Từ tháng 11, hôn người dưới 16 tuổi sẽ bị kết tội dâm ô trẻ em
Tin tức - Ngày đăng : 15:15, 01/11/2019
Hôn người dưới 16 tuổi bị kết tội dâm ô trẻ em
Từ 5-11, Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng trong xét xử án xâm hại tình dục trẻ em chính thức có hiệu lực.
Nghị quyết quy định rõ các trường hợp bị xác định là dâm ô với người dưới 16 tuổi theo điều 146 Bộ luật Hình sự 2015, như: Dùng các bộ phận của cơ thể hay dụng cụ tình dục tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của nạn nhân; dụ dỗ, ép buộc tiếp xúc với bộ phận nhạy cảm của mình hoặc người khác.
Ngoài ra, một số hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, ví dụ, hôn vào miệng, cổ, vai, gáy... của người dưới 16 tuổi, cũng là căn cứ để xác định hành vi dâm ô.
Cấm cán bộ quản lý thị trường vòi vĩnh người đang bị thanh tra
Thông tư 18/2019 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 15-11. Thông tư này bổ sung thêm 10 hành vi cấm với cán bộ, công chức quản lý thị trường, nâng số điều cấm lên 25 thay vì 15 hành vi như hiện hành.
Cụ thể, thông tư bổ sung hành vi gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Các hành vi bị cấm khác gồm: Tiết lộ trái phép thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thông tin, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để cung cấp, tư vấn trái phép cho tổ chức, cá nhân khác hoặc để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng...
Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ người lao động tới 100 triệu
Nghị định 74/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ 8-11.
Nghị định này đã quy định tăng hạn mức vay, hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh lên tối đa là 2 tỷ đồng/dự án (hiện hành là 1 tỷ đồng) và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động (mức hiện nay là 50 triệu đồng).
Ngoài ra nghị định này cũng quy định tăng thời hạn vay vốn lên tối đa 120 tháng thay vì 60 tháng như hiện nay; người lao động vay từ 100 triệu đồng trở lên mới cần có tài sản bảo đảm tiền vay thay vì mức 50 triệu đồng như hiện hành.
Công bố danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm
Ngày 5-11, Thông tư 10 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức có hiệu lực.
Ngoài việc công bố 4.021 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, thông tư này còn công bố danh mục 41 loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm tuyệt đối sử dụng, trong đó có: Các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa Chlordimeform; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isobenzen; thuốc bảo vệ thực vật có chứa Isodrin…
Đồng thời, thông tư này chỉ rõ các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12-2-2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12-2-2021.
Nhiều văn bản về cán bộ, công chức bị bãi bỏ
Từ ngày 15-11, Thông tư 11 của Bộ Nội vụ sẽ có hiệu lực. Kể từ thời gian này, hàng loạt văn bản liên quan đến cán bộ, công chức chính thức bị bãi bỏ. Trong đó phải kể đến:
- Thông tư số 05 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định 159 năm 2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
- Thông tư số 07 năm 2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
- Thông tư số 05 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 15 năm 2007 về phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện.
- Quyết định số 135 năm 2005 của Bộ Nội vụ ban hành quy chế bồi dưỡng Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.
- Quyết định số 04 năm 2008 của Bộ Nội vụ ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Thanh tra…