Nhà văn Nam Bộ Kiều Thanh Quế với Hà Nội

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 14:52, 10/12/2019

Nhà văn Kiều Thanh Quế (1914 - 1948), quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; còn có các bút danh Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai; được coi là “nhà phê bình số một của Nam Bộ” và cũng là nhà văn tiêu biểu của cả nước giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.
 Nhà văn Kiều Thanh Quế (1914 - 1948), quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; còn có các bút danh Mộc Khuê, Tô Kiều Phương, Quế Lang, Nguyễn Văn Hai; được coi là “nhà phê bình số một của Nam Bộ” và cũng là nhà văn tiêu biểu của cả nước giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Tinh thần yêu nước chống Pháp của Kiều Thanh Quế không chỉ thể hiện bằng những bài viết đăng trên báo mà qua hành động khiến thực dân Pháp bắt quản thúc ông tại Bà Rá (1939), sau chuyển về Cần Thơ (1940). Điều đó không làm tắt ngọn lửa yêu nước và nhiệt tình đối với nền văn học dân tộc trong ông mà càng thôi thúc sự đấu tranh và sáng tạo. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia lực lượng công an rồi bị án oan cùng nhiều đồng đội năm 1948. Điều đặc biệt là Kiều Thanh Quế sinh sống ở Nam Bộ nhưng lại có mối quan hệ sâu sắc với giới văn học, báo chí, xuất bản tại Hà Nội…

Kiều Thanh Quế đến với văn chương bằng truyện ngắn Thương tâm đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy (Hà Nội, 1937), sau đó in tập truyện Đứa con của tội ác Đứa con của tội ác (gồm hai truyện ngắn Đứa con của tội ác và Đêm hè) (Mai Lĩnh, Hà Nội, 1941), các truyện ký in tạp chí Tri Tân ở Hà Nội (Ngôi mả hoang, 1942; Hoa mai, 1943 ; Mùa thu với cuộc đời, 1944), bên cạnh tiểu thuyết Hai mươi tuổi (Sài Gòn, 1940)...

Vào giai đoạn đầu cộng tác với báo Mai ở Sài Gòn, Kiều Thanh Quế đã đọc và đánh giá cao nhiều cây bút ở Hà Nội và giới thiệu rộng rãi với bạn đọc phương Nam: “Ngay ở nước ta đã có những ngọn bút phóng sự hữu giá: Trọng Lang, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nhất Chi Mai, Việt Sinh,... giờ trong làng văn phóng sự, xin thêm vào tác giả Bỉ vỏ - ông Nguyên Hồng. Đem vào văn chương Việt Nam phóng sự tiểu thuyết, một đối tượng (objet) mới: nghề "chạy vỏ", "chạy dọc", ông Nguyên Hồng quả có công với văn giới” (1938)... 

Trong sự bề bộn của đời sống văn học đầu thế kỷ XX, việc Kiều Thanh Quế chuyển hướng chọn một tờ tạp chí như Tri Tân ở Hà Nội để cộng tác cho thấy tác giả có vốn kiến văn sâu rộng, phù hợp với những tạp chí thiên về khảo cứu, bình luận chuyên sâu. Trong công trình sưu tập tư liệu tạp chí Tri Tân (1941 - 1945) - Phê bình văn học (1999), chúng tôi đã chọn giới thiệu tới 18 mục bài của Kiều Thanh Quế. Trên thực tế, với tổng cộng bốn chục bài đã in trên Tri Tân, có thể chia thành bốn cụm bài sau: Tiểu luận nghiên cứu - Đọc sách sáng tác - Đọc sách nghiên cứu, phê bình - Trao đổi, tranh luận... Trên hầu hết các vấn đề quan hệ văn học Đông - Tây, lý thuyết và thực tiễn, tự trào và thể loại, bình luận và tranh luận, dịch thuật và tiếp nhận, văn bản và công chúng,.. Kiều Thanh Quế đưa đến nhiều quả “đùng” sắc nét, thú vị.

Có thể kể một số tiểu luận tiêu biểu đã in trên tạp chí Tri Tân: Cuộc kỳ ngộ Lan Khai - Zweig “Tội và thương” gặp Lapeur, Phê bình “Triết học Bergson” của Lê Chí Thiệp, Vở “Lalousie” của Sacha Guitry biến thể trong “Ghen” - kịch ba hồi của Đoàn Phú Tứ (1942), Phê bình với văn học sử, Câu chuyện con số trong thơ và nhạc trong thi ca (1943), Nhân đọc “Thi nhân Việt Nam”, Thi sĩ Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu” (1944), Mấy lối phê bình văn học, Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua (1945)... Nhà văn học sử Phạm Thế Ngũ xác nhận: “Ngay từ 1941 miền Nam đã cung cấp cho tạp chí Tri Tân những cây bút khảo luận xuất sắc: Lê Thọ Xuân, Tố Phang, Kiều Thanh Quế” (1965)... Nhà khảo cứu Bằng Giang nhấn mạnh, ở vào giai đoạn này, Kiều Thanh Quế là một trong những cây bút “viết khỏe nhứt” (1974) cho tạp chí Tri Tân bên cạnh các cây bút kỳ cựu của tờ tạp chí có công đối với nền văn học Việt Nam trong giai đoạn gần giữa thế kỷ XX như Lê Thanh, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố... 

Trong nhiều năm, từ Nam Bộ, Kiều Thanh Quế vẫn dõi theo những bước đi của văn học cả nước và có nhiều đóng góp cho nền phê bình bằng những công trình sáng giá và đều được in ở Hà Nội như Phê bình văn học Ba mươi năm văn học, Một ngày của Tolstoi (1942), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam, Đàn bà và nhà văn, Học thuyết Freud, Thi hào Tagore (1943)...

Với bản tính trung thực, hầu như Kiều Thanh Quế không đi theo hướng phê bình một chiều mà thường có khen có chê, thậm chí trong không ít trường hợp lại thiên về chê và phê nữa, góp phần phản tỉnh và tạo nên sự sôi động cho văn đàn Hà Nội. Bên cạnh việc phác thảo các trường phái thơ thi sơn, tượng trưng, đa đa và siêu tả chân bên Pháp, Kiều Thanh Quế mở rộng đọc “liên văn bản”, châm biếm, công kích lối thơ lập thể (cubisme) - "thơ mù tịt": "Năm ngoái ở Hà Nội, một nhóm thi sĩ đưa ra một lối thơ lạ và một tập sách cổ động cho lối thơ ấy: Xuân thu nhã tập.

Theo nhóm thi sĩ ấy, thơ là một đạo, nó có tánh cách thần bí tổng hợp. Nó cũng có Âm có Dương. Và Âm - Dương sáng tạo, rung động, luân chuyển thành một cái vòng Thái cực đồ: Âm + Dương = Sáng tạo = Rung động = Thơ = Đạo. Lý thuyết của Xuân thu nhã tập còn lắm điều quái dị nữa. Nhưng thôi, hãy kể một vài câu thơ Xuân thu: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mê - Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y. Đố ai hiểu được hai câu thơ ấy? Chỉ có một người hiểu được thôi. Người ấy là ông Đinh Gia Trinh, bạn của tác giả hai câu thơ kia: ông Xuân Sanh. Thì người bạn của Xuân Sanh đã được Xuân Sanh giải rõ hai câu thơ ấy, tưởng khó có được một kẻ thứ hai hiểu nổi hai câu thơ "mù tịt" ấy (...).

Thưởng thức và giải được thơ Xuân Sanh như Đinh Gia Trinh kể cũng tài tình. Nhưng có một điều rầy rà là từ đây hễ ông Xuân Sanh làm thơ thì ông Đinh Gia Trinh phải giảng. Có thế người ta mới hiểu được! Vì hễ ông Xuân Sanh cho ra tập thơ thì ông Đinh Gia Trinh lại phải cho ra một tập sách giảng nghĩa thơ Xuân Sanh"... Thực tế nói trên, bao gồm cả bản tính trung thực cộng hưởng với những sai số nhất định trong thẩm bình thơ văn ở Kiều Thanh Quế khiến cho số ít nhà phê bình phật ý, - điều mà ông hoàn toàn hiểu rõ và sẵn sàng chấp nhận.

Không chỉ cộng tác với tạp chí Tri Tân, khoảng năm 1943 - 1944, Kiều Thanh Quế từng cùng Ngươn Long - đại diện Nhà xuất bản Đức Lưu Phương (Sài Gòn) - ra thăm Hà Nội. Gặp đúng lúc máy bay đồng minh ném bom Hà Nội nên phải nhờ cụ Nguyễn Văn Tố mua giúp vé tàu về Nam. Qua Huế, ông ghé thăm nhà văn hóa Phạm Quỳnh, nguyên chủ bút Nam phong tạp chí. Khi Kiều Thanh Quế trở về Sài Gòn thì chính nơi đây cũng bị đánh bom. Từ đó ông về quê, vừa tiếp tục viết bài cho tạp chí Tri Tân vừa gấp rút hoàn thành các sách chuyên khảo Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa tả thiệt xã hội, Cuộc vận động cứu nước trong Việt Nam vong quốc sử... trong hoàn cảnh Nam Bộ và cả nước đang chuẩn bị chuyển mình sang trang sử mới...

Nguyễn Hữu Sơn