Thái Nguyên: Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển biến rõ nét, thực chất cả về chất và lượng
Tin tức - Ngày đăng : 21:59, 18/10/2019
Nhằm chuyển hóa mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới thành hành động cụ thể trong nhân dân, ngay từ khi triển khai dự án, Đảng bộ, chính quyền và Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên đã tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, chủ trương và các chính sách hỗ trợ, đầu tư liên quan đến các nội dung tiêu chí thực hiện xây dựng nông thôn mới của trung ương, tỉnh và huyện thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân để nhân dân nắm được chủ trương, tham gia ý kiến đóng góp vào đề án xây dựng nông thôn mới sao cho phù hợp với từng vùng, đáp ứng được yêu cầu, nội dung tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh đã tổ chức 20.389 hội nghị tuyên truyền tập trung cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, cán bộ và nhân dân từ cấp huyện đến xã, xóm (gồm cả: hội nghị, sinh hoạt định kỳ, chuyên đề của MTTQ và các đoàn thể) với 1.370.603 lượt người tham gia; 497 cuộc thi tìm hiểu về xây dựng NTM; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về NTM trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên và trang thông tin điện tử NTM Thái Nguyên .
Việc phấn đấu đạt các tiêu chí NTM nói chung và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tỉnh đã tích cực tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều phương tiện về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua lớn. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, nhân dân đã tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để xây dựng các công trình.
Chuyển biến của những vùng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động, UBND tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và tổ chức phát động Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng ứng sâu rộng với những việc làm thiết thực như: MTTQ tỉnh cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với phong trào thi đua: “Tuổi trẻ Thái Nguyên chung tay xây dựng NTM”, triển khai các tuyến đường thắp sáng làng quê, Hội liên hiệp Phụ nữ với cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Hội Nông dân với phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Hội Cựu chiến binh “Cựu chiến binh nêu gương sáng, hiến kế, hiến công xây dựng NTM”… Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” đã có tác động tích cực, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đã xuất hiện một số mô hình tiêu biểu với nhiều sáng kiến; điển hình trong xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương, đơn vị .
Đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã đạt 19 tiêu chí; trong đó có 88 xã (61,5%) được công nhận đạt chuẩn NTM tăng 48 xã so với năm 2015; cao hơn 2,3 lần so với khu vực Miền núi phía Bắc (26,45%) và cả nước (50,26%). Dự kiến hết năm 2019 sẽ có 101 xã đạt chuẩn (bằng 70%); về đích sớm trước 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì và phát triển, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, đã có những tác động tích cực trong việc cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của nhân dân, đẩy lùi và dần xóa bỏ các tệ nạn xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, huy động được các nguồn lực đóng góp trong nhân dân để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, thực hiện tốt nếp sống văn minh. Đến nay có 131 xã đạt chuẩn, bằng 94,2% tổng số xã đạt tiêu chí về văn hóa (tăng 85,9% so với năm 2010 và 36,9% so với năm 2015).
Ý thức bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực; người dân đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. giai đoạn 2011-2019 đã xây dựng được 80 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (nâng tổng số công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh lên 239 công trình); 68 nghĩa trang; 207 điểm thu gom rác thải; 55 công trình vệ sinh tại các trường học; trên 30.000 công trình vệ sinh hộ gia đình. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91,8%, sử dụng nước sạch đạt 67,8%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 72,7%; hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 75%; tỷ lệ trường học có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96,8%. Đến nay có 94 xã đạt tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm bằng 67,6% tổng số xã (tăng 55% so với năm 2010 và tăng 34,8% so với năm 2015).
Công tác Quốc phòng - An ninh được cấp uỷ, chính quyền và nhân dân chung tay góp sức thực hiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, chủ động giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tôn giáo, an ninh nông, bảo vệ chính trị nội bộ. Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp”, hoàn thành tốt công tác huấn luyện dân quân, tự vệ và các chỉ tiêu quốc phòng. Đến nay, có 131 xã (bằng 94,2% tổng số xã) đạt chuẩn tiêu chí số 19 về quốc phòng và an ninh (tăng 1.9% so với năm 2010 và bằng năm 2015).
Sau 10 năm triển khai, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên những bước đột phá, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội, diện mạo các vùng quê ngày càng thay da, đổi thịt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự ngày càng được củng cố vững chắc. Số xã đạt chuẩn NTM hết năm 2019: 101 xã, về đích trước 01 năm; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM: 03 đơn vị, vượt 01 đơn vị và về đích trước 02 năm). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,63 triệu đồng/người/năm (vượt 2,63 triệu đồng, về đích trước 01 năm). Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) khu vực nông thôn giảm còn 8,47%; thấp hơn 8,6% so với tỷ lệ hộ nghèo khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc (17,07%).
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến năm 2020 và giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Các sở, ban, ngành cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được phân công phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công phụ trách tiêu chí cụ thể để tổ chức tuyên truyền vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên của tổ chức mình hưởng ứng và tham gia chương trình xây dựng NTM; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao ý thức tự lực tự cường củng cố khối đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân.
Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.Làm sao để nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người nông dân càng được nâng cao, giàu mạnh một cách bền vững.
Sau đây là một số hình ảnh về nông thôn mới (Điện, đường, trường, trạm), tại tỉnh Thái Nguyên: