Hồi sinh điệu hát của đất kinh kỳ - Kẻ Chợ xưa
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 12:34, 07/11/2019
1. Tối thứ bảy 27-10 vừa rồi, tại khu vực Tượng đài Vua Lê trên phố Lê Thái Tổ - điểm diễn quen thuộc vào mỗi dịp cuối tuần của nhóm Xẩm Hà Thành, xuất hiện hai phụ nữ lớn tuổi và hai cô bé chừng 9 - 10 tuổi, thảy đều tóc vấn đuôi gà, áo cánh nâu, váy đụp... Thật bất ngờ khi nhóm Xẩm Hà Thành nhận ra đó là chị Nguyễn Thị Mận cùng các thành viên của Chiếu xẩm Hà Thị Cầu ở Ninh Bình.
Bất ngờ là bởi mới chỉ trước đó một hôm, tôi và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa nhân chuyến công tác ở Ninh Bình đã tranh thủ đến nhà cố nghệ nhân Hà Thị Cầu thắp hương và thăm hỏi gia quyến. Khi chị Mận - con gái của cố nghệ nhân bày tỏ trăn trở về việc đào tạo xẩm, Mai Tuyết Hoa đã bảo rằng cứ rảnh thì cuối tuần lên Hà Nội, chị sẽ trực tiếp chỉnh sửa những bài xẩm đã hát và dạy thêm những bài xẩm mới, toàn bộ việc ăn ở sẽ do nhóm Xẩm Hà Thành lo. Vậy là ngay hôm sau cả bốn thành viên Chiếu xẩm Hà Thị Cầu có mặt tại Tượng đài Vua Lê từ rất sớm.
2. Nhìn chị Mận cầm sênh, hát phục vụ người dân và du khách bài xẩm Theo Đảng trọn đời ở giữa Bờ Hồ - “trái tim của Hà Nội” mà Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành không cầm được nước mắt. Nữ nghệ sĩ hát xẩm nổi danh của Hà Nội bùi ngùi chia sẻ: “Chắc giờ bu đang ở nơi cao lắm với Tổ nghề, bu sẽ rất vui khi chứng kiến hình ảnh này”. Thật vậy, bao năm đồng hành với Mai Tuyết Hoa trên những chặng đường nỗ lực hồi sinh cho nghệ thuật hát xẩm, đã nhiều lần chúng tôi ghé về tư gia của nghệ nhân Hà Thị Cầu, cụ già vui tính và đáo để, yêu quý Mai Tuyết Hoa như con ruột của mình. Hễ lần nào bu con gặp nhau, dù câu chuyện luôn ngập tràn tiếng cười thì bao giờ cũng có khoảng thời gian chùng xuống. Điều bu Cầu trăn trở nhất là cả hai người con, nhất là cô con gái có giọng hát hay mà nhất định không chịu hát xẩm.
Chúng tôi biết ước nguyện của bu, cũng cố gắng nhưng không sao động viên được chị Mận theo nghiệp hát. Ấy vậy mà bỗng dưng lại có sự thay đổi cơ bản. Chị Mận tâm sự: “Từ ngày bu mất, tôi mới thấy cuộc đời mình thực sự trống trải khi thiếu vắng những câu hát xẩm”. Cũng vì thế mà chị Mận lục lại những băng đĩa thu âm giọng hát của bu Cầu, những đĩa xẩm khác nữa do chúng tôi nỗ lực mà có được và mang về kính biếu bu, chị nghe hết và học hát theo. “Mấy năm gần đây phong trào hát xẩm ở huyện Yên Mô nhà tôi rất phát triển, nhiều người muốn học, nhiều người muốn mở nhóm, nên tôi cũng thấy vui lắm!”. Và việc cả 4 thành viên Chiếu xẩm Hà Thị Cầu đều xuất hiện rất tự tin trước khán giả Thủ đô cũng là một minh chứng cho sự hồi sinh nghệ thuật hát xẩm ở quê hương người thầy dân gian của nhóm Xẩm Hà Thành. Vì thế, với Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành, đó là một đêm diễn có ý nghĩa đặc biệt.
3. Có người trong gia đình nối nghiệp hát xẩm, dẫu vẫn biết để đạt tới độ tinh tế như những bậc tiền nhân là điều không dễ dàng, song được như vậy cũng đã là ngoài mong đợi. Vậy là một trong hai ước nguyện lớn nhất những năm cuối đời của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã thành hiện thực.
Còn ước mong lớn thứ hai của nghệ nhân Hà Thị Cầu thì Mai Tuyết Hoa cùng những người thầy của mình đã làm được trước đó, ngay từ khi cố nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn còn hiện hữu trên cuộc đời này. Đó là việc hồi sinh hát xẩm. Với Mai Tuyết Hoa và các nghệ sĩ trong nhóm phục hồi hát xẩm thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam trước đây thì không gian quan trọng nhất của hát xẩm ở Hà Nội chính là khu phố cổ 36 phố phường, nơi luôn tấp nập bán buôn, rộn vang tiếng leng keng của tàu điện từ nửa thế kỷ trước.
Nhớ lại năm 2005, khi album Xẩm Hà Nội chính thức được phát hành, mặc dù đĩa hát chỉ vẻn vẹn có 7 bài nhưng nó lại là một dấu mốc quan trọng đánh thức những câu hát xẩm ở Hà Nội vốn đã ngủ yên cùng sự ra đi của những trùm xẩm nức tiếng Hà thành như Trùm Nguyên, Thân Đức Chinh... Hân hoan trong niềm vui nỗ lực được đón nhận, nhưng các nghệ sĩ trong nhóm phục hồi đã nghĩ ngay bước tiếp theo, đó là hồi sinh không gian văn hóa, đưa hát xẩm trở lại chính môi trường diễn xướng xưa kia. Và như thế có lẽ không có địa điểm nào hợp hơn khu phố cổ, nhất là ở thời điểm đó Hà Nội mới tổ chức khu chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân bước đầu đã có ít nhiều thành công nhưng vẫn thiếu những không gian cho âm nhạc dân gian.
Có một chiếu xẩm ở khu chợ đêm này sẽ là điều rất ý nghĩa, nó đồng thời sẽ là cơ hội tốt để khán giả cũng như du khách quốc tế biết rằng Hà Nội có một đời sống âm nhạc đường phố độc đáo và kéo dài từ trong truyền thống cho tới hiện tại. Nhưng làm thế nào để chiếu xẩm có thể sáng đèn một cách chính thức là điều mà nhóm phục hồi vốn là những người chỉ quen với chuyên môn âm nhạc hết sức bối rối. Thật may khi Giám đốc Trung tâm Triển lãm và Quảng cáo Hà Nội, một trong 3 đơn vị tổ chức chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân, lại là chú ruột của Mai Tuyết Hoa. Tranh thủ “cơ hội” quý Mai Tuyết Hoa đã mạnh dạn đề xuất với chú, song chị phải xách cây đàn nhị trực tiếp đến cơ quan chú, rồi đến tận nhà để hát và diễn giải cho chú mình thấy rằng thế nào là hát xẩm, rằng hát xẩm là một di sản quý của dân tộc vốn phổ biến ở đất kinh kỳ - Kẻ Chợ xưa.
“Thời điểm đấy nhiều người chưa biết xẩm là gì, đánh đồng xẩm với ăn xin ăn mày, khó nhất là phải chứng minh cho mọi người biết hát xẩm là nghệ thuật, là di sản dân tộc”, Mai Tuyết Hoa chia sẻ. Chị cũng cho biết, tuy nhiên chỉ diễn giải một buổi thì mọi người sẽ rất nhanh chóng hiểu và đồng cảm. Sau khi thuyết phục thành công ông chú của Mai Tuyết Hoa, việc tiếp theo là phải thuyết phục hai đơn vị đồng tổ chức chợ đêm nữa là UBND quận Hoàn Kiếm và UBND phường Hàng Đào.
Và thế là không lâu sau, đầu năm 2016 một sân khấu âm nhạc dân gian mang tên “Hà thành 36 phố phường” chính thức ra mắt công chúng Hà Nội. Lúc đầu được diễn luân phiên ở hai điểm nằm trong không gian của chợ đêm là đầu phố Hàng Đào và trước cửa nhà số 48 Hàng Ngang, sau có thêm điểm diễn ở bên tượng đài “Hà Nội mùa đông năm 1946” bên cạnh chợ Đồng Xuân. “Chiếu xẩm mới sáng đèn lập tức thu hút được đông đảo nhân dân cũng như du khách quốc tế tham dự. Từ đó xẩm được biết đến nhiều hơn, đó là một hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi”, Mai Tuyết Hoa chia sẻ.
Sở dĩ nữ nghệ sĩ luôn đau đáu với việc làm sao để có một chiếu xẩm sáng đèn ở Hà Nội là bởi chính cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - người thầy mà từ năm 1998 Mai Tuyết Hoa bắt đầu theo học qua băng ghi âm và tới năm 2004 thì chính thức tìm về nhà nghệ nhân để từ đấy gắn bó với tư cách một học trò chân truyền - từng ước nguyện có một không gian dành cho nghệ thuật hát xẩm.
4. Giờ đây, tuy cả Mai Tuyết Hoa và rất nhiều thành viên như NSND Thanh Ngoan, NSND Thúy Ngần, nhạc sĩ Hạnh Nhân... không còn trình diễn tại “Hà thành 36 phố phường” nữa nhưng những câu hát xẩm thì vẫn được vang lên mỗi tối thứ bảy hằng tuần ở sân khấu này. Tuy thiếu vắng những gương mặt gạo cội nhưng rất vui là “Hà thành 36 phố phường” đã có sự góp mặt của rất nhiều gương mặt trẻ - những người yêu ca hát dân gian, yêu hát xẩm của Hà Nội. Sau khi không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm ra đời, Mai Tuyết Hoa lại cùng một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tâm huyết, nỗ lực khởi dựng và duy trì một sân khấu âm nhạc dân gian tại Tượng đài Vua Lê vào các tối cuối tuần. “Còn rất nhiều khó khăn để duy trì và đảm bảo chất lượng của sân khấu, nhưng kiểu gì cũng phải làm một cách tốt nhất, để Hà Nội có thêm không gian biểu diễn công cộng, để hát xẩm có thêm cơ hội đến với đông đảo mọi người”, Mai Tuyết Hoa chia sẻ.
Không những thế, những album xẩm, MV xẩm của nhóm Xẩm Hà Thành sẽ được phát hành dịp chào đón năm mới 2020. Cũng trong năm 2020, nhóm Xẩm Hà Thành sẽ nỗ lực hết mình để có thể tổ chức chương trình Xẩm và Đời lần thứ 2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ, nhóm Xẩm Hà Thành muốn góp thêm những sắc màu văn hóa đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội cho thành phố thân yêu nhân sự kiện đặc biệt Thủ đô tròn 1010 năm tuổi.