Tiếng nói từ trái tim dạt dào yêu thương

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 08:17, 14/05/2022

Vũ Quần Phương
Phải chăng
Phải chăng trước gương em thoáng nét buồn:
tuổi trẻ xa rồi, nhan sắc đi đâu!
Nhan sắc thành đời anh và các con khôn lớn
thành tháng ngày khuya sớm lo toan
Thuở sinh đứa con đầu
em tháo vội chiếc áo len duy nhất
chiếc áo hồi môn một thời con gái
để đan thành tấm áo nhỏ cho con
Anh đã rét cái rét em trong mùa đông ấy 
Ấm cái ấm của con suốt cả đời người
Em thức trắng nhiều đêm để bây giờ tóc bạc
mỗi sợi dệt anh vào với cuộc đời này
những sợi bạc vì anh mà có 
những sợi chiều xao xác heo may
Năm tháng hạt thành cây, cây thành mùa trĩu quả
năm tháng dắt em đi lên mẹ, lên bà
lấy bước nhỏ chân mình đo mọi chặng đường xa
Đôi vai mảnh tảo tần thành nơi anh nương tựa
bàn tay khum che chở hóa căn nhà
sợi tóc bạc như một lời nói nhỏ
anh nghe thầm gian khổ những ngày qua.
Kỷ niệm những dịp năm tròn ngày cưới là rất ý nghĩa đối với các cặp vợ chồng, đây là mốc son minh chứng quá trình chung sống, tình cảm bền chặt giữa hai người. Bài thơ “Phải chăng” của nhà thơ Vũ Quần Phương là tiếng nói từ trái tim dạt dào tình yêu thương và tri ân của người chồng gửi gắm tới người vợ tào khang.
Khơi nguồn cảm hứng thơ của thi phẩm là phu nhân của nhà thơ - bà Đào Thị Hường, người đã cùng chồng trải qua nửa thế kỷ chung sống. Nói người vợ tào khang là để chỉ tình nghĩa vợ chồng gắn bó từ thuở còn nghèo khó đến khi mãn đời hạnh phúc đong đầy. 50 năm ngày cưới, một mốc son không nhiều cặp vợ chồng đạt được, dẫu vợ chồng nhà thơ dự định không tổ chức kỷ niệm gì dềnh dang, nhưng đề xuất và mong muốn của các con cháu khiến ông bà không thể bỏ qua. Nhân đám cưới vàng đặc biệt ý nghĩa này, nhà thơ có sáng tác mới tặng vợ. Năm mươi năm là gần hai vạn ngày! Biết bao nhiêu nghĩa tình, bao điều muốn nói, bao cảm xúc muốn thổ lộ nhưng tác giả không đao to búa lớn, nói bằng ngôn từ rất dung dị: “Phải chăng trước gương em thoáng nét buồn:/ tuổi trẻ xa rồi, nhan sắc đi đâu”. Lặng lẽ quan sát, chủ thể trữ tình thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với một nửa của mình. Tuổi trẻ và nhan sắc có ý nghĩa rất quan trọng với phụ nữ, nhất là với người làm vợ. Trong bài “Khách hóa chủ nhà em hóa đời anh”, thi sĩ từng rất tự hào khi nói về ý trung nhân “mười chín tuổi như em, xanh ngát, tươi hồng”. Nhưng giờ đây “tuổi trẻ” đã là quá khứ, cả nhan sắc cũng hao hụt đi đâu? Nhà thơ tự lý giải với thái độ ghi nhận và trân quý sự hy sinh tận tâm, thầm lặng của người bạn đời: “Nhan sắc thành đời anh và các con khôn lớn/ thành tháng ngày khuya sớm lo toan”. Tác giả dùng thể thơ tự do, các khổ thơ với số câu không đều nhau và phép ẩn dụ nhân hóa nói rõ những lo toan vất vả đức nhẫn nại ở người vợ. Lời thơ thể hiện rõ thái độ thấu hiếu và tri ân vợ sâu sắc. Nhờ có em lo toan, thu vén, tảo tần hôm sớm mà “đời anh và các con khôn lớn”. Tục ngữ có câu “Gái có công, chồng chẳng phụ”, có người phụ nữ nào lại không phấn khởi khi được thấu hiểu và ghi công như vậy? Liền đó, tác giả ôn lại ký ức không thể nào quên: Khi sinh đứa con đầu lòng, gia cảnh còn thiếu thốn - cũng như bao gia đình cán bộ công chức khác thời bao cấp bấy giờ - Áo len mặc ấm cho bé không bán trên thị trường, người mẹ trẻ “tháo vội chiếc áo len duy nhất/ chiếc áo hồi môn một thời con gái/ để đan thành tấm áo nhỏ cho con” . Điệp ngữ chiếc áo len cùng với cách dùng từ “chiếc áo hồi môn” hóm hỉnh, trào lộng bởi nụ cười ý nhị. Nói tới hồi môn thường để chỉ sự chuyển giao tài sản của cha mẹ hoặc quà tặng có giá trị như vàng hay tiền khi con gái đi lấy chồng. Còn ở đây hồi môn chỉ là chiếc áo len duy nhất, người mẹ đã tháo gỡ ra và khéo léo đan lại cho con. Tác giả vô cùng xúc động trước nghĩa cử ấy. Người chồng, người cha không chỉ “rét cái rét em trong mùa đông ấy”, mà còn “Ấm cái ấm của con suốt cả đời người”. Câu thơ nhờ phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác rất sáng tạo đã chạm đến trái tim người đọc bởi tình nghĩa vợ chồng cùng chia sẻ cay đắng, ngọt bùi. Thoạt nghe ý thơ này tưởng như mâu thuẫn nhưng ngẫm kỹ lại thấy thống nhất ở nội hàm tình chồng vợ, nghĩa cha con. Rồi nhiều đêm khác nữa: “Em thức trắng để bây giờ tóc bạc”, những sợi tóc nhỏ bé của em vì con, vì anh mà dần đổi màu theo năm tháng. Những sợi tóc ấy cũng là những sợi thương, sợi nhớ, sợi chăm lo, quan tâm mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm để dệt nên và gắn kết mọi thành viên trong gia đình trong tình yêu thương và trách nhiệm. 
Điều tuyệt vời là “Năm tháng hạt thành cây, cây thành mùa trĩu quả/ năm tháng dắt em đi lên mẹ, lên bà”. Sự dâng hiến, hy sinh lặng thầm của người vợ, người mẹ như cây tích tụ nhựa từ nắng gió để kết nên hoa tươi trái đẹp và thành “mùa trĩu quả”, không phải thứ quả bình thường mà là quả ngọt, trái thơm. Hai bé con của nhà thơ hồi nào vẫn thường được ông cùng vừa dạy vừa chơi trò “nếu nhắm mắt…”(Nói với em), giờ đã là những người thành đạt là Giáo sư Vũ Hà Văn và Tiến sĩ Vũ Thanh Điềm. 
Khổ cuối bài, một lần nữa nhà thơ khẳng định vai trò trung tâm, hạt nhân nuôi giữ ngọn lửa hạnh phúc gia đình mình chính là “Đôi vai mảnh tảo tần..., là “bàn tay khum che chở” của em. Thông thường, người ta hay nói tới đôi vai vạm vỡ, chắc khỏe của người chồng là chỗ dựa cho vợ con. Còn ở đây, thi sĩ lại nói tới đôi vai mảnh dẻ nhưng tảo tần của vợ lại là điểm tựa tin cậy cho cả gia đình. Đặc biệt, hình ảnh đôi tay khum của người vợ mỗi khi thắp hương trước ban thờ gia tiên như hình ảnh mái nhà thân thương thu nhỏ mà người chồng và các con luôn cảm thấy ấm áp mỗi buổi đi về. Nói về những thành quả của hai con trai, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn ghi nhận rằng công lớn thuộc về vợ, đặc biệt là cách bà Hường tạo nên bầu không khí học tập và lối tư duy khoa học ở mọi thành viên trong gia đình, cốt lõi là mỗi người luôn tự học hỏi và sáng tạo, không hề bó buộc theo khuôn khổ. Đúng như ông bà xưa thường nói “Phúc đức tại mẫu”. Nhờ có người vợ, người mẹ đảm đang thu vén khéo mà gia đình vượt qua bao mưa nắng gió giông, để bây giờ có niềm vui đong đầy trong ấm nồng yêu thương. Rất nhiều người chúc mừng hạnh phúc viên mãn của đại gia đình nhà thơ. Đó là thành quả xứng đáng cho sự phấn đấu bền bỉ của mọi thành viên ở một gia đình trí thức, là phần thưởng xứng đáng dành cho những con người tự cày cấy gieo trồng với sự nỗ lực không mệt mỏi “Quả đến chín trong tay còn lấm đất gieo trồng”. 
Nhan đề bài thơ là “Phải chăng” tuy hình thức là dạng câu hỏi nhưng toàn bài tác giả đã tự trả lời. Đó là tiếng nói chan chứa yêu thương và tấm lòng tri ân của người viết gửi vào câu chữ, đây đúng là một bài ca đẹp về tình nghĩa vợ chồng trong nền thơ ca đương đại. Bằng thi phẩm này, một lần nữa cho thấy thơ Vũ Quần Phương giàu chất trữ tình kết hợp với suy tư, giọng điệu hoài niệm, đem đến cho bạn đọc những bài học bổ ích từ cuộc sống.

Nguyễn Thị Thiện