Nhân rộng nhiều mô hình, sáng kiến bảo vệ môi trường Hà Nội
Kiến trúc - Ngày đăng : 08:22, 19/05/2022
Nhiều giải pháp, mô hình thiết thực bảo vệ môi trường
Mang tới giải pháp “Xanh hóa giao thông” Thủ đô, bà Trịnh Thúy Anh - Quản lý truyền thông của Dat Bike cho hay: “Thực tế 90% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Việt Nam là do các phương tiện chạy bằng xăng và 70% trong số đó là motor 2 bánh. Do đó, xe máy điện sẽ là giải pháp thiết thực nhất, thân thiện để mọi người dân Thủ đô có thể tiếp cận được để cải thiện chất lượng không khí”.
Gian hàng của Công ty TNHH MTV Dat Bike Việt Nam. Ảnh: Hà Ánh
Có mặt tại chương trình hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới “Chung tay hành động vì Hà Nội xanh”, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đem đến giải pháp giáo dục về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và không khí sạch.
Giám đốc Live & Learn Đỗ Vân Nguyệt chia sẻ: “Những năm gần đây, ý thức việc bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên cao và có nhiều hành động vì môi trường. Nhưng quan trọng nhất là làm thế nào để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước có thể cùng hiểu, đồng lòng trong các hoạt động này. Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm nhiều giải pháp và đã đến lúc nhân rộng ra thành sức mạnh nhằm bảo vệ môi trường sống”.
Gian hàng Công ty cổ phần Lagom Viêt Nam. Ảnh: Hà Ánh
Cũng tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: “Trong năm nay, quận đã và đang đang triển khai mô hình thu gom rác thải có giá trị thấp, thí điểm tại 8 phường về việc thu gom phân loại rác ngay từ đầu nguồn, đặc biệt là rác thải nhựa, để xử lý theo đúng quy trình, giảm thiểu tối đa nhất tác hại ảnh hưởng đến môi trường”.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, khi triển khai mô hình trên, cộng đồng, đặc biệt là các trẻ nhỏ sẽ ý thức về việc phân loại rác, từ đó, sẽ có hướng xử lý đảm bảo, không ảnh hưởng đến môi trường. Hành động này không chỉ tác động đến môi trường mà còn làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc thu gom rác thải.
Cũng tại Lễ phát động, nhiều gian hàng, dự án thân thiện với môi trường được giới thiệu. Trong đó, nổi bật là dự án Gây quỹ trồng rừng ngập mặn Vườn Quốc gia Xuân Thủy của 15 học sinh người Việt sống tại Hà Nội và NewZealand.
Các thành viên trong dự án Mangrove Xuân Thủy. Ảnh: Hà Ánh
Em Trần Vũ Gia Hân, học sinh lớp 10 trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Dự án của chúng em mang tên Mangrove Xuân Thủy, được đồng tài trợ bởi Live & Learn. Mục tiêu của dự án là gây quỹ trồng rừng ngập mặn, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Với mong muốn tạo ra một sản phẩm cụ thể nhằm giới thiệu về Vườn Quốc gia Xuân Thủy, mô tả chi tiết các loài động thực vật đặc trưng nhằm phục vụ cho việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức."
Với tinh thần giữ gìn, bảo vệ môi trường cùng với những hoạt động hiệu quả, dự án đã kêu gọi và quyên góp trồng được 291 cây tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, dự án Mangrove Xuân Thủy đã thực hiện xuất bản quyển sách “Những người bạn trong khu rừng ngập mặn”, mô tả chi tiết kèm hình vẽ minh họa về 51 loài động thực vật tiêu biểu của Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Có thể nói, dự án được triển khai đã giúp mỗi cá nhân hiểu biết hơn về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn, về những loài động thực vật tiêu biểu, từ đó, sẽ có mong muốn giữ gìn, bảo tồn những loài động thực vật của Hà Nội. Đây là thông điệp về môi trường rất ý nghĩa.
Xây dựng trường học xanh
Với mục đích nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh về các vấn đề môi trường, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường, chương trình “Trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh” do Sở TN&MT Hà Nội phối hợp các đơn vị tổ chức, nhằm giúp các trường học trở thành những ngôi trường xanh - nơi các thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục và học sinh cùng học tập - hành động - nuôi dưỡng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng một Hà Nội xanh.
Nhiều gian hàng thân thiện với môi trường được triển khai bên cạnh lễ phát động. Ảnh: Hà Ánh
Chương trình đã được thu hút sự tham gia tích cực của nhà trường và học sinh, với số lượng trường học tăng từ 30 trường tại 3 quận/huyện (theo kế hoạch dự kiến) lên 69 trường tại 4 quận, huyện. Chương trình đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trong trường học, xét cả về chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh của học sinh.
Các giải pháp xây dựng trường học xanh đã được áp dụng linh hoạt, sáng tạo để phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19 và vẫn đạt được hiệu quả về môi trường, đồng thời, phát huy được vai trò trung tâm của học sinh trong hoạt động học tập và thực hành. Kết quả khảo sát cho thấy, các trường đều ghi nhận ý nghĩa tích cực của chương trình và mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn hoạt động xây dựng trường học xanh. 100% trường học đồng ý với các tiêu chí trong “Dự thảo Khung tiêu chí Trường học xanh”.
Cô giáo Trương Mỹ Hạnh - Tổng Phụ trách trường Tiểu học Điện Biên, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nhà trường đã tạo được một không gian xanh. Trong chương trình "Xây dựng trường học xanh", hoạt động gây hứng thú và bổ ích nhất đối với học sinh là cuộc thi "Đại sứ xanh". Hoạt động phân loại rác và ủ rác hữu cơ còn có sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phụ huynh, học sinh.”