Một bản tình ca thấm đẫm nhân văn

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:03, 14/11/2019

LTS- Sau khi đăng bài thơ “Hạnh phúc vẫn mỉm cười” của tác giả Song Nguyễn, Tạp chí Người Làm Báo nhận được bài viết “Một bản tình ca thấm đẫm nhân văn” của tác giả Hạo Nhiên. Trân trọng giới thiệu bạn đọc!
Một bản tình ca thấm đẫm nhân văn

Con đường đi tìm hạnh phúc đích thực của con người là hành trình dài đầy gian nan nhưng cũng là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca muôn thuở. Tác giả Song Nguyễn trong bài thơ Hạnh phúc vẫn mỉm cười! đã thể hiện cái nhìn tinh tế và nhân văn về hành trình ấy. Đây là một câu chuyện tình xúc động, được nhà thơ dụng công truyền tải bằng ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính, hình ảnh mà cũng rất bình dị, sâu lắng, gợi lên trong lòng người đọc những suy tưởng sâu xa về tình yêu, hạnh phúc, về lẽ sống ở đời:

Nghe em hát khi lá thu xào xạc
Những nốt trầm gặm nhấm trái tim ta
Muốn xóa đi những đau buồn dĩ vãng
Nhưng thanh âm vẫn xao động gần xa…

Cánh rừng chiều nay bỗng dưng lịm gió
Em lang thang tìm lại gốc cây xưa
Nơi in dấu một thời tuổi trẻ
Tin yêu trao những nụ hôn đầu…

Biển chiều nay bỗng sóng ầm ào
Cánh buồm mong manh, ngả nghiêng như sắp lật
Những con chim lạc đàn ngơ ngác
Phận người - chấm nhỏ giữa trùng dương…

Chuyến phà chiều, anh bỗng nhận ra em
Cuộc đời mười năm nối nhau giông bão
Dù nốt tàn nhang trên má em sạm nắng
Khuôn mặt dịu dàng vẫn đượm nét thanh tao

Cuộc tình nào cũng chứa bể dâu
Thất vọng ê chề khi trái tim vụn vỡ
Em lang thang chân trời, góc bể
Nào ngờ đâu, nay gặp lại người xưa!

Đường khó nhất - từ trái tim đến trái tim
Xóa đi hận thù, nhén nhom hy vọng
Em theo về nông trường nơi anh làm việc
Ngắm đàn bò gặm cỏ thong dong
Mắt rớm lệ, đây bình yên, ao ước!

Mái nhà tranh, vách nứa thay tường
Giàn thiên lý trước hiên nhà trổ muộn
Mâm cơm hằng ngày chỉ rau, dưa, cá biển
Công việc bộn bề, chẳng tiếng thở than!

Hạnh phúc mỉm cười với cuộc sống sang trang!

Một bản tình ca thấm đẫm nhân văn

Bài thơ khởi đi từ một kỷ niệm khắc sâu trong ký ức của nhân vật trữ tình mà gói trọn trong nó là cả những dịu ngọt với đắng cay. Những “nốt trầm” trong khung cảnh lãng mạn đã chứa đựng dự cảm chia xa, bởi người con gái ấy dường như đang hướng về một khung trời khác. Cuộc tình đẹp đến mong manh ấy đã qua mười năm, giờ chỉ còn là dĩ vãng buồn đau. Trong khổ thơ thứ nhất, nhà thơ khéo léo sử dụng những từ ngữ rất đắt như “xào xạc”, “xao động”,… để nén chặt cảm xúc, mở ra một bản nhạc giàu âm sắc, rung động lòng người.

Nhìn bề ngoài, tâm trạng của nhân vật trữ tình như thể bình lặng nhưng thật ra đang chất chứa những cảm xúc đong đầy, ẩn chứa sự dạt dào của ngàn con sóng biển. Khổ thơ thứ hai và thứ ba chính là sự nối nhau nỗi trăn trở, dằn vặt của một cái tôi nặng tình, dù lý trí mách bảo hãy quên đi, nhưng trái tim vẫn đắm chìm trong thương nhớ. Đúng là khi xa nhau rồi, người ta mới biết quý trọng những gì đã mất. Ở đây, những thanh âm có sức gợi lớn: gió - lịm, sóng - ầm ào, cánh buồm - ngả nghiêng, chim lạc đàn - ngơ ngác,… đã lột tả chiều sâu bầu tâm trạng chống chếnh, khổ đau tận cùng. Những “khoảng trống” chất chứa năng lượng kích hoạt tưởng tượng đã được tác giả thể nghiệm rất độc đáo. Từ những vần thơ này, người đọc có thể liên tưởng đó là tình cảnh thực của em, mà cũng có thể là những lo âu, nhung nhớ của anh,… nhưng trên hết là nỗi niềm của những con người đã lạc mất nhau vì giông bão của tình yêu.

Ở điểm cao trào tận cùng của cảm xúc, sau bao biến cố, khi cả hai nhận ra sự hữu hạn, mong manh của phận người, anh bỗng gặp lại em trên chuyến phà chiều ở vùng quê biển. Từ đây, trong liền ba khổ thơ là sự đan xen giữa diễn tiến câu chuyện và những suy tư triết lý. Sau mười năm phiêu bạt, dấu ấn thời gian in hằn trên gương mặt em, nhưng cũng ở đây, những ân tình sâu nặng đã bừng sáng, như những mầm non vươn lên từ hoang tàn, đổ nát. Tác giả không trực tiếp đề cập, nhưng hiển hiện ở đó là những ánh mắt chất chứa bao tâm tình dồn nén. Và rồi sau ánh mắt ấy, em theo anh về nông trường, vui ngắm đàn bò thong dong gặm cỏ, chợt nhận ra đó là hạnh phúc đích thực sau những ngày dài giông gió. Cuộc sống mới dẫu đơn sơ, dung dị nhưng đã hình thành cái nền vững chắc của tình cảm lứa đôi – nơi ngập tràn thương yêu và thấu hiểu. Những câu thơ ở đây đã đưa người đọc vào những suy tư về nhân tình thế thái, là khúc đằm sâu của bản tình ca. Cả anh, cả em đều đã nhận ra giá trị đích thực của tình yêu và hạnh phúc. Nhà văn Alexandre Dumas từng nói: “Chỉ người đã trải qua nỗi đau khổ tột cùng mới có khả năng cảm nhận hạnh phúc tột cùng”. “Dàn thiên lý trước hiên nhà trổ muộn” đặt trong khổ thơ cuối như một điểm nhấn, một biểu tượng của hạnh phúc đích thực đã đến sau mọi khổ đau dồn nén…

Điều đặc biệt nhất ở bài thơ này, là tác giả không hề khắc sâu vào những lỗi lầm quá khứ. Cuộc sống và tình yêu vốn chứa đựng muôn vàn ngã rẽ và ai cũng có thể mắc sai lầm. Sau tất cả, bằng sự chân tình và lòng bao dung mới có thể xóa đi mọi buồn đau và khơi nguồn hạnh phúc. Giá trị nhân văn đích thực của bài thơ nằm ở đây. Câu thơ cuối: “Hạnh phúc mỉm cười với cuộc sống sang trang!” đã khép lại câu chuyện tình thấm đẫm nhân văn, chan chứa tình đời và tình người, cũng là lúc người đọc bắt đầu với những hành trình suy tưởng bất tận của riêng mình…

NLB