Đánh giá hoạt động đưa người lao động thuộc vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc trên tàu cá nước ngoài

Tin tức - Ngày đăng : 11:50, 17/10/2019

Cuối tháng 9 năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức buổi Hội thảo khoa học đánh giá hoạt động đưa người lao động thuộc các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc trên tàu cá nước ngoài.
Cuối tháng 9 năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức buổi Hội thảo khoa học đánh giá hoạt động đưa người lao động thuộc các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc trên tàu cá nước ngoài. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự có mặt của gần 20 doanh nghiệp cung ứng thuyền viên đi làm việc trên các tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc, 8 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương ven biển miền trung, đại diện các huyện có các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định. ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước và ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo đã tham gia đồng chủ trì hội thảo.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã nêu lên được thực trạng tình hình hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc trên tàu cá nước ngoài, thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc tuyển chọn, đào tạo, quản lý và đưa người lao động thuộc các xã bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài từ các doanh nghiệp và địa phương.

Nhìn lại chặng đường từ khi Việt Nam bắt đầu đưa thuyền viên đi làm việc trên tàu cá nước ngoài năm 1992 đến nay đã có những bước phát triển đáng kể với số lượng gần 40 doanh nghiệp cung ứng thuyền viên tàu cá. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm có 4.000 thuyền viên Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có gần 1.000 lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển vào hải đảo. Hiện có gần 12.000 lao động Việt Nam đi làm việc trên các tàu đánh cá nước ngoài. Thị trường tiếp nhận chủ yếu là Hàn Quốc (9.400 thuyền viên) và Đài Loan (2.300 thuyền viên). Phần lớn người lao động làm công việc nuôi trồng hải sản và đánh bắt trên các tàu cá ven biển Hàn Quốc, Đài Loan ( 9.000 lao động, chiếm 75% tổng số), số còn lại làm việc trên các tàu cá xa bờ ở các vùng biển quốc tế.

Địa bàn tuyển chọn thuyền viên chủ yếu là các địa phương ven biển miền trung bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Trong đó Hà Tĩnh (367 người) và Quảng Trị (143 người) là 2 địa phương có nhiều lao động thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển đi làm ngư nghiệp tại Hàn Quốc.

Về chất lượng lao động, thuyền viên Việt Nam được đánh giá có tay nghề tốt, chăm chỉ và tiếp thu nhanh nên được các chủ tàu Đài Loan và Hàn Quốc ưa thích. Có được điều này là do công tác tuyển chọn, đào tạo và quản lý thuyền viên được chú trọng. Ngoài việc sàng lọc, tuyển chọn những thuyền viên có kinh nghiệm đi biển ở trong và ngoài nước, có đủ sức khỏe và nhân thân tốt để đưa vào đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Các doanh nghiệp đều có cơ sở đào tạo hoặc liên kết để đào tạo thuyền viên từ 2-3 tháng bao gồm bồi dưỡng kiến thức cần thiết, đào tạo tiếng Hàn hoặc tiếng Trung cơ bản, rèn luyện các kỹ thuật đánh bắt hải sản, an toàn vệ sinh tàu cá và rèn luyện thể chất.

Các thách thức của nghề thuyền viên chủ yếu là do tính chất đặc thù của nghề nghiệp: Thị trường tiếp nhận thuyền viên tàu cá chưa được mở rộng, chủ yếu vẫn là Đài Loan, Hàn Quốc, ngoài ra Nhật Bản và Hawaii (Mỹ) có tiếp nhận với số lượng ít. Đây cũng được coi là một nghề nặng nhọc và chứa đựng rủi ro đặc biệt là đối với các thuyền viên tàu cá xa bờ, việc tuyển chọn lao động chỉ có thể tập trung tại các huyện ven biển hoặc hải đảo nơi người lao động có điều kiện phù hợp với ngành nghề này. Không những thế, đối với thị trường tiếp nhận, đặc biệt là thuyền viên biển gần đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ nguồn cung ứng thuyền viên tại Indonesia.

Qua thảo luận tại Hội thảo,các ý kiến đã tập trung và các giải pháp để phát triển thị trường tàu cá nước ngoài, nâng cao hiệu quả trong hoạt động cung ứng thuyền viên, đặc biệt là thuyền viên tàu cá biển gần. Trong thời gian tới cần sự chung tay phối hợp của doanh nghiệp, đối tác và chính quyền để thực hiện đồng bộ các biện pháp: Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp cung ứng, xây dựng quy trình tuyển chọn, đào tạo thuyền viên , nâng cao chất lượng phái cử, quản lý thuyền viên và hỗ trợ thuyền viên trong quá trình làm việc theo hợp đồng. Thứ hai, chính quyền địa phương ven biển cần tăng cường thông tin, phổ biến các chương trình, điều kiện, quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm khi đi làm thuyền viên tàu cá nước ngoài đặc biệt là tàu cá biển gần, nuôi trồng hải sản gần bờ đến người lao động. Thứ ba, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động, tạo điều kiện thuân lợi cho người lao động đi làm thuyền viên tàu cá; hỗ trợ người lao động hồi hương, tái hòa nhập thị trường lao động trong nước sau khi hoàn thành hợp đồng ./.

Nhân Thịnh