Phát huy kết quả của 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp
Tin tức - Ngày đăng : 16:01, 18/10/2019
Hội thảo nhằm lấy ý kiến các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết đối với công tác tư pháp và cải cách tư pháp, trên cơ sở đó hoàn thiện Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị (dự kiến cuối tháng 12-2019).
Nghị quyết số 49-NQ/TW về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, xác định rõ mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao".
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết và sắp tới sẽ thực hiện 15 năm thực hiện Nghị quyết.
Theo Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác cải cách tư pháp của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại một cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng thì còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất nhiều nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn sau năm 2020, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; việc kiện toàn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra; việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; vấn đề về bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp…
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục phát huy kết quả của 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, coi đây là căn cứ quan trọng đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong những năm tới đây.
Đó là những thành tựu tư pháp trong bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên phương diện pháp luật và tư pháp với vai trò là chốt chặn cuối cùng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, tiếp tục giải quyết những nhiệm vụ có tính chất cốt lõi do Chiến lược cải cách tư pháp đề ra (tổ chức tòa án sơ thẩm theo đơn vị hành chính, mô hình quản lý các tòa án; chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của viện kiểm sát; tổ chức cơ quan điều tra theo hướng thu gọn đầu mối; việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án cho Bộ Tư pháp; xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự và các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp...).
Bên cạnh đó, các đại biểu đã đánh giá về những ưu điểm, kết quả cũng như những khó khăn, vướng mắc sau 15 năm thực hiện Nghị quyết. Trong đó, tập trung vào những vấn đề: Về tổ chức tòa án theo khu vực; về đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ sức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp...