Nhân tố tác động đến Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Tin tức - Ngày đăng : 16:39, 07/12/2019

Đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế Việt Nam là không thể phủ nhận, tuy nhiên vai trò của các doanh nghiệp này trong chuỗi giá trị toàn cầu còn tương đối hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mới chỉ đảm nhận vai trò là đơn vị gia công hoặc nhà cung cấp các đầu vào như bao bì hoặc linh phụ kiện đơn giản, do đó giá trị gia tăng tạo nên còn ở mức khiêm tốn.

Nhân tố tác động đến Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu

Ảnh minh họa

Trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế - xã hội đất nước. Sự tham gia của các DNNVV trong các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu - một sân chơi được biết đến với sự dẫn đầu các công ty đa quốc gia là một đề tài được nhiều tổ chức quốc tế, các chính phủ và các hiệp hội quan tâm. Phân tích chuỗi giá trị là một góc nhìn khác về quá trình thâm nhập vào thị trường quốc tế của các DNNVV (Oyson, 2011).

Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2006) với khảo sát các DN ở các ngành như: Du lịch, phần mềm, ô tô, phim ảnh đã khẳng định thành công trong tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu góp phần mang lại sự ổn định và phát triển cho DNNVV thông qua sự phát triển về công nghệ và nguồn nhân lực nhờ vào việc được tiếp cận dễ dàng với thông tin, thực tiễn kinh doanh và công nghệ. Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng, không phải DNNVV nào cũng nhận thức và đánh giá được cao lợi ích khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (2015) khẳng định, lợi ích to lớn dành cho các DNNVV khi tham gia trong chuỗi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm tại châu Á. Tuy nhiên, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng kèm theo nhiều thách thức đối với các DNNVV và rủi ro mất đi khoản lớn các chi phí phát triển thị trường mà không thu được lợi ích gì. Trên nền tảng nghiên cứu này, Shinozaki (2016) cho rằng, chuỗi giá trị toàn cầu mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các DNNVV và sự tham gia của DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu giúp thúc đẩy năng suất lao động ở các quốc gia châu Á vốn đang có xu hướng suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, từ đó góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia. Cụ thể, chuỗi giá trị toàn cầu có thể giúp các DNNVV mở rộng được lượng khách hàng cũng như học hỏi kinh nghiệm từ các DN lớn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiều lợi ích dành cho DNNVV khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, nhân tố nào quyết định điều này. Ở tầm DN, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chịu ảnh hưởng của các nhân tố như quy mô DN, tuổi DN, khả năng tiếp cận tín dụng, trình độ công nghệ của DN cũng như môi trường kinh doanh.

Nhiều lý thuyết kinh tế đã khẳng định quy mô và độ tuổi là những yếu tố quan trọng với hoạt động kinh doanh sản xuất của DN, bao gồm cả những hoạt động liên quan tới việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như xuất khẩu hay liên kết với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Nghiên cứu của nhiều nhà kinh tế khẳng định, quy mô DN góp phần làm gia tăng các hoạt động của DN trong chuỗi (Banga (2019), Krammer, Strange, Lashitew (2017), Moteiro, Monreira, Sousa (2013), Verwaal và Donkers (2002), OECD (2006)). Tương tự, số năm hoạt động của DN cũng là một biến kiểm soát trong kết quả kinh doanh của DN.

Nhiều nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của nhân tố tuổi DN, tuy nhiên chiều ảnh hưởng của tuổi DN tới kết quả hoạt động kinh doanh nói chung và các hoạt động như xuất khẩu, liên kết của DN trong chuỗi giá trị toàn cầu còn chưa được thống nhất. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, số năm hoạt động gia tăng cũng góp phần tích lũy thêm kinh nghiệm cho DN, giúp gia tăng hoạt động xuất khẩu cũng như sự tham gia của DN trong chuỗi (Krammer, Strange, Lashitew (2017), Adeoti (2011)). Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế khác lại cho rằng, các DN trẻ thường năng động hơn và có xu hướng tham gia vào chuỗi mạnh hơn, do đó ảnh hưởng của tuổi DN lại mang chiều âm (Dollar và cộng sự (2016), Banga (2019), Cieślik, Michałek, Michałek (2014)).

Theo OECD (2006), năng lực tài chính để tài trợ cho đổi mới là điều cần thiết, nếu DN muốn tham gia sâu và hưởng lợi từ chuỗi giá trị. Cùng với đó, OECD nhận định, Chính phủ các quốc gia, cộng đồng DN và các tổ chức quốc tế hoàn toàn có thể giúp các DNNVV tham gia thành công thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ. Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, sự minh bạch và công bằng của luật pháp, chi phí hành chính thấp, những hỗ trợ thông tin và tư vấn cho DN, khuyến khích DN đầu tư mở rộng sản xuất là những điều cần thiết để đẩy mạnh vai trò của DNNVV trong chuỗi gia trị toàn cầu.

ADB (2015) chỉ ra rằng, các khó khăn mà DNNVV phải đối mặt khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, và các nhân tố như khả năng tiếp cận tín dụng, khả năng đổi mới sáng tạo, cũng như môi trường kinh doanh là những nhân tố quyết định tới hoạt động này của DNNVV. Nghiên cứu của Dollar và cộng sự (2017) cũng góp phần khẳng định tầm ảnh hưởng của các nhân tố này tới sự tham gia của DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trên thực tế, có nhiều chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá sự hội nhập của DNNVV vào chuỗi giá trị toàn cầu như: Hoạt động xuất nhập khẩu, liên kết xuôi và liên kết ngược với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bài viết này dựa trên các thông tin về cơ cấu bán hàng của DN trong bộ số liệu năm 2015, tác giả phân tích sự tham gia của DNNVV dưới 2 góc độ: Hoạt động xuất khẩu và hoạt động bán hàng cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù 2 hoạt động này không phải toàn bộ hoạt động của DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu nhưng cũng phản ánh được phần nào. Do vậy, những phân tích dưới đây có đóng góp nhất định cho những nghiên cứu về sự tham gia của DNNVV trong chuỗi.

Quy mô doanh nghiệp

Một trong những tiêu chí phân loại DNNVV là theo quy mô lao động. Theo Luật DN Việt Nam, tùy theo từng ngành nghề khác nhau mà số lượng lao động của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể thay đổi. Tuy nhiên, để dễ dàng cho việc nghiên cứu, tác giả sử dụng tiêu chí chung như sau: DN siêu nhỏ là DN có ít hơn 10 lao động, DN nhỏ là DN có từ 10 đến 50 lao động, và DN vừa là DN có từ 50 đến 300 lao động. Theo đó, dựa trên tính toán từ bộ số liệu DNNVV 2015, có 191 DN, chiếm 7,4% các DN khảo sát có các hoạt động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều dễ nhận thấy là nhóm các DN có quy mô vừa là nhóm có tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lớn nhất với 70 DN trong số 147 DN được khảo sát, chiếm 47,6%.

Trong khi đó, tỷ lệ này trong nhóm các DN nhỏ và siêu nhỏ lần lượt là 15,2% và 1,9%. Các con số thống kê này góp phần phản ánh nhận định của nhiều nhà nghiên cứu nêu trên về ảnh hưởng của quy mô DN tới sự tham gia của DNNVV trong chuỗi (Quy mô càng lớn thì khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu càng cao).

Tuổi doanh nghiệp

Mặc dù, không có nhiều sự khác biệt về khoảng giá trị của tuổi DN giữa 2 nhóm DN, một điều dễ nhận ra là tuổi trung bình của các DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhỏ hơn so với các DN chưa có các hoạt động tham gia chuỗi. Cụ thể, tuổi trung bình của các DN đã tham gia vào chuỗi với các hoạt động như xuất khẩu và bán hàng cho DN FDI là 13,44 năm trong khi con số này của nhóm các DNNVV chưa tham gia chuỗi là 16,75 năm. Điều này phần nào chứng minh luận điểm của nhiều nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng, DN càng trẻ thì càng năng động, dễ bắt nhịp với xu hướng mới và do đó càng dễ dàng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Khả năng tiếp cận tài chính

Mặc dù khảo sát của CIEM và cộng sự (2015) chỉ ra có nhiều nguồn tín dụng khác nhau (bao gồm cả chính thức và phi chính thức), được DNNVV sử dụng để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh sản xuất, tuy nhiên, trong nghiên cứu này, tác giả tập trung trước hết vào các khoản vay chính thức. Kết quả cho thấy, mặc dù số lượng khoản vay trung bình của 2 nhóm không có sự khác biệt, nhóm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhận được tối đa là 7 khoản vay chính thức trong năm 2014, trong khi con số này của nhóm chưa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu lên tới 24 khoản vay.

Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ tiếp cận vốn vay chính thức, số liệu điều tra cho thấy, tỷ lệ các DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu được tiếp cận với các khoản vay chính thức tương đối cao, chiếm 44,5% trong khi tỷ lệ này ở nhóm chưa tham gia chuỗi chỉ là 21,9%. Thống kê này là gợi ý cho nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định tác động khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV tới sự tham gia của DN trong chuỗi.

Trình độ công nghệ

Mặc dù tiến bộ về công nghệ của DN có thể được đo lường bởi nhiều tiêu chí khác nhau; nhưng trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích 3 tiêu chí: Đổi mới sản phẩm hiện có, giới thiệu sản phẩm mới và việc đạt được chứng nhận quốc tế. Thống kê về 3 tiêu chí này cho 2 nhóm DNNVV cho thấy, các DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu có tiến bộ công nghệ rõ rệt hơn so với các DN chưa tham gia. Cụ thể, tỷ lệ DN nhận được chứng nhận quốc tế trong nhóm đã tham gia chuỗi gấp gần 8 lần so với nhóm chưa tham gia.

Tương tự, về tiêu chí đổi mới sản phẩm, tỷ lệ của nhóm đã tham gia chuỗi gấp 2 lần so với nhóm chưa tham gia. Với tiêu chí giới thiệu sản phẩm mới, mặc dù không có nhiều sự khác biệt, tỷ lệ của nhóm đã tham gia chuỗi cũng cao hơn so với nhóm chưa tham gia chuỗi. Như vậy, phân tích thống kê cũng góp phần củng cố quan điểm tiến bộ công nghệ của DN góp phần thúc đẩy sự tham gia của DN trong chuỗi.

Môi trường kinh doanh

Môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố tác động tới kết quả hoạt động kinh doanh của DN nói chung và sự tham gia của DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu nói riêng. Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 cho thấy, 10 địa bàn có những đặc điểm khác nhau về môi trường kinh doanh và có ảnh hưởng nhất định tới xu hướng tham gia chuỗi giá trị của các DN.

Chuỗi giá trị toàn cầu mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài những đặc điểm vốn có của doanh nghiệp như quy mô và độ tuổi, những nhân tố như khả năng tiếp cận tài chính, trình độ công nghệ cũng như môi trường kinh doanh là những nhân tố quyết định tới sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh được biết đến với môi trường kinh doanh năng động, thuận lợi cho DN và cũng là nơi tập trung đông nhất các DN tham gia vào chuỗi, chiếm 54%. Đứng thứ hai trong danh sách này là Hà Nội với 13%. Khánh Hòa, Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng cũng là các địa bàn với tỷ lệ DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thấp nhất. Đây cũng là nhóm có chỉ số PCI năm 2015 thấp nhất so với các tỉnh thành được CIEM và cộng sự khảo sát năm 2015.

Ngoài ra, tác giả cũng dựa trên thông tin về các khoản chi phi chính thức của DNNVV để đánh giá về mối tương quan giữa tham nhũng - một trong những tiêu chí phản ánh chất lượng môi trường kinh doanh và sự tham gia của DN trong chuỗi giá trị toàn cầu. Số liệu điều tra cho thấy, tỷ lệ DN tham gia chuỗi có chi trả các khoản chi không chính thức gần như gấp đôi so với nhóm các DN chưa có hoạt động này. Tiêu chí này cũng phần nào cho thấy, tham nhũng nói riêng và chất lượng môi trường kinh doanh có ảnh hưởng nhất định tới các DNNVV.

Loại hình doanh nghiệp

Bên cạnh các nhân tố nêu trên, tác giả cũng thực hiện việc thống kê sự tham gia của DNNVV trong chuỗi theo hình thức DN. Ngoại trừ nhóm các công ty cổ phần có vốn đầu tư của Nhà nước với số lượng khảo sát khá khiêm tốn, loại hình DN trách nhiệm hữu hạn là nhóm có tỷ lệ tham gia chuỗi cao nhất và nhóm hộ kinh doanh cá thể là nhóm có tỷ lệ tham gia ít nhất. Điều này cũng là gợi ý cho các nghiên cứu định lượng trong tương lai về đánh giá tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới sự tham gia của DNNVV trong chuỗi giá trị toàn cầu.

https://vietnamhoinhap.vn/article/nhan-to-tac-dong-den-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau---n-24702

VNHN