Cơ hội từ RCEP giúp Việt Nam hội nhập kinh tế, tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu
Tin tức - Ngày đăng : 14:13, 05/12/2019
Hiệp định RCEP là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.
Theo ông, các nước cũng nhất trí sẽ sớm tiến hành rà soát pháp lý lời văn Hiệp định để triển khai các thủ tục ký kết trong năm 2020. RCEP khi được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu. Nó cũng sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
"Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác", ông Tuấn Anh nói. Với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) từ tháng 1/2018 và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6/2019, việc kết thúc đàm phán RCEP sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Sơ đồ về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, đàm phán RCEP có thể nói là một trong những cuộc đàm phán thương mại phức tạp. Ngay từ trước khi bắt đầu, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao, và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Tuy nhiên, cả 16 nước cùng đạt được một mức độ mở cửa thị trường chung là điều rất khó. Ngoài ra, bên cạnh quy mô lớn của Hiệp định thì trình độ phát triển kinh tế của các nước thành viên cũng rất khác biệt.
Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước trong khối nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN, vừa thúc đẩy đàm phán vừa bảo vệ tối đa lợi ích của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, trong đàm phán Hiệp định RCEP. Với mục tiêu đạt được một hiệp định chất lượng cao và cân bằng về lợi ích, Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và chủ động đề xuất những giải pháp linh hoạt trong nhiều lĩnh vực để xử lý những vấn đề vướng mắc giữa các bên trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
https://vietnamhoinhap.vn/article/co-hoi-tu-rcep-giup-viet-nam-hoi-nhap-kinh-te-tham-gia-sau-hon-chuoi-gia-tri-toan-cau---n-24718