Vụ tố lừa đảo XKLĐ kinh hoàng hàng triệu USD: Bài 6 - Hoãn tòa sơ thẩm vì vắng nhiều bị hại
Tin tức - Ngày đăng : 23:05, 07/11/2019
Vụ “tố” lừa đảo XKLĐ kinh hoàng hàng triệu USD: Bài 1 - Đưa 10.000 USD lấy… một tờ giấy
Vụ “tố” lừa đảo XKLĐ kinh hoàng hàng triệu USD: Bài 2 - Đưa 148.000 USD đợi... 03 tháng xuất cảnh
Vụ “tố” lừa đảo XKLĐ kinh hoàng hàng triệu USD: Bài 3 - Đã bắt được đối tượng Phùng Thị Mười Linh
Bài 10 - Tòa tuyên bị cáo tù chung thân, phải trả lại gần 20 tỷ đồng, bị hại cảm ơn Báo Người Hà Nội
Các bị cáo được đưa ra xét xử gồm: Phùng Thị Mười (tên gọi khác: Phùng Thị Mười Linh), sinh năm 1972, Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (ĐKHKTT) và chỗ ở: khu 6, thị trấn Ngô Đồng, Giao Thủy, Nam Định, nghề nghiệp lao động tự do, bị cáo hiện đang bị tạm giam tại trại tạm giam số 02- Công an Thành phố Hà Nội. Trần Thị Sen, sinh năm 1947, Nơi ĐKHKTT, Đống Đa, TP. Hà Nội và bị cáo Lương Văn Hiếu, sinh năm 1988, Nơi ĐKHKTT : Xóm Dãy, Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội.Khi nghe tòa hoãn xử, nhiều bị hại từ các tỉnh thành phố miền Nam ra đã thất vọng, ngồi bệt xuống cầu thang bật khóc nức nở
Theo cáo trạng, trong các năm 2015-2018, 139 người đã bị lừa tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó bà Mười chiếm đoạt gần 29 tỷ đồng, Trần Thị Sen chiếm hưởng gần 2 tỷ đồng. Lương Văn Hiếu không chiếm đoạt mà chỉ hưởng lương tháng do bà Mười trả. 03 bị cáo trên đã bị Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 4, điều 174 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử ngày hôm nay do vắng nhiều bị hại trong vụ án nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định hoãn xử để triệu tập, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bị hại trong vụ án này. Phiên tòa được tạm hoãn trong tình hình chưa biết bao giờ sẽ được mở trở lại khiến hàng loạt bị hãi vô cùng bức bách. Nhiều bị hại từ trong miền Nam ra Hà Nội chờ trực, khi nghe tin hoãn xử đã năn nỉ xin tòa tiếp tục xử. Thậm chí, ngay sau khi phiên tòa bị tạm hoãn, có rất nhiều lao động còn kéo về nhà bà Sen để đòi quyền lợi...
Ba bị cáo tại tòa
Theo cáo trạng, năm 2015-2018, Phùng Thị Mười, Trần Thị Sen và Lương Văn Hiếu đã nhận tiền của nhiều người hứa đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan nhưng sau đó không thực hiện được lời hứa.
Bà Mười trực tiếp nhận tiền 17,5 tỷ đồng và hứa hẹn sẽ đưa 86 người đi lao động ở Hàn Quốc, 3 đi Nhật Bản, 2 người đi Hà Lan. Bà Mười thuê Lương Văn Hiếu làm trợ lý nhận hồ sơ và tổ chức đưa người lao động đi khám sức khỏe, học ngoại ngữ, thi tay nghề. Bà Mười móc nối với bà Sen để tổ chức tìm các nguồn lao động ở các tỉnh miền Trung có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Hai người thỏa thuận, với mỗi lao động được giới thiệu bà Sen sẽ được hưởng 1.000 USD. Bà Sen dẫn Phùng Thị Mười và Lương Văn Hiếu đến một số tỉnh miền Trung tìm lao động. 19 người đã trực tiếp nộp hơn 2 tỷ đồng cho bà Sen và được hứa đưa ra nước ngoài lao động. Đầu năm 2016, Mười thông qua anh Trương Quang Hải (39 tuổi, ở Nam Định) để nhận hồ sơ của lao động muốn đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, thu phí 10.000 USD một người. Hải đã giới thiệu 11 lao động là người thân, quen của mình, chuyển 110.000 USD (tương đương 2,5 tỷ đồng). Hiếu tập hợp hồ sơ, hướng dẫn các lao động này đi khám sức khỏe tại một số bệnh viện ở Hà Nội.
Qua giới thiệu của Sen, Hiếu, tháng 4/2017, bà Mười gặp anh Lê Tiến Bản, Mười thỏa thuận anh Bản là đầu mối thu 10.000 USD với lao động muốn đi Hàn Quốc và 13.000 USD với người muốn làm thợ cơ khí ở Hà Lan. Anh Bản đã giới thiệu 13 người quen, thu 3,6 tỷ đồng song sau đó mới phát hiện hành vi của Mười là lừa đảo. Ngoài ra, còn một số người khác cũng bị lừa với hình thức tương tự.
Cáo trạng cho biết, Mười giữ vai trò người khởi xướng, tổ chức. Sen và Hiếu là đồng phạm. Hai anh Bản, Hải đều đã nộp để trả lại số tiền mà mình giữ của các bị hại. Còn khoản tiền chuyển cho bà Mười họ không chiếm hưởng. Viện kiểm sát không truy tố hai người này.