà Nội xác định tiếp tục nỗ lực cao nhất trong thực thi công vụ.
Trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Đảng. Đầu tiên là cấp ủy, tổ chức Đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát. Theo đó, công tác kiểm tra phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi và là điểm tựa tinh thần vững chắc để Ủy ban Kiểm tra các cấp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết, với phương châm “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”, công tác kiểm tra của Đảng bộ thành phố phải đi trước một bước, thậm chí là cơ sở, tạo điều kiện cho công tác thanh tra, điều tra; bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ, thấu tình, đạt lý... Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, chứng cứ đến đâu, kết luận, xử lý đến đó, không suy diễn, không áp đặt, không thành kiến, với tinh thần “trị bệnh cứu người”...
Trước mắt, từ nay đến hết nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp của thành phố cũng sẽ tham gia vào công tác chuẩn bị nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội.
...Lịch sử vẻ vang, đáng tự hào 71 năm qua sẽ là hành trang để ngành Kiểm tra Đảng Thủ đô tự tin tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, góp phần giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.