PGS.TS Trần Đức Ngôn: “Ngành viết văn sẽ không thể bị mai một”
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 14:20, 18/11/2019
Vào ngày 15 và 16/11 tới, Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trường Viết văn Nguyễn Du - Khoa Viết văn, Báo chí sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Dịp này, PGS.TS Trần Đức Ngôn - người từng có thời gian phụ trách cả Trường Đại học Văn hóa Hà Nội lẫn Trường Viết văn Nguyễn Du (nay thuộc Trường Đại học Văn hóa) đã có những chia sẻ với bạn đọc báo Người Hà Nội về một chặng đường mà Khoa Viết văn, Báo chí đã đi qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày của Khoa Khoa Viết văn - Báo chí,
trường Đại học Văn hóa trong Hội báo chí toàn quốc năm 2017.
PV: Là người đã gắn bó với Trường Viết văn Nguyễn Du ngay từ buổi đầu thành lập, xin ông chia sẻ đôi điều về những ngày tháng đó?
PGS.TS Trần Đức Ngôn: Tôi về Trường Đại học Văn hóa Hà Nội làm Hiệu trưởng từ năm 1999. Năm 2002, tôi kiêm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du. Khi đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, Trường Viết văn Nguyễn Du cũng vậy. Tôi đã đi tìm người ở Khoa Văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ở Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng họ đều từ chối. Một mình hai vai trĩu nặng, tôi vất vả vô cùng. Sáng ở Đại học Văn hóa, chiều lại sang Viết văn Nguyễn Du, nhiều hôm quá mệt mỏi, tôi cũng thấy nản. Song tiếng gọi của các em sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du làm tôi bồi hồi tỉnh lại. Tôi nghĩ, mình phải có trách nhiệm với họ. Trách nhiệm phải được thể hiện bằng cách tìm cho được một người đủ điều kiện về phụ trách Trường Viết văn Nguyễn Du.
PV: Được biết, sau khi đồng phụ trách hai trường ít lâu, tháng 11/2006 ông mời PGS.TS Ngô Văn Giá từ Học viện Báo chí về phụ trách trường Viết văn Nguyễn Du. Hình như, quá trình “lấy được” PGS.TS Văn Giá về cũng không đơn giản?
PGS.TS Trần Đức Ngôn: Như trên đã nói, tôi đã hai lần tìm người ở Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng đều thất bại. Chuyến này, đến Học viện Báo chí – Tuyên truyền, tôi không khỏi lo lắng. Tôi đã đến gặp nhà văn Văn Giá ba lần tại nhà riêng. Lần đầu anh từ chối rất quyết liệt. Lần hai, có lẽ vì nể tôi, anh nói mềm mỏng hơn nhưng vẫn chối từ. Lần ba, tôi dốc hết nỗi niềm của mình ra với anh, anh có vẻ hơi xuôi xuôi. Ít lâu sau anh trả lời: vì nể tôi quá nên không nỡ từ chối mãi. Tôi vui mừng khôn xiết vì anh vừa là nhà văn, vừa là Phó giáo sư, Tiến sĩ, hoàn toàn thích hợp với Trường Viết văn Nguyễn Du.
Vượt được khó khăn thứ nhất, lại đến khó khăn thứ hai: Học viện Báo chí – Tuyên truyền giữ người, không cho đi. Tôi phải ra sức thuyết phục và nhờ người thuyết phục ông Giám đốc học viện. Sau mấy tháng trời, ông đồng ý, lúc đó mới làm được thủ tục chuyển trường cho PGS.TS. Nhà văn Văn Giá. Tôi vui mừng bàn giao công việc cho anh và từ đó gắn bó với anh, thường xuyên chia sẻ với anh về những khó khăn cần giải quyết.
PV: Năm 2004, Trường Viết văn Nguyễn Du đổi tên thành Khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình Văn học. Đến năm 2010, Khoa Sáng tác và Lý luận - Phê bình văn học mở thêm ngành đào tạo mới là ngành Báo chí và đổi tên thành Khoa Viết văn - Báo chí vào năm 2012. Theo chia sẻ của PGS.TS Văn Giá, ông chính là người nêu ý tưởng mở ngành. Ý tưởng đó đã được PGS.TS Văn Giá cùng các giảng viên trong Khoa biến thành hiện thực. Xin ông cho biết, lý do nào khiến ông nảy sinh ra ý tưởng ấy?
PGS.TS Trần Đức Ngôn: Tôi cũng xuất phát từ cái nhìn thiết thực trong đời sống. Theo dõi các lớp sinh viên ngành Viết văn ra trường, không mấy người mưu sinh bằng nghề sáng tác văn học. Họ đi làm rất nhiều nghề, người có vốn thì mở công ty, người không có vốn thì đi làm thuê cho các cửa hàng, cửa hiệu. Có lần tôi đã gặp một sinh viên Viết văn làm việc trong cửa hàng chữa xe máy. Nhưng tôi thấy có tư thế nhất là những sinh viên Viết văn xin được vào làm việc ở các cơ quan báo chí. Từ đó, tôi nhận ra rằng kết hợp viết văn với báo chí là con đường đúng đắn nhất cho sinh viên. Họ phải lấy báo để nuôi văn. Tôi tiến hành cải cách chương trình, tăng thêm thời lượng báo chí cho ngành Viết văn. Nhờ thế, các sinh viên ra trường thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm. Họ được các cơ quan báo chí đón nhận nhiều hơn. Thực tế đó làm nảy sinh trong tôi ý tưởng đào tạo chuyên ngành Báo chí. Tôi có nói điều này với nhà văn Văn Giá.
PV: Là người “thai nghén” ý tưởng, những năm tháng qua, ông có dõi theo các lứa sinh viên báo chí đã tốt nghiệp này không? Ông đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm của họ trước những “đối thủ” đến từ các cơ sở đào tạo có bề dày truyền thống như Học viện Báo chí, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội?
PGS.TS Trần Đức Ngôn: Tôi không có đầy đủ tư liệu về các sinh viên ngành báo chí của Khoa Viết văn - Báo chí đã tốt nghiệp nên nói điều này có thể chỉ là cảm tính. Thông qua một số sinh viên mà tôi quen biết thì họ nói rằng, chỗ mạnh của họ là viết văn khá tốt. Lúc đầu, họ không được tin tưởng bằng các sinh viên tốt nghiệp Học viện Báo chí - Tuyên truyền hay Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vì các cơ sở này có lịch sử phát triển lâu năm hơn nên có thương hiệu mạnh. Nhưng qua thực tế công tác, họ phát huy được khả năng viết văn của mình nên đã chiếm được cảm tình của các cơ quan báo chí và truyền thông.
PV: Từng nhiều năm làm công tác quản lý đào tạo, cũng là người từng trăn trở về hướng đi của trường Viết văn Nguyễn Du, ông nghĩ thế nào về việc đào tạo viết văn trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Trần Đức Ngôn: Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần càng được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật càng lớn. Văn hóa đọc có thể bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh của các ngành nghệ thuật khác, tuy nhiên, nó không mất đi vì những giá trị riêng mà các ngành nghệ thuật nghe, nhìn không thể thay thế được. Hơn nữa, ngày nay, sách nói bắt đầu phát triển, tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho công chúng tiếp xúc với các tác phẩm văn học. Với lý do trên, tôi cho rằng, ngành Viết văn sẽ trường tồn, không thể bị mai một. Tuy nhiên, đào tạo Viết văn, để thích hợp hơn với xã hội hiện đại, nên đi theo hai hướng sau:
Một là, vẫn giữ nguyên sự kết hợp giữa viết văn và báo chí như chúng ta đã làm từ nhiều năm nay. Sinh viên ra trường sẽ làm báo và lấy báo để nuôi văn.
Hai là, cần phát triển đào tạo sáng tác kịch bản cho các hình thức nghệ thuật nghe nhìn. Các hình thức nghệ thuật này càng phát triển, càng cần nhiều kịch bản. Tuy nhiên, hướng đào tạo này không đơn giản, phải có sự chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật nghe nhìn thì mới sáng tác kịch bản được.
Xin chân thành cám ơn PGS.TS Trần Đức Ngôn!