Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí hiện nay
Tin tức - Ngày đăng : 08:11, 12/12/2019
Yêu cầu cấp thiết đối với việc nhận diện thông tin xấu độc và ngăn chặn hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện truyền thông, nhất là các trang thông tin điện tử.
Vai trò của báo chí
Thời gian qua, báo chí đã bám sát và phản ánh trung thực tình hình chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và các sự kiện lớn của đất nước. Báo chí đã tiên phong trong việc phản bác các luận điểm, thông tin sai trái, xuyên tạc, gây hoang mang trong dư luận, làm tốt vai trò là diễn đàn xã hội rộng lớn, tin cậy của nhân dân, tích cực tham gia trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Báo chí cũng góp phần đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước tới gần hơn với nhân dân, đồng thời thông qua đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những đóng góp của nhân dân để có những điều chỉnh phù hợp, đúng đắn.
Các thế lực thù địch thường sử dụng mọi thủ đoạn kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, ngoại giao... kết hợp với răn đe quân sự để xây dựng lực lượng ngầm, tạo ra các lực lượng chính trị đối lập từ bên trong; núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền; kích động mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; triệt để lợi dụng những khó khăn, làm trầm trọng thêm quá trình khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo nên sức ép ngày một lớn buộc phải chuyển hóa, thay đổi đường lối chính trị,...
Với việc xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, báo chí đã chủ động đấu tranh trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, bảo vệ vững chắc các nguyên lý kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới kinh tế của Đảng ta, góp phần củng cố vững chắc trận địa tư tưởng trong nhân dân mà trước hết là trong cán bộ, đảng viên, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí
Để thực hiện tốt công tác xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc, báo chí có thể tham khảo một số bước sau:
Xác định nguồn phát, tính chính xác của thông tin
Để xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí, trước hết cần xác định nguồn phát cũng như làm rõ tính chính xác của thông tin. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, một thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể nhanh chóng lan truyền khắp các phương tiện thông tin đại chúng, các loại hình báo chí, truyền thông, do vậy việc xác định nguồn phát rất khó khăn. Có thể nguồn phát từ trong nước, cũng có thể nguồn phát từ bên ngoài, điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý các chủ thể cố tình tạo ra những thông tin này.
Bên cạnh việc xác định nguồn phát là việc kiểm chứng tính đúng đắn của thông tin. Điều này giúp xác định thông tin được phát đi là thông tin sai lệch, xuyên tạc hay thông tin chính thống giúp cơ quan báo chí có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
Phản bác kịp thời thông tin sai lệch, xuyên tạc
Đây là khâu đóng vai trò quyết định trong việc xử lý thông tin phản hồi, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Nếu cơ quan báo chí có đủ năng lực sẽ có bài viết phản biện sắc sảo, logic, khoa học, luận điểm mạnh mẽ, luận chứng rõ ràng để xã hội cũng như đối tượng phát đi thông tin sai lệch nhận diện được một cách thuyết phục.
Để làm tốt khâu này đòi hỏi cơ quan báo chí phải có đội ngũ nhân lực giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và tư duy mạch lạc, khoa học, biện chứng.
Thu thập, xử lý thông tin phản hồi Đây là khâu cuối cùng trong quy trình xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên báo chí. Việc thu thập thông tin diễn ra ở nhiều khía cạnh khác nhau như thông tin từ dư luận, thông tin từ các cấp lãnh đạo, thông tin từ các tầng lớp nhân dân hay chính những thông tin phản hồi ngay trong các bài viết.
Từ việc thu thập thông tin này, tòa soạn sẽ xử lý bằng các hình thức như đăng tải thêm, họp báo hoặc gửi thư, điện thoại trực tiếp tới đối tượng phản hồi nhằm làm rõ hơn các nội dung chính sách liên quan.
Vĩ thanh
Trong thời gian tới, hệ thống báo chí truyền thông cần phải đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh với những thông tin sai lệch, xuyên tạc. Báo chí cần phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính nhân dân, tính chân thật, tính đa dạng, bảo đảm “nhân văn, tin cậy, kịp thời, hấp dẫn”.
Các bài viết phải tập trung vào các vấn đề mấu chốt mà các thế lực thù địch thường tấn công, xuyên tạc, đó là: Các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; con đường đi lên CNXH ở nước ta, cơ chế thị trường định hướng XHCN; vấn đề nhân quyền, dân chủ, dân tộc, tôn giáo...
Đặc biệt là lực lượng “bút chiến” phải tùy theo tình hình, chủ động viết bài, đăng tải xử lý các quan điểm sai trái, thù địch chứ không máy móc đợi tính định kỳ như hiện nay. Tập trung dành dung lượng và thời lượng hợp lý, tuyên truyền có trọng điểm về chủ trương, đường lối của Đảng.
Bên cạnh đó, đội ngũ phóng viên trực tiếp đấu tranh cần tập trung đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc phù hợp; Tính toán lựa chọn nội dung đấu tranh, xử lý phù hợp, trước tiên cần tập trung vạch trần bản chất quan điểm sai trái của các đối tượng trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, sử dụng ngôn ngữ sắc bén, phù hợp.
Triển khai tích cực, kiên quyết, thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao, phương pháp khoa học, có sức thuyết phục cao, sức lan tỏa sâu rộng; Chủ động đánh giá các yếu tố về tính chất, mức độ, thời điểm để xử lý bảo đảm kịp thời, hiệu quả; Linh hoạt sử dụng các hình thức đấu tranh, xử lý: Các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí tranh thủ văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên có uy tín, trình độ tham gia viết bài, tiến hành đấu tranh kịp thời có hiệu quả./.
http://nguoilambao.vn/xu-ly-thong-tin-sai-lech-xuyen-tac-tren-bao-chi-hien-nay-n16241.html