Lần đầu chạm ngõ Kinh đô

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 11:49, 14/05/2022

Lần đầu  chạm ngõ Kinh đô
Từ lúc còn bé thơ tôi luôn ước mơ một lần được chạm chân đến vùng đất ngàn năm văn hiến. Tôi mơ màng hình dung về nơi có tiếng leng keng của tàu điện rộn ràng cửa ô, có Tháp Rùa in bóng nước mà tôi vẫn thấy trong các trang sách, tờ lịch treo tường và qua lời kể của cậu bạn.
Những đứa học trò nhỏ nơi miền quê đầy nắng và gió chưa bao giờ có cơ hội ra khỏi lũy tre làng có những sự tưởng tượng về Hà Nội theo cách riêng của mình. Hà Nội trong sự liên tưởng của cô bạn cùng lớp có cả những đồng lúa như ở quê vì bạn ấy nghe câu chuyện của bác mình đi tập kết ngoài ấy kể về món cốm xanh non. Cậu bạn cùng bàn thì khẳng định chắc nịch rằng Hà Nội có nhiều hồ rộng như biển vậy vì bạn ấy thấy hình trong một tờ báo đọc ở thư viện. Còn tôi khi xưa vẽ Thủ đô trong trí tưởng tượng của mình bằng những bài hát về Hà Nội mà mình vẫn thường nghe qua chiếc radio hằng ngày. Từng địa danh, từng con phố, từng mùa đi qua ở nơi hàng dặm xa cứ hiện ra rõ mồn một. Tôi nằm nhắm mắt đi dạo hồ Gươm để thấy Tháp Rùa nghiêng soi bóng, nghe tiếng sóng sông Hồng reo và nghe cả tiếng kẽo kẹt gánh gồng nhộn nhịp trên các con phố qua từng nốt nhạc hùng hồn của “Người Hà Nội” trong bức tranh mà nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vẽ nên. Những giọng đọc đầy cảm xúc của các cô phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam cho một cậu bé nhỏ như tôi cảm nhận được cái đẹp của mùa thu Hà Nội trong màn sương bảng lảng, trong những cơn gió heo may xao xác ùa về mà nơi nắng gió quê tôi chưa bao giờ có được. Ở những năm cuối thập niên 70 đầu 80 của thế kỷ trước, phương tiện truyền thông là chiếc đài bán dẫn duy nhất ấy giúp tôi thu hẹp khoảng cách với Hà Nội hào hoa, thanh lịch.
Khi truyền hình phổ biến cũng là lúc tôi đã lớn, đã biết cảm nhận vẻ đẹp của Thủ đô qua hình ảnh chứ không còn là sự tưởng tượng nữa. Tôi thường ngồi xem ti vi và thả niềm ước mơ từ thuở nhỏ của mình vào mênh mông mỗi khi những hình ảnh đẹp của Hà Nội hiện lên. Tôi thích ôm đàn và hát những bài hát về Hà Nội như “Nhớ về Hà Nội”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố”... trong những lúc thảnh thơi và ao ước một ngày nào đó được đi trên con phố Nguyễn Du để ngắm nhìn hoa sữa, được ngồi dưới tán cây bàng lá đỏ mà nhâm nhi cốm sữa vỉa hè hay thả bộ qua những con phố cổ để nghe ký ức từ xa xưa vọng lại.
Niềm ao ước bấy lâu rồi cũng đến khi tôi được cử tham gia hội nghị công tác Đoàn ở Thái Nguyên. Khác với sự hối hả, rộn ràng của nhiều hành khách khi con tàu chạy xuyên đêm đã nằm im lìm trên những thanh ray của nhà ga cuối cùng, tôi ngồi ngắm nhìn Hà Nội qua ô cửa hỏa xa trong ánh đèn vàng cổ kính trên sân ga rồi mới từ từ thả bộ những bước chân đầu tiên trên đất Hà thành. Tôi bảo anh bạn đi cùng là người gốc Hà Nội đưa đi thưởng thức món phở, món ăn mà qua ngòi bút của cụ Nguyễn Tuân độc giả có thể vừa đọc vừa nuốt nước bọt vì thèm. Dù đã ăn phở Hà Nội ở nhiều nơi nhưng vị giác lần đầu được tiếp xúc với món “quốc túy” ngay giữa lòng Thủ đô nó vượt qua ranh giới của “ngon”. Bát phở trước mặt dường như quyện trộn nhiều cảm xúc của người thực khách phương xa là tôi. Anh bạn người Hà Nội khuyên tôi nên dành bụng để mà còn thử nhiều món ngon khác của đất kinh kỳ này. Tôi lục lọi trong trí nhớ những cái đích đến mà mình đã sắp xếp sẵn trước khi đi. Theo yêu cầu, anh bạn thả chúng tôi trên con phố Nguyễn Du nhộn nhịp người xe để được tận mắt xem cây hoa sữa vì câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mà mình vẫn thường hay ngân nga “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng”. Tôi tản bộ mà mấy lần suýt va vào các bác đạp xe xích lô, xe ôm đậu vạ vật trên vỉa hè vì mặt cứ ngước lên trời ngó cây hoa sữa tìm bông. Cái nắng đầu ngày làm hồ Gươm thêm lung linh hơn trong con mắt người lữ thứ. Tôi dạo quanh bờ hồ để nghe những ký ức về nơi linh thiêng của Thủ đô trong trí tưởng tượng của mình bấy lâu thổn thức. Cũng giống như bát phở đầu buổi sáng, cái đẹp của hồ Gươm không còn nằm ở thị giác của một người thấy quá nhiều về nó trước khi lần đầu chạm mặt, nó giống như ta bất ngờ va vào miền nhớ để định hình lại những gì đã xếp trong não bộ trước đây. Thời điểm đó chưa ra đời smartphone nên những bức hình chúng tôi ghi lại còn quá ít. Sau hội nghị, chúng tôi quay lại để có thêm thời gian mà khám phá đất kinh kỳ. Anh bạn người Hà Nội cùng đoàn không còn làm hướng dẫn viên mà để cho chúng tôi tự trải nghiệm. Sau một buổi lòng vòng ở những nơi mình thích, chúng tôi ghé vào một quán cơm bình dân để thử xem cuộc sống của biết bao người chọn nơi này kiếm kế sinh nhai. Thì ra Hà Nội cũng giống như những thành phố khác bao dung, gánh gồng cả những mảnh đời vất vả, nhọc nhằn. Nơi ấy có chú xích lô vắt trên vai chiếc khăn lau mặt ngồi nhả khói thuốc lào sau những cuốc xe. Có cô bán hàng rong khuôn mặt lấm tấm mồ hôi ăn bữa cơm cũng đơn giản, đạm bạc như cuộc đời mình. Họ bám trụ lại nơi náo nhiệt này để cho những đứa con của mình ở quê được đi học...
Khi tôi bắt chuyện với một chị khoác chiếc áo đã ngả màu sương gió ngồi bên, anh Hiệu trưởng đoàn lớn giọng gọi “Cho tộ canh” nhưng chị bán cơm cứ ngớ ra không hiểu. Tôi gọi lại bằng cái giọng Bắc mới bắt chước “Cho bát canh” thì chị cười xòa bê tới liền làm mấy anh vỗ vai anh Hiệu cười nắc nẻ. Rút kinh nghiệm từ bữa cơm này, mấy anh đi cùng bảo tôi giả giọng Hà thành vào mua đồ vừa khỏi “thông ngôn” vừa yên tâm không bị thách giá khi chúng tôi dạo phố Láng Hạ mua hàng...
Ấn tượng nhất đối với hầu hết những người phương Nam ra Bắc là được vào lăng viếng Bác Hồ. Đã hình dung sự trang nghiêm nhưng khi đến nơi tôi mới biết còn khác xa những gì mình tưởng tượng. Dòng người dài dằng dặc nhích dần từng bước trong im lặng trước sự nghiêm cẩn của những người lính cảnh vệ. Ai ai cũng dành sự thành kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của mình. Trong những ngày lưu lại Thủ đô, tôi cố gắng thu vào tầm mắt và trí nhớ của mình về vùng đất ngàn năm văn vật, về cuộc sống của người Tràng An để còn kể với học sinh và bạn bè của mình những gì mắt thấy tai nghe. Ngồi trên tàu hỏa rời ga trong buổi trưa đầy nắng, tôi chia tay Hà Nội mà vẫn còn luyến tiếc vì không có đủ thời gian để được đi, được ngắm, được thưởng thức những gì tinh túy nhất của đất kinh đô.
Những lần sau khi đến Hà Nội, cái cảm giác háo hức như lần đầu không còn nhưng lòng vẫn cứ rạo rực vì thấy Thủ đô không ngừng phát triển. Chẳng phải là dân Hà thành nhưng sao mỗi lần chạm ngõ, ta như chạm vào miền yêu thương. Ta như tế bào máu tuần hoàn trên khắp Việt Nam này rồi trở về nơi trung tâm nhất là trái tim trên cơ thể của mình - Hà Nội.

Bùi Duy Phong