Đồng chí Hoàng Văn Thụ với phong trào cách mạng ở Hà Nội
Tin tức - Ngày đăng : 08:03, 04/11/2019
Đồng chí tham gia phong trào cách mạng ở địa phương từ rất sớm: Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1929, được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng khi đồng chí vừa tròn 20 tuổi. Đồng chí Hoàng Văn Thụ là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Năm 1939 là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ kiêm Chủ bút Báo Giải phóng (cơ quan ngôn luận của Xứ ủy). Đồng chí đã có những đóng góp rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn Thành ủy Hà Nội thời kỳ bị địch khủng bố khốc liệt (1939-1940).
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng ngời, mẫu mực cho các thế hệ người Việt Nam học tập. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn tự hào về đồng chí Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cả cuộc đời phấn đấu vì lý tưởng của Đảng. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, cả những lúc khó khăn, gian khổ nhất, đồng chí luôn một lòng sắt son với Đảng, sáng tạo trong lãnh đạo, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng những năm trước Cách mạng Tháng Tám.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ với phong trào cách mạng Hà Nội những năm trước Cách mạng Tháng Tám
Năm 1938, khi phong trào cách mạng trong cả nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ bình dân Pháp ngày càng ngả về phía hữu ban bố nhiều đạo luật chống nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương. Ở Việt Nam bọn phản động thuộc địa bắt đầu áp dụng chính sách khủng bố mới. Các phần tử Tờ-rốt-kít len lỏi trong các tổ chức Đảng và quần chúng cách mạng, kích động, phá hoại phong trào.
Trước tình hình đó, tháng 3-1938, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn thể tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định nhấn mạnh vấn đề lập “Mặt trận Dân chủ Đông Dương”, coi đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại. Hội nghị quyết định củng cố những cơ sở Đảng đã có, lập thêm cơ sở mới, chú trọng phát triển Đảng ở thành phố, ở các vùng công nghiệp tập trung... củng cố các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở (1).
Mùa hè năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ với tư cách là thành viên Ban lãnh đạo Xứ ủy Bắc Kỳ được cử đi xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận thuộc Đồng bằng Bắc Bộ.
Đến Hà Nội đồng chí Hoàng Văn Thụ bắt mối với các cơ sở ở nội thành. Lúc đầu ở hiệu trướng Tùng Lâm, số 11 phố Hàng Giấy, sau đó bắt mối vào cơ quan Tòa soạn Báo Tin tức ở số nhà 102, phố Hăng-ri-óc-lê-ăng (nay là phố Phùng Hưng), cơ quan tuyên truyền, vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Tiếp đó, các đồng chí được giới thiệu đến một cơ sở mới, nhà ông Nguyễn Bá Song, thợ cắt tóc ở số 1 phố Hàng Mành. Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ lấy bí danh là Tôn và giữ chân kéo quạt cho cửa hàng để dễ dàng hoạt động.
Trước nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng đến gần, tháng 8-1939, Xứ ủy Bắc Kỳ triệu tập một cuộc họp ở bãi Phúc Xá, Hà Nội. Trong hội nghị này, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Bí thư Xứ ủy, đã nhận xét về phong trào cách mạng của Hà Đông (nay là Hà Nội): “Tổ chức Đảng phát triển nhanh và vững chắc, tuy vậy vẫn còn chậm so với yêu cầu và điều kiện hiện có, cần chú ý phát triển Đảng vào những nơi đã có phong trào quần chúng, xây dựng hạt nhân lãnh đạo, tạo điều kiện giữ vững phong trào khi tình thế khó khăn”.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Xứ ủy, Tỉnh ủy Hà Đông đã đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng bộ, tích cực khắc phục những mặt yếu, đưa phong trào tiếp tục tiến lên, gấp rút chuyển vào bí mật khi tình hình thay đổi (2).
Ngày 26-9-1939, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ban hành Sắc lệnh của Hội đồng Bộ trưởng Pháp về việc giải tán và cấm mọi hoạt động của các tổ chức cộng sản. Ở Hà Nội, các tổ chức hợp pháp, nửa hợp pháp do Đảng tổ chức hoạt động đều bị cấm.
Trước tình hình đó, ngày 29-9-1939, Trung ương Đảng gửi thông cáo cho các cấp bộ Đảng rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, với tác phong sâu sát, nắm rõ vị trí quan trọng của địa bàn đô thị, đã trở về xây dựng cơ sở trong nội thành.
Để tạo điều kiện cho việc tuyên truyền chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đề nghị Xứ ủy cho xuất bản tờ báo “Giải phóng” và trực tiếp phụ trách, thời gian này đồng chí đã viết nhiều bài tuyên truyền chủ trương cách mạng của Đảng về việc vận động thành lập “Mặt trận Dân tộc phản đế” để hướng dẫn quần chúng đấu tranh.
Báo “Giải phóng”, số 2 ra ngày 15-11-1939 viết: “Chúng tôi một lần nữa vạch rõ con đường đấu tranh rất hiệu nghiệm của các tầng lớp nhân dân Đông Dương là phải kiên quyết đấu tranh, tự mình cứu lấy mình. Mỗi người dân Đông Dương vô luận già trẻ, đàn ông cũng như đàn bà, kẻ giàu cũng như người nghèo, làm thầy cũng như làm thợ, phải trăm người như một, kiên quyết chống đế quốc, chống phản động thuộc địa đang tiến công chúng ta”.
Do sự kiểm soát gắt gao của địch, cơ quan ấn loát Báo “Giải phóng” phải chuyển địa điểm nhiều lần. Đặc biệt, tòa soạn nơi đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp làm việc phải di chuyển liên tục tránh bị địch phát hiện. Thời gian đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách Báo “Giải phóng”, do gần gũi giác ngộ được nhiều quần chúng nên tòa soạn và đồng chí luôn được quần chúng che chở và giúp đỡ; bảo vệ an toàn cho Tòa soạn Báo “Giải phóng” thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền trong những ngày kẻ thù khủng bố phong trào.
Mặc dù bận nhiều việc, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn dành thời gian để trau dồi về lý luận cách mạng, thường xuyên nghiên cứu sách báo về chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề thực tiễn cách mạng thế giới, cách mạng trong nước.
Sau khi Liên Xô ký hiệp ước “Không xâm phạm với Đức”, một số ít người kể cả trong Đảng nảy sinh tư tưởng hoài nghi Liên Xô, đồng chí đã viết cuốn sách “Liên Xô luôn trung thành với hòa bình” nhằm ca ngợi ý chí đấu tranh cho hòa bình của nhân dân Liên Xô trước thảm họa phát xít, củng cố và tăng cường niềm tin tưởng của nhân dân ta đối với đường lối mới của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ góp phần quan trọng củng cố cơ quan Thành ủy Hà Nội
Cuối năm 1939, do sự khủng bố của địch và sự phá hoại của các phần tử Tờ-rốt-kít, nhiều cơ sở Đảng gặp khó khăn, trở ngại trong việc tổ chức hoạt động. Riêng Đảng bộ Hà Nội gặp phải tổn thất lớn. Với cương vị là Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nhiều lần liên hệ với Thành ủy Hà Nội và trực tiếp tổ chức lại Thành ủy sau nhiều lần bị vỡ, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng ở Hà Nội và theo sát xu thế tiến triển chung của cả nước.
Đầu năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông. Tại hội nghị này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu lại làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí đã quán triệt nguyên tắc hoạt động bí mật; quy định cụ thể phương châm hoạt động, đấu tranh ở những nơi có cơ quan của Trung ương và Xứ ủy đóng.
Trước sự lùng sục gắt gao của địch, cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ phải chuyển về làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm một thời gian. Mặc dù cơ quan Xứ ủy phải di chuyển nhiều lần nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng cơ quan Xứ ủy vẫn không ngừng theo dõi, động viên, chỉ đạo phong trào cách mạng Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp phổ biến Nghị quyết lần thứ 6 của Trung ương (3) cho Đảng bộ Hà Nội, đồng chí đã nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương là giải phóng dân tộc, quyết định thành lập “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương” thay cho “Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương”.
Trước tình hình cách mạng của cả nước đang có những chuyển biến mới, tháng 11-1940, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 được triệu tập tại làng Đình Bảng, Bắc Ninh. Để kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng sau thời kỳ khủng bố trắng của thực dân Pháp, hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí vinh dự được Trung ương phân công phụ trách một nhóm 3 người đi Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xin chỉ thị về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8.
Sau cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940) và khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940), thực dân Pháp tiếp tục khủng bố phong trào cách mạng của nhân dân ta. Để đối phó với tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 họp từ ngày 10 đến 19-5-1941 tại Pắc Bó, Cao Bằng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt dự. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc. Hội nghị đã quyết định thành lập “Mặt trận Việt Minh” thay cho “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương”. Tại hội nghị lịch sử này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Trong những năm 1941-1943, với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã ra sức xây dựng và phát triển phong trào Việt Minh, củng cố, giữ vững cơ sở Đảng và phong trào quần chúng. Với Hà Nội đồng chí đã cùng Xứ ủy, Thành ủy Hà Nội, giữ vững cơ sở Đảng, củng cố các tổ chức quần chúng.
Tháng 6-1942, Thành ủy Hà Nội tiếp tục bị khủng bố, đồng chí Hoàng Văn Thụ (bí danh Lý) đã trực tiếp liên lạc với đồng chí Lê Đình Thiệp (bí danh là Mộc), Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội để xây dựng lại tổ chức, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cho Hà Nội. Đồng chí còn trực tiếp phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cho Thành ủy Hà Nội.
Cùng với việc chỉ đạo phong trào cách mạng của nhiều tỉnh, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dành thời gian chỉ đạo củng cố Thành ủy Hà Nội sau nhiều lần bị phá do kẻ địch khủng bố. Từ tháng 3-1940, đồng chí Nguyễn Mạnh Đạt, Bí thư Thành ủy bị địch bắt, Xứ ủy điều động đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, tiếp đó là đồng chí Nguyễn Văn Bi về làm Bí thư Thành ủy, nhưng vẫn không lập lại được Thành ủy.
Tháng 4-1940, Xứ ủy tiếp tục điều đồng chí Dương Nhật Đại - Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông ra làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, được một thời gian ngắn, đồng chí bị lộ, phải chuyển công tác. Đồng chí Lưu Đức Hiểu (tức Lưu Quyên) - Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông ra thay, đến tháng 1-1941 đồng chí bị địch bắt.
Đầu năm 1941, do Thành ủy Hà Nội và Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây đều bị tổn thất nặng, nên Xứ ủy thành lập Ban Cán sự liên tỉnh A gồm Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây do đồng chí Phan Trọng Tuệ làm Bí thư (4)... Đến giữa năm 1943, Thành ủy Hà Nội mới đứng vững được ở ngay nơi trung tâm đầu não của kẻ thù cho đến ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Thời gian 3 năm (từ tháng 4-1940 đến tháng 4-1943), Thành ủy Hà Nội nhiều lần bị địch phá, nhưng dưới sự chỉ đạo tích cực của đồng chí Hoàng Văn Thụ, “vô luận tình thế khó khăn như thế nào, cơ sở Đảng ở Hà Nội cũng phải được duy trì và cơ quan Thành ủy cũng phải có mặt”, Thành ủy Hà Nội đã từng bước được phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trung ương Đảng và của Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ người có công lớn trong xây dựng An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ vùng ven Hà Nội
Tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh ở nơi sào huyệt của chế độ thuộc địa trong thời kỳ phát xít hóa thể hiện rất rõ ở sự khủng bố liên tục, tìm diệt cán bộ cơ quan đầu não chỉ đạo phong trào cách mạng; địch quyết phá, ta quyết giữ. Vì vậy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng xung quanh Hà Nội thành An toàn khu của Trung ương bao gồm các làng xã có cơ sở vững chắc trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm... Vùng An toàn khu là chỗ đứng chân vững chắc cho Trung ương và Xứ ủy, từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng, trong đó, Hà Nội giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ở vùng ven đô, sát thành phố, các làng: Nghĩa Đô, Bái Ân, Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Bưởi, Phú Gia, Chèm, Vẽ... vốn có cơ sở an toàn từ năm 1940, nay trở thành An toàn khu vững chắc của Trung ương. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt thường xuyên về cơ sở các làng xã này hội họp (5).
Hiệu giầy Hoàn Mỹ ở 36 đường Bưởi (nay là đường Lạc Long Quân) là cơ sở liên lạc của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Cây đa Cáo Đỉnh (Xuân Đỉnh) và bè kéo vó trên sông Hồng của ông Mùi ở Liên Mạc là trạm liên lạc của Xứ ủy. Quán cơm nhà ông Nguyễn Văn Thận ở bến Chèm là địa điểm liên lạc của Ban Thường vụ Trung ương và cán bộ lãnh đạo của Đảng...
Ngoài vùng ven đô rộng lớn thuộc tả ngạn sông Hồng, An toàn khu của Trung ương còn được xây dựng cả bên hữu ngạn sông. Đội công tác về xây dựng cơ sở ở xã Võng La, Ngọc Giang, Hải Bối, Viên Nội, Xuân Canh, Cổ Loa, Đông Hội (thuộc huyện Đông Anh); Trung Mầu (thuộc huyện Gia Lâm). Các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Bạch Thành Phong thường qua các nơi này hoạt động.
Từ những vùng An toàn khu này, Trung ương Đảng và Xứ ủy hằng ngày theo dõi sát sao tình hình, bắt trúng mạch thời cuộc để chỉ đạo Ban Cán sự các tỉnh, thành duy trì và giữ vững ngọn lửa đấu tranh chống phát xít Nhật - Pháp. Hầu hết các làng xã có An toàn khu, các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, thanh niên, phụ nữ, nông dân cứu quốc đều được thành lập và củng cố vững mạnh; một số nơi còn xây dựng lực lượng tự vệ, do đó, phong trào cách mạng ở làng xã có An toàn khu vững chắc hơn hẳn so với các vùng khác. Việc duy trì An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy ở ngoại thành để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, Hà Nội đã dần dần khôi phục được tổ chức Đảng cơ sở và phong trào đấu tranh cách mạng. Đó cũng là thực lực quan trọng để Đảng bộ Hà Nội vững vàng thực hiện đường lối cách mạng, giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dày công vun đắp, xây dựng thành công An toàn khu ở các huyện ngoại thành, các tỉnh phụ cận ven Hà Nội và bao quanh Hà Nội. An toàn khu thật sự là bàn đạp vững chắc để thúc đẩy phong trào cách mạng trong nội thành và ngoại thành, không ngừng phát huy ảnh hưởng của cuộc vận động cách mạng ở nội thành ra các vùng ngoại thành, nông thôn và thành phố khác, nhất là trong cao trào kháng Nhật cứu nước và trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Nhận thức rõ vị trí của công tác vận động công nhân ở địa bàn đô thị, đồng chí Hoàng Văn Thụ cùng Xứ ủy đã kịp thời tổng kết rút kinh nghiệm công tác vận động công nhân ở các thời kỳ trước để vận dụng trong điều kiện mới bằng cách bám sát các quyền lợi thiết thân của quần chúng, vận động tập dượt quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, từ hình thức đòi yêu sách, tiến lên hình thức đình công, bãi công từng xí nghiệp và toàn ngành.
Hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân thời kỳ này: Nhà in IDEO (Nhà in Viễn Đông đầu năm 1943), Xưởng STAI (tháng 3-1943), Hỏa xa Gia Lâm (4-1943)... điển hình nhất là cuộc đấu tranh của công nhân các xưởng gỗ làm bao thầu cho Nhật cuối tháng 2 đến tháng 3-1943, do đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo. Ở các xưởng này, thợ suốt ngày phải làm việc nặng nhọc, ăn đói, làm đêm và phải ngủ tạm bợ trong các lán không chăn, chiếu.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hướng dẫn các tổ chức Đảng ở đây lợi dụng dịp thợ về quê ăn Tết để tổ chức đình công. Khẩu hiệu đòi tăng công khoán, đòi mua gạo giá rẻ và được cấp chăn, chiếu đã lôi cuốn cả các cai ký tham gia (vì giá công xẻ gỗ tăng thì tiền hoa hồng của cai ký cũng tăng). Cuộc bãi công thắng lợi (giá công xẻ gỗ tăng từ 0,19 đồng lên 0,29 đồng/1m3).
Với khả năng bình tĩnh, nhạy cảm, khôn khéo biết thuyết phục và cảm hóa người khác, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy phân công đặc trách công tác binh vận. Nhận nhiệm vụ này, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy đến, đồng chí thường lui tới các trạm, trại gặp gỡ vận động anh em binh lính lầm đường lạc lối quay trở về với nhân dân, với cách mạng. Công việc đang tiến hành đạt nhiều kết quả, làm tê liệt một phần quan trọng trong bộ máy thống trị của thực dân Pháp thì tối 25-8-1943, đồng chí bị địch bắt trong khi đến cơ sở làm công tác địch vận.
Biết đồng chí là cán bộ cao cấp của Đảng ta, phủ toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh cho Sở Mật thám Bắc Kỳ bằng mọi cách bắt đồng chí phải khai ra cơ quan lãnh đạo Trung ương của ta. Trước mọi cực hình tra tấn dã man và mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của địch, đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn vững vàng trong tư thế hiên ngang của người chiến sĩ cộng sản trung thành với Đảng, với đồng bào, đồng chí của mình.
Không khuất phục nổi người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, rạng sáng 24-5-1944, kẻ thù đã sát hại đồng chí tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.
Khi tên cố đạo hỏi: “Anh có muốn rửa tội không?” đồng chí Hoàng Văn Thụ đã ôn tồn trả lời: “Xin cảm ơn. Chúng tôi, những người làm cách mạng cứu nước không có gì mà có tội. Chỉ bọn người đi cướp nước mới thực sự là có tội”.
Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường mãi mãi là bản anh hùng ca về khí tiết của người cộng sản trước quân thù và tình cảm nồng thắm, nhân văn với đồng đội và những người tù khác; là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc.
Sau khi đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh, nhân dân làng Tương Mai đã bí mật tổ chức an táng, bảo vệ, giữ gìn hài cốt của đồng chí ngay tại cánh đồng Tương Mai. Trung ương Đảng đã phát động đợt phát triển đảng viên mới lấy tên “Lớp Hoàng Văn Thụ” tháng 5-1944; nhiều công nhân ưu tú trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã được kết nạp vào Đảng.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức người cộng sản, chấp hành tổ chức, kỷ luật; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng của người cộng sản với phong cách giai cấp công nhân Việt Nam.
Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng, nhưng đồng chí không màng danh lợi cho bản thân, sống bình dị, không đòi hỏi gì về vật chất, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ nhân dân. Đồng chí là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội.
Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và phong trào cách mạng ở Hà Nội, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước trên mặt trận đấu tranh đòi tự do, dân chủ. Đối với giai cấp công nhân, thanh niên yêu nước Hà Nội, báo chí cách mạng, đồng chí là một trong những tấm gương tuổi trẻ sáng ngời, luôn khát khao lý tưởng, tinh thần chiến đấu, hy sinh trọn đời cho lý tưởng của Đảng, hạnh phúc của nhân dân.
Ghi nhận những công lao đóng góp to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, thành phố và quận Hoàng Mai đã xây dựng tượng đài, Khu tưởng niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ… Khu di tích lịch sử cách mạng đã được gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố Hà Nội đã đặt tên đường phố và nhiều trường học mang tên Hoàng Văn Thụ.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của đồng chí Hoàng Văn Thụ, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Thủ đô và cả nước, Đảng bộ, nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn và nguyện học tập, làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp của đồng chí Hoàng Văn Thụ, triển khai nhiều phong trào thi đua với nội dung phong phú, thiết thực, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của thành phố năm 2019 và nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI. Đó chính là hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân đồng chí Hoàng Văn Thụ và những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Hà Nội.
- - - - - - - - -
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. PGS. TS Ngô Đăng Tri, Tiến trình lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (1930-2016), Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, trang 69-70.
2. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập 1 (1926-1945), trang 186.
3. Tháng 11-1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, tập I (1926-1945), trang 203.
5. Theo ý kiến của đồng chí Trường Chinh phát biểu với Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 11-4-1967 thì “Vùng Bưởi thuộc An toàn khu lại có cơ quan binh vận của Trung ương nên Trung ương quy định bảo vệ vùng này bí mật, không để trực thuộc Hà Nội hoặc Hà Đông mà có đội công tác phụ trách, do một đồng chí Xứ ủy chỉ đạo”. Đến mùa thu năm 1943, Trung ương mới cắt vùng An toàn khu ở Bưởi cho Ban Cán sự Hà Nội...