Quốc hội thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động

Tin tức - Ngày đăng : 08:16, 21/11/2019

Sáng ngày 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, với 435/453 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 90,06%.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều. Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu, giải trình và Quốc hội thảo luận vào ngày 23/10/2019. Đã có 54 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận.Về cơ bản, ý kiến của các vị đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) (sau đây viết tắt là Bộ luật).

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”.

Quốc hội thông qua Dự thảo Bộ luật Lao động

Toàn cảnh kỳ họp (Ảnh: VGP)

Về thời giờ làm việc bình thường, Dự thảo quy định trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”. Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Quốc hội đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Về thời gian nghỉ lễ, tết, Quốc hội quyết nghị bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 02/9, như vậy, ngày Quốc khánh nước ta, người lao động sẽ được nghỉ hai ngày.

Trước đó, Quốc hội cũng đã tiến hành biểu quyết riêng đối với 3 nội dung về thời gian làm thêm giờ, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Cụ thể, về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa quy định tại Điều 107, Bộ luật không nâng khung thoả thuận làm thêm giờ tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ/năm mà quy định như Bộ luật Lao động hiện hành, tuy nhiên bộ luật sửa đổi có nâng giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng từ 30 giờ lên 40 giờ và bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Kết quả có 433/454 đại biểu tán thành (chiếm 89,65%). Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

https://vietnamhoinhap.vn/article/quoc-hoi-thong-qua-du-thao-bo-luat-lao-dong---n-24265

Vũ Đào/Vietnamhoinhap