Về làng cổ Ðường Lâm mùa gặt
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 18:18, 19/05/2022
Làng Việt cổ nghìn năm tuổi
Làng cổ Đường Lâm là cái tên chung chỉ quần cư 5 làng cổ, nay là các thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm, thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội. Đường Lâm nằm ở vùng đất châu thổ sông Hồng, thuộc trấn Sơn Tây xưa, cách trung tâm thị xã Sơn Tây ngày nay khoảng 4,5km, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km về phía Tây. Các thôn thuộc làng cổ Đường Lâm nằm liền kề nhau, gắn kết với nhau thành một thể thống nhất với phong tục, tập quán và tín ngưỡng qua bao đời nay không hề thay đổi. Đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.
Đường Lâm là làng cổ đã có nghìn năm tuổi. Có tài liệu cho rằng Đường Lâm vốn thuộc đất Phong Châu, đã tồn tại từ thời Hùng Vương. Còn theo chính sử, sách “Đại Việt Sử ký toàn thư”, phần chép về năm 1117, có đoạn nhắc đến “người giáp Cam Giá”. Khu vực làng cổ Đường Lâm ngày nay vốn thuộc tổng Cam Giá Thịnh trước kia, nay thuộc các làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm; được gọi chung là Kẻ Mía, xuất phát từ việc nơi đây từng phát triển nghề trồng mía. Cũng từ đó mà có tên làng Mía, chùa Mía.
Đường Lâm được coi là đất “địa linh, nhân kiệt”, là quê hương của nhiều danh nhân như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía (vương phi của chúa Trịnh Tráng, người xây chùa Mía), ngoài ra là những cái tên Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An... Đường Lâm còn được gọi là “đất hai vua” do là nơi sinh ra Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Trải qua nghìn năm lịch sử, Đường Lâm ngày nay vẫn giữ được quần thể kiến trúc - cảnh quan mang đậm dấu ấn cấu trúc làng Việt cổ với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ, quán, điếm canh, đồng ruộng, ao hồ, gò đồi... Các di tích lịch sử - kiến trúc có thể kể tới như cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, đình Cam Thịnh, đình Đoài Giáp, chùa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền - phủ thờ bà chúa Mía, đền thờ Phùng Hưng, lăng mộ Ngô Quyền... Cùng với hệ thống di tích lịch sử là các ngôi nhà cổ ở khắp làng. Theo thống kê, hiện tại Đường Lâm có 956 ngôi nhà cổ với kiến trúc truyền thống, trong đó có nhiều ngôi nhà có niên đại từ hơn 100 năm tới khoảng 400 năm. Tiêu biểu là nhà các ông Nguyễn Văn Hùng, Hà Hữu Thể, Hà Nguyên Huyến, Giang Văn Thuận, Đỗ Doãn Dương... Các ngôi nhà cổ có đặc điểm chung là có hệ thống kết cấu gỗ truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, tường xây đá ong - loại vật liệu đặc trưng ở Đường Lâm - Sơn Tây; có 3 - 5 gian và hai chái, mái lợp ngói mũi đất nung. Nhà nằm trong một bố cục tổng thể sân vườn có nhà bếp, sân, giếng nước, cổng và tường rào.
Trong quần thể di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm, hiện có 50 di tích có giá trị cao. Trong đó, 7 di tích được xếp hạng quốc gia; 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Bên cạnh giá trị cảnh quan, kiến trúc, Đường Lâm cũng là nơi có nhiều lễ hội với 17 lễ hội gắn với di tích, lưu giữ nhiều văn bia, thư tịch, sắc phong cổ; có các phong tục tập quán, nghề thủ công, các hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian đậm chất hồn quê Việt.
Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngày 19-5-2005. Tháng 9-2019, UBND thành phố Hà Nội quyết định công nhận làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch của thành phố.
Để “viên ngọc” Đường Lâm tỏa sáng
Đường Lâm là làng cổ thuần nông với nghề trồng lúa nước chủ đạo, bên cạnh trồng hoa màu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mặc dù một số hộ gia đình có nghề phụ như làm tương, làm đậu phụ, đan lát, làm bánh kẹo, chè lam... nhưng tỷ trọng không lớn để trở thành làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Kinh tế chủ đạo vẫn là trồng lúa. Chính điều này đã giúp làng cổ Đường Lâm lưu giữ được một không gian rất xưa, mô hình sống với nét thuần phác, đậm bản sắc mà nhiều vùng nông thôn đã mai một. Hiện tại, ở Đường Lâm có hơn 90% trong số hộ gia đình trồng lúa ở các thửa ruộng quanh làng, nhà nhiều thì vài mẫu, nhà ít thì vài sào. Người nông dân trồng 2 vụ lúa mỗi năm: Vụ xuân cấy lúa chiêm khoảng tháng 2 - 3, vụ hè cấy lúa mùa khoảng tháng 6 - 7. Do đặc thù khí hậu, thời tiết, mùa thu hoạch vụ chiêm vào tháng 5 được coi là thời điểm đẹp nhất của làng cổ Đường Lâm. Nếu tới Đường Lâm vào dịp này, du khách có thể thấy không khí nhộn nhịp từ cánh đồng cho tới những con đường làng, trong mỗi ngôi nhà. Ngoài đồng là cảnh người người gặt lúa, gánh lúa; trên các con đường dẫn vào làng và đường làng là cảnh chở lúa về; trong sân mỗi nhà là cảnh tuốt lúa, sàng sảy... Cả làng, từ cánh đồng vào tới mỗi ngôi nhà là hình ảnh vàng ruộm của lúa, rơm và thóc dưới ánh nắng hè... Ngoài một số hộ gia đình sử dụng máy tuốt lúa ngay bên cánh đồng, hầu hết các công đoạn thu hoạch của người dân vẫn được làm thủ công; tạo nên vẻ đẹp bình dị của một ngôi làng cổ trong lòng thành phố hiện đại. Không gian làng cổ trở nên quyến rũ hơn trong mùa gặt.
Tuy vậy, cơ cấu nông nghiệp này đang thay đổi. Nhiều người trẻ không còn mặn mà với công việc làm nông vất vả cho thu nhập thấp, đã chuyển hướng sang làm nghề khác. Việc làm nông đang có xu hướng thiếu lao động. Ông Phan Văn Hành, một lão nông ở Đường Lâm chia sẻ: “Làng Đường Lâm 90% vẫn làm ruộng. Làm ruộng vất vả lắm, và nghèo”. Đó là lời nói chân tình và đáng suy nghĩ.
Trong những năm gần đây, Đường Lâm là điểm du lịch thu hút khách. Nhưng nếu một ngày nào đó, Đường Lâm mất nghề nông, chuyển cơ cấu sang làm nghề khác hay dịch vụ thì có lẽ ý nghĩa làng cổ sẽ không còn nữa. Đường Lâm chỉ đẹp khi là làng đúng nghĩa với đầy đủ không gian, hơi thở, cuộc sống của làng chứ không phải là một điểm du lịch “kiểu... ngắm nhìn”. Hiện tại, dù nghề trồng lúa vẫn là chủ đạo nhưng người dân đã biết làm du lịch cộng đồng. Nhiều nhà cổ mở cho khách tham quan, một số gia đình bán quà đặc sản và đồ lưu niệm, phục vụ ăn uống, làm dịch vụ homestay cho khách trải nghiệm cuộc sống ở làng cổ. Bà Dương Thị Lan, chủ nhân một ngôi nhà cổ được xếp hạng ở thôn Mông Phụ, cũng làm dịch vụ homestay, cho biết: “Mùa gặt ở Đường Lâm khách đến rất đông bởi khung cảnh làng rất đẹp, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Đó là điều đáng mừng bởi giới trẻ đã quan tâm và tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc”.
Để Đường Lâm được bảo tồn xứng đáng, để làng cổ vẫn mãi là làng cổ, để nghề trồng lúa không mai một ở nơi đây, để không phải mang danh “làng cổ mà nghèo”, đời sống người dân được cải thiện tích cực, có lẽ đó không phải là việc đơn giản. Tất cả cần sự vào cuộc và nghiên cứu thấu đáo của những người làm chính sách, những người làm văn hóa - du lịch, và đương nhiên là của cả cộng đồng dân cư Đường Lâm. Nếu làm được, Đường Lâm sẽ là một viên ngọc tỏa sáng lấp lánh!