Bão số 5: Sập 2 km kè biển, Bình Định ban bố tình trạng khẩn cấp
Tin tức - Ngày đăng : 14:15, 31/10/2019
Sóng lớn do bão số 5 làm sập 2 km kè biển khiến 13 nhà dân bị cuốn phăng ra biển, UBND tỉnh Bình Định đã ban bố tình trạng khẩn cấp, huy động lực lượng phương tiện để xử lý sự cố.
Thông tin tại cuộc họp trực tuyến với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng nay, 31.10, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết gió bão tại thành phố Quy Nhơn kéo dài 4 tiếng, cường độ rất mạnh đã khiến hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ.
Còn tại vịnh Quy Nhơn đã ghi nhận sóng cao 4 - 5 m khiến 7 tàu vận tải bị nhổ neo, trôi dạt. Mưa bão cũng khiến 144 ngôi nhà dân bị sập hoàn toàn.
Đặc biệt, ông Hồ Quốc Dũng cho biết, nghiêm trọng nhất là sự cố sập kè biển tại xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, với chiều dài khoảng 2 km, đã cuốn phăng 13 ngôi nhà dân ra biển. “Nếu không hàn khẩu được kè thì nguy cơ 96 hộ dân khác cũng sẽ bị cuốn trôi. Địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đang tập trung lực lượng để khắc phục”, ông Châu nói.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết trong số 3 tàu mắc cạn, thả trôi hiện nay, nguy hiểm nhất là tàu Khánh Ngọc hiện chở theo 10 tấn dầu. Tại hiện trường, các đơn vị quân đội cũng lên phương án để sẵn sàng xử lý tình huống nếu xảy ra sự cố tràn dầu.
Miền Trung nguy cơ lặp lại trận lũ lịch sử 1999
Nhận định về tình hình mưa lũ sau bão số 5, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cảnh báo mưa đã kéo dài nhiều ngày qua nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất là rất lớn. Đặc biệt là lũ lớn trên sông Vệ dự báo gây ngập sâu, lũ lụt diện rộng những ngày tới.
Theo ông Khiêm, dự báo trong những ngày tới sẽ hình thành một dải hội tụ nhiệt đới và có khả năng tiếp tục xuất hiện một cơn bão mới, gây ra một đợt mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung. “Tổng lượng mưa dự báo phổ biến từ 300 - 500 mm, có nơi mưa trên 500 mm, nên các tỉnh miền Trung có nguy cơ lặp lại trận lũ lịch sử năm 1999”, ông Khiêm thông tin.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, công tác dự báo diễn biến bão số 5 có nhiều tiến bộ so với trước đây khi dự báo chính xác, kịp thời, và đây là cơ sở để các địa phương ứng phó giảm thiểu được thiệt hại do mưa bão.
Nhấn mạnh đáng lo nhất là mưa lũ dồn dập sau bão đe doạ các công trình hồ đập, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi, Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ công trình hồ đập, đảm bảo vận hành an toàn không để xảy ra các sự cố; sẵn sàng các phương án ứng phó không để bất ngờ, bị động khi xảy ra các tình huống phát sinh.
Đối với khu vực vùng núi, địa phương không được lơ là chủ quan, mà phải tiếp tục rà soát, kiên quyết sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Liên quan đến sự cố nhiều tàu, thuyền trôi neo, trôi dạt, Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm khi các tình huống này đã được cảnh báo, dự báo, nhưng thực tế vẫn để 7 tàu vận tải bị trôi neo ở cảng Quy Nhơn, nhiều tàu thuyền chìm, đắm, va đập ở nơi neo đậu.