Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Nghệ thuật không dành cho sự dễ dãi, bằng lòng!

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 08:35, 15/05/2022

NSND Trọng Trinh từng là một nghệ sĩ tài năng trên sân khấu kịch nói. Tuy nhiên, sau đó anh có bước rẽ sang truyền hình, điện ảnh và để lại nhiều dấu ấn không chỉ ở các vai diễn mà còn ở cả những series phim truyền hình. Với đạo diễn, NSND Trọng Trinh, ở vai trò nào anh cũng luôn đầu tư thời gian và tâm sức vì nghệ thuật không dành cho sự dễ dãi hay bằng lòng!
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Nghệ thuật không dành cho sự dễ dãi, bằng lòng!


PV:Thưa NSND Trọng Trinh, nhớ về những năm tháng tuổi trẻ, khi còn là diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam, anh nhớ về kỉ niệm nào nhất? 
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Đấy là hội diễn sân khấu kịch nói các nước xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, vào năm 1989, tổ chức tại Nga. Đó là chương trình quy mô lớn, hội tụ các nghệ sĩ tên tuổi ở các nước. Hồi ấy tôi còn rất trẻ, được cùng với các nghệ sĩ lớp cha, chú của Nhà hát kịch Trung ương như nghệ sĩ Phạm Bằng, Anh Dũng, Thế Anh, NSND Trần Tiến, Trọng Khôi… mang vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, kịch bản Lưu Quang Vũ, do NSND Nguyễn Đình Nghi dựng, sang nước bạn biểu diễn. Vở kịch này đạt giải Nhất của hội diễn sân khấu và khiến bạn bè nước ngoài rất thán phục. Trong vở kịch ấy, tôi và anh Anh Dũng thay nhau đóng vai con của ông Trương Ba. Sau đó chúng tôi có một chuyến lưu diễn 3 tháng và được giao lưu với các nghệ sĩ nước ngoài để hiểu hơn về sân khấu kịch. 
PV:Nhưng rồi anh lại rẽ sang truyền hình. Tại sao?
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ rẽ sang truyền hình. Đó là một bước ngoặt. Khi từ ở Nga trở về, tôi đã có suy nghĩ, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với nước Nga, hình như khán giả đến với sân khấu đã thưa dần. Lúc bấy giờ tôi muốn đi học đạo diễn sân khấu nhưng nhà hát không cho, bởi hồi ấy tôi toàn được giao vai chính ở nhà hát trong các vở diễn như “Nếu anh không đốt lửa”, “Nhân danh công lý”... Trong khi đó tôi vừa làm sân khấu, vừa tham gia đóng phim. Khi về nhà hát làm diễn viên, trong tôi luôn có suy nghĩ mình phải phát triển bản thân, không chỉ dừng lại ở những vai diễn, được khán giả yêu mến mà phải tạo dựng nên những tác phẩm nghệ thuật. Thế rồi cơ duyên dẫn bước tôi sang truyền hình và thử thách đầu tiên trước khi được đi học đạo diễn là tham gia bộ phim truyền hình “Gió qua miền tối sáng”.
PV:Vậy anh đã có những trải nghiệm thú vị gì với vai bác sĩ Hưng trong “Gió qua miền tối sáng” - bộ phim truyền hình đầu tiên của mình? 
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Mỗi nhân vật đều có lý lịch, thân phận, cá tính khác nhau. Trước đây chúng ta thường có những mẫu nhân vật là người tốt na ná nhau. Trong khi đó, những vai phản diện, có cá tính lại xây dựng rất sắc nét. Chúng ta vẫn quan niệm: người tốt thì luôn tròn trịa, không có điều gì để nói nữa? Nhưng không phải vậy! Con người phải có bản ngã, sự đấu tranh. Các nhân vật có đời sống, công việc, gia cảnh và nếu tìm hiểu sẽ thấy nhân vật ấy khác. Nhân vật Hưng trong “Gió qua miền tối sáng” bình thường như bao người khác, có một người vợ rất chu toàn với gia đình. Chúng ta có thể nhìn thấy nhân vật ấy ở đâu đó. Tôi cũng thấy nhân vật Hưng có đôi nét gần với mình, một con người đôi khi gặp gian nan trắc trở nhưng không ai hiểu được mình, trong cuộc sống cảm thấy bế tắc, đi đến miền xa gặp lại bạn cũ, cũng có một chút mủi lòng. Khi phát hiện mình bị HIV, nhân vật Hưng cảm thấy chán chường như đang đối diện với án tử hình. Tôi đã có những cảnh quay nhân vật Hưng đi uống rượu về, vật vờ, đối xử tệ bạc với người thân trong nhà, càng ngày càng lún sâu trong sự chán chường. Mình phải đặt hoàn cảnh: nếu mình như thế thì  sẽ như thế nào? Tôi vẫn nhớ lúc nhân vật Hưng đứng bên mép bờ sông Hồng, nước cuồn cuộn, cảm xúc chợt trào dâng, tự nhiên lúc ấy có cảm giác mình đang chuẩn bị chào vĩnh biệt mọi người… Bộ phim này đã đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm, mặc dù là bộ phim tuyên truyền về HIV nhưng được đông đảo khán giả đón nhận. 
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Nghệ thuật không dành cho sự dễ dãi, bằng lòng!
NSƯT Trọng Trinh (ngoài cùng bên trái) trong phim “Nàng dâu order”.
PV: Trong những năm gần đây đạo diễn, NSND Trọng Trinh gắn liền với nhiều series phim truyền hình. Phải chăng chìa khóa của anh chính là tính chân thực?
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Khán giả phải thấy được ở phim truyền hình sự gần gũi, có mình ở trong đó. Các tác giả, nhà biên kịch phải đưa chính những câu chuyện từ cuộc sống vào phim. Tôi vẫn nhớ ngày trước làm phim “Mưa bóng mây” (ban đầu có tên là “Ngoại tình”) đề cập một vấn đề tâm lý xã hội, chúng tôi đã phải thay đổi tới 3 người viết mới ưng ý về mặt kịch bản. Ngôn ngữ trong bộ phim này “không xàm xàm” như đi chợ mua mớ rau mà đòi hỏi sự tinh tế, sâu sắc trong ứng xử của nhân vật. Một bộ phim muốn thành công thì trước hết phải có kịch bản tốt. Bên cạnh đó, cần phải học hỏi kinh nghiệm làm phim của các nước phát triển, tiêu biểu như Hàn Quốc. Khi làm phim “Tuổi thanh xuân” chúng tôi được học hỏi rất nhiều. Tôi vẫn nhớ nhà biên kịch phim là người Hàn Quốc, đã đồng hành với chúng tôi từ khi quay, dàn dựng cho đến khi phát sóng. 
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Nghệ thuật không dành cho sự dễ dãi, bằng lòng!
Đạo diễn, NSƯT Trọng Trinh đang thị phạm diễn xuất cho diễn viên.

PV:Anh từng nói, sau khi về hưu anh có thêm thời gian để làm nghề. Những năm qua, việc tham gia làm nhiều series phim truyền hình từ tâm lý tình cảm, hôn nhân gia đình và cả đề tài hình sự, có phải anh đang tích cực hiện thực hóa mong muốn đó?
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Trên vai trò diễn xuất, tôi tham gia đóng “Hãy nói lời yêu”, “Nàng dâu order”, “Sinh tử”, “Lửa ấm”... Đấy là những năm tháng đẹp vì tôi được thỏa sức hóa thân. Trước đây tôi vừa làm phim, vừa làm quản lý, không đi được nhiều. Có những phim được mời nhưng tôi không thể bỏ công việc ở VTV để đi đóng phim được. Còn khi về hưu, tôi được làm điều mình thích. Khi đóng phim “Hãy nói lời yêu” xong, tôi đã vào Nam làm chương trình. Tiêu biểu như làm người dẫn chương trình “Chuyện đời chuyện nghề” phát trên VTV cáp, cùng với các nghệ sĩ tên tuổi nói về những đóng góp của họ cho nghệ thuật nước nhà. Tôi cũng được thử sức và mọi người khen rằng nhìn thấy một “chất” khác của tôi. Khi được hỏi, các nghệ sĩ cũng thích trải lòng với mình. Hay như tôi tham gia làm phim hài sitcom “Bác Ba Phi”. Không phải là những câu chuyện quá phức tạp, với số phận, tâm lý như phim truyền hình, nhưng phim sitcom lại đòi hỏi những tình huống bất ngờ, tạo ra tiếng cười cho khán giả. Khi làm việc tôi được chứng tỏ mình, được cống hiến và cảm thấy mình có giá trị trong mắt mọi người, đó cũng là hạnh phúc chứ! 
PV:Vốn là một đạo diễn dành cả thanh xuân hoạt động nghề nghiệp trong môi trường nghệ thuật chỉn chu, kỹ càng nhưng chậm rãi và có phần công thức… ở phía Bắc. Vậy khi Nam tiến, anh đã phải dung hòa như thế nào với sự đa dạng, năng động của môi trường làm việc mới này?
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Cách đây 4 - 5 năm trước, tôi đã thử thách mình với phim sitcom “Nè, biết gì chưa 888” của nhà sản xuất phía Nam. Đến bây giờ, khi vào làm việc, nhà sản xuất đã nói với tôi: “Anh ơi, ở trong này không làm kỹ như thế đâu”. Tôi nói với bạn ấy: “Không phải là kỹ mà tôi chỉ làm cho nó đúng thôi. Các bạn cứ để mình làm, mình sẽ đảm bảo tiến độ”. Vậy là khi đã quen, các nghệ sĩ đã cùng tôi nỗ lực, không để thời gian chết và đặc biệt đảm bảo tiến độ. Có một số người ban đầu cũng băn khoăn, nghĩ rằng: ông này là đạo diễn phía Bắc, bây giờ làm hài Nam? Sau một thời gian thì tôi được các nghệ sĩ phía Nam chấp nhận. Bây giờ trình độ dân trí đã hơn trước. Nếu như ngày trước xem hài phía Nam người ta cảm thấy hơi xàm. Nhưng các chương trình bây giờ lại được khán giả quan tâm, mang đến cho họ sự thư giãn sau thời gian vất vả, áp lực bởi công việc. Tôi đã trộn một chút duyên dáng, thâm sâu của phía Bắc và pha thêm hóm hỉnh của phía Nam, khiến cho người xem cảm thấy có gì đó đọng lại. Vì thế tôi cảm thấy mình hòa hợp rất nhanh. Ban đầu tôi cũng áp lực lắm, nhưng sau một hai ngày “vật vã”, tôi đã tìm ra chìa khóa của vấn đề. Tôi đảm bảo chất lượng và cả số lượng, do vậy phải tận dụng thời gian chết, cường độ làm việc phải cao hơn, mạnh hơn, biết tung tẩy, đẩy các tình huống lên cao trào và kết thúc nó một cách gọn gàng. Không những thế, mình phải là người truyền lửa cho cả đoàn, tạo được hứng khởi, hưng phấn làm nghề.  Tôi luôn tin rằng, nếu mình cố gắng làm tốt hơn, hay hơn thì sẽ thuyết phục được diễn viên và cả khán giả. 
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Nghệ thuật không dành cho sự dễ dãi, bằng lòng!
PV: Vì thế, trên màn ảnh nhỏ, khán giả luôn thấy muôn mặt những vai diễn “hiền lành” của anh, còn trên vai trò đạo diễn, anh để lại ấn tượng cho mọi người về sự khó tính, cầu toàn. Anh có những nguyên tắc gì trong việc làm mới bản thân? 
Đạo diễn, NSND Trọng Trinh: Tôi hơi cầu toàn trong công việc và thực sự làm nghề diễn thì phải như thế. Tôi cũng có những vai diễn chưa đạt. Nhưng tính tôi hay áy náy, ân hận và nếu mình làm ẩu thì sau này, và cả nhiều năm sau nữa cũng không thể sửa được. Nếu sân khấu là những khoảnh khắc với khán giả, đêm diễn này có thể khác đêm diễn trước nhưng truyền hình hay điện ảnh thì không. Khi làm phim, tôi muốn làm hết sức có thể, làm xong vẫn phải để ý khán giả có quan tâm, có thích thú không. Đó cũng là động lực để tôi nuôi dưỡng niềm đam mê của mình … 
PV:Trân trọng cảm ơn đạo diễn, NSND Trọng Trinh! 

Phương Thúy (Thực hiện)