Hà Nội đẩy mạnh điện tử hóa cung cấp các dịch vụ điện: Mang lại tiện ích cho khách hàng
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 07:55, 06/11/2019
Không dùng tiền mặt khi thanh toán
Những nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung, của EVNHANOI nói riêng khi công bố dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4 (cuối năm 2018) đáp ứng mọi dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng từ khâu đăng ký, nhận kết quả đến thanh toán 100% thông qua trực tuyến đã, đang được ghi nhận. Ông Đỗ Xuân Toàn, ngõ 225 đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) bày tỏ: "Dịch vụ điện trực tuyến đã giúp gia đình tôi rút ngắn thời gian và thuận tiện hơn khi làm các thủ tục hành chính. Chỉ cần đăng ký trực tuyến trên website chăm sóc khách hàng của EVNHANOI (cskh.evnhanoi. com.vn), nhân viên tổng đài sẽ liên lạc và hỗ trợ thông tin".
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Long Biên, nhờ có nhiều tiện ích mà chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 70% số lượng khách hàng đăng ký tham gia dịch vụ điện trực tuyến trên địa bàn quận.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh của EVNHANOI cho biết, theo Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 23-2-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, tại địa bàn Thủ đô, việc áp dụng chuyển đổi hình thức thanh toán tiền điện vẫn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do số lượng khách hàng tham gia vào hình thức thanh toán tiền điện qua ngân hàng vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, tổng công ty chỉ đạo các đơn vị thành viên kiên trì vận động, hướng dẫn và duy trì việc phối hợp với các ngân hàng và các tổ chức thanh toán miễn phí toàn bộ các giao dịch khi khách hàng chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử, nên dần đã có bước chuyển căn bản.
Hiện tại, EVNHANOI đã ký hợp đồng hợp tác với 17 ngân hàng, 5 tổ chức trung gian thanh toán và cung cấp các hình thức thanh toán tiền điện như thanh toán trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng của khách hàng và qua tin nhắn thông báo chỉ số công tơ kèm theo số tiền sử dụng trong kỳ thanh toán. Ngân hàng chủ động đối soát với tổng công ty và tự động trừ số tiền đó vào tài khoản ngân hàng của khách hàng. Tiếp theo, khách hàng có thể đến phòng giao dịch của các ngân hàng, hoặc tổ chức thanh toán có ký hợp tác với tổng công ty và đến quầy thu tại các công ty điện lực ở các quận, huyện để thực hiện giao dịch thanh toán tiền điện. Việc đa dạng hóa các kênh thanh toán tiền điện không chỉ giúp khách hàng giảm thời gian, chi phí, cũng như rủi ro của khách hàng khi thanh toán bằng tiền mặt, mà còn mang lại nhiều tiện ích cho xã hội…
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc EVNHANOI cho biết, tổng công ty sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển các ứng dụng công nghệ trong thanh toán tiền điện. Đồng thời, phối hợp với các trung gian thanh toán đẩy mạnh truyền thông nhằm phát triển khách hàng sử dụng các hình thức trích nợ tự động, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; phấn đấu đến năm 2020, sẽ triển khai 100% thanh toán tiền điện qua các trung gian thanh toán.
Điện tử hóa các giao dịch
Đề cập đến việc phát triển các giao dịch trong hoạt động cung cấp điện, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, thực hiện chủ trương của EVN, từ ngày 31-7-2019, EVNHANOI đã triển khai việc cung cấp các dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử, thí điểm tại 3 công ty điện lực là: Thanh Trì, Hoài Đức và Bắc Từ Liêm; các đơn vị còn lại thực hiện vào cuối năm 2019. Đối với dịch vụ điện trực tuyến cấp độ 4, khách hàng có thể nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến chi phí dịch vụ điện trên website chăm sóc khách hàng EVNHANOI. Việc áp dụng phương thức giao dịch điện tử đối với các dịch vụ điện giúp khách hàng thay vì ký và lưu hồ sơ trên bản giấy, chỉ cần ký online trên website của EVNHANOI bằng hình thức nhập mã OTP nhận qua email, hoặc qua tin nhắn SMS và lưu hồ sơ online trên website chăm sóc khách hàng.
“Việc áp dụng phương thức giao dịch điện tử đối với các dịch vụ điện gồm: Cấp điện hạ áp, trung áp; thay đổi công suất sử dụng điện; thay đổi vị trí thiết bị đo đếm; thay đổi mục đích sử dụng điện; thay đổi định mức sử dụng điện; thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; thay đổi hình thức thanh toán tiền điện; gia hạn, chấm dứt hợp đồng mua bán điện... Trong quá trình giao dịch, khách hàng được hỗ trợ dịch vụ lắp đặt dây dẫn từ sau công tơ đến nhà khách hàng” - ông Nguyễn Xuân Thắng thông tin thêm.
Ngoài ra, ngành Điện còn triển khai cung cấp dịch vụ điện theo phương thức điện tử, cụ thể là thực hiện ký kết và quản lý hợp đồng mua bán điện bằng hình thức điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng...
Có thể nói, việc đầu tư hạ tầng công nghệ, phát huy thế mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong các dịch vụ của ngành Điện nói chung và của Thủ đô nói riêng đã và đang nhận được sự hài lòng, đánh giá cao của người tiêu dùng. Việc làm này, không những góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng của ngành Điện, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí cho xã hội, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.