35 gia đình trình báo có người thân mất tích, nghi liên quan vụ 39 người tử vong
Tin tức - Ngày đăng : 23:25, 06/11/2019
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, đây là sự việc đau lòng ngoài mong muốn, gây bàng hoàng cho người thân, gia đình các nạn nhân cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, ngày 25-10, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan chức năng tại Anh điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ việc; yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình động viên thân nhân các nạn nhân và chỉ đạo hỗ trợ trong khả năng của các địa phương.
“Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, trong phạm vi có thể để phối hợp với phía Anh sớm xác minh danh tính những người thiệt mạng, đưa họ về với quê hương và sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những người phải chịu trách nhiệm.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý bởi chúng ta khẳng định, đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ tội phạm loại này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định.
35 gia đình trình báo có người thân mất tích
Về nạn nhân người Việt Nam trong số 39 nạn nhân thiệt mạng ở Anh, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngay khi nhận được thông tin về vụ việc, các cơ quan chức năng đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Anh để xử lý nhanh nhất vụ việc.
Đến nay, 35 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã phản ánh "dấu hiệu có thể người thân là nạn nhân trong số 39 người gặp nạn".
“Việc xác định danh tính phải theo quy định của Anh quốc. Sau khi xác định danh tính theo quy định của pháp luật, phong tục tập quán nước sở tại, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương thông báo cho gia đình các kết quả xác định danh tính”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói.
Khuyến cáo đi lao động nước ngoài bằng con đường hợp pháp
Là người chịu trách nhiệm quản lý việc làm, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã chia sẻ và gửi lời chia buồn tới gia đình, các thân nhân người thiệt mạng tại Anh quốc vừa qua.
Bộ trưởng khẳng định, về quản lý lao động ngoài nước, loại hình tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác với việc tổ chức lao động làm việc ở nước ngoài.
Việc tổ chức lao động ở nước ngoài được thực hiện theo Luật Đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài. Các quốc gia được đưa người Việt Nam tới lao động đều có các hiệp định về lao động, hay bản ghi nhớ về lao động với Việt Nam.
Theo đó, những người đi lao động hợp pháp qua 5 hình thức: Thứ nhất, qua các doanh nghiệp (DN) Việt Nam do Bộ LĐTB&XH cấp phép; thứ hai, hợp tác với DN, tập đoàn, công ty của 32 nước có hợp tác; thứ ba, đi theo dạng cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với tổ chức nước ngoài, nhưng vẫn đăng ký qua Sở LĐTB&XH, cơ quan quản lý người lao động ở nước ngoài; thứ tư, hợp tác đào tạo liên kết giữa hai bên cấp phép; thứ năm, gần đây Chính phủ cho phép trao đổi lao động hợp tác giữa các địa phương ở hai quốc gia trong thời hạn ngắn, ví dụ như hợp tác Việt-Nhật, Việt-Hàn hay lao động du lịch làm thêm tại Cộng hoà Czech.
Hiện có gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, mỗi năm, có trên 100.000 người Việt Nam đi lao động tại các nước, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia.
"Việc đưa người lao động đi nước ngoài, cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm minh bạch, công khai về địa bàn, mức thu phí, mức lương từng DN trả, người được DN đưa đi đều được cấp Visa, có chính sách bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội…", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nay, có hiện tượng DN không có chức năng, mượn phép, liên doanh, liên kết trá hình đưa lao động đi nước ngoài, hoặc không được cấp giấy phép nhưng làm “cò mồi”… Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo, phối hợp xử lý nhiều trường hợp.
"Chúng tôi khuyến cáo, mong nhân dân, thanh thiếu niên có kế hoạch lao động ở nước ngoài nên đi theo con đường hợp pháp, thông qua cơ quan được cấp phép và ký hợp tác ở nước sở tại, được bảo hộ công dân, có Visa, giấy phép lao động, có mức lương, có thoả thuận. Cơ quan chức năng có hỗ trợ đứng ra thoả thuận với các nước đến về lương, thuế phải nộp… Bộ có công khai tên, danh sách các đơn vị được phép. Do đó, người dân không nên đi theo con đường bất hợp pháp hay qua các DN không được cấp phép", Bộ trưởng nói.