Cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ 5G
Tin tức - Ngày đăng : 08:21, 20/12/2019
Còn Báo cáo “5G tại Đông Nam Á: Tái khởi động tăng trưởng tại các thị trường doanh nghiệp và tiêu dùng” (5G in ASEAN: Reigniting Growth in Enterprise and Consumer Markets), dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 6 triệu thuê bao 5G. Tổng số thuê bao 5G của ASEAN là 200 triệu. Việc triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty viễn thông Việt Nam lên hơn 300 triệu USD từ năm 2025.
Tập đoàn Cisco đánh giá, với tốc độ nhanh gấp 50 lần 4G, độ trễ thấp, mạng 5G sẽ giúp các nhà mạng cung cấp kết nối Internet siêu nhanh, cho phép truyền phát video với độ phân giải cao, dịch vụ giải trí được cung cấp trên điện toán đám mây và đem các dịch vụ có nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo/tăng cường (AR/VR) tới người tiêu dùng. “Các tính năng này cũng giúp nhanh chóng thương mại hóa các mô hình dịch vụ và ứng dụng mới của mạng 5G, bao gồm các ứng dụng cho thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, các ứng dụng của Internet vạn vật (IoT) với quy mô to lớn.
Nhờ vậy, các nhà khai thác viễn thông có khả năng gia tăng doanh thu từ cả người tiêu dùng lẻ, lẫn khách hàng doanh nghiệp”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN đánh giá. Mô tả về sự xâm nhập của mạng 5G tại thị trường Việt Nam, ông Sudeepto Roy, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật của Qualcomm nhận định: “5G là công nghệ kết nối bắt buộc để hỗ trợ phát triển cho các ngành công nghiệp cho tương lai. Việt Nam đang phát triển kết cấu hạ tầng mạnh mẽ, Chính phủ đề ra các mục tiêu phát triển thành phố thông minh..., nên sẽ cần đến kết nối 5G như một công nghệ then chốt”.
Viettel đang tích cực chuẩn bị cho mạng 5G.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Mohamed Madkour, Phó chủ tịch phụ trách giải pháp và kinh doanh các mạng di động toàn cầu của Huawei nhận định, 5G sẽ mang lại những trải nghiệm mới và sức mạnh cho tất cả, từ người dùng cá nhân với các dịch vụ chơi game trên đám mây, ứng dụng VR/AR, truyền hình trực tiếp độ phân giải cao, đến cơ hội để xóa khoảng cách số và kết nối cho hơn 950 triệu hộ gia đình ở những vùng sâu, vùng xa, kém phát triển trên toàn cầu, giúp thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả và lợi ích trong các ngành, lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp, y tế, điện lực, giáo dục.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng, tại Việt Nam, công nghệ 5G sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất và xây dựng các hệ thống sản xuất thông minh, như nhà máy thông minh, mỏ thông minh, bệnh viện thông minh. Trong tương lai, 5G sẽ trở thành một phần quan trọng của kết cấu hạ tầng tòa nhà thông minh, quan trọng như nước, điện và sẽ trở thành yếu tố cốt lõi của sự phát triển thành phố thông minh. Rậm rịch ứng dụng, khai thác 5G Lợi ích của công nghệ 5G thì đã rõ.
Nhưng để triển khai 5G thành công, cần có sự hợp tác của nhiều bên liên quan, từ các cơ quan chính phủ, các nhà khai thác viễn thông, các nhà cung cấp thiết bị, giải pháp, các ngành và các đối tác bên thứ ba về hạ tầng. Để triển khai 5G, các nhà khai thác viễn thông phải tiến hành đầu tư khá lớn. Dự kiến ở Việt Nam, các nhà mạng phải đầu tư 1,5 - 2,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2025. Trong một diễn biến mới nhất, lãnh đạo một nhà mạng cho biết, UBND TP. Hà Nội đang cùng nhà mạng này triển khai hạ tầng mạng lưới 5G phục vụ giải đua F1 vào tháng 4/2020.
Cũng tại Hà Nội, Dự án thành phố thông minh có tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD vừa được khởi công cũng sẽ ứng dụng công nghệ 5G, nhận diện khuôn mặt và blockchain. Trong khi đó, một “tân binh” là VinSmart (thuộc Vingroup) cho biết, Công ty đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT. Đồng thời, VinSmart cũng đã xây dựng phòng thí nghiệm để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. Dự kiến đến tháng 7/2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt.
Đến tháng 8/2020, VinSmart sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. VinSmart đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G. Tại một sự kiện 5G gần đây, Viettel đã trình diễn công nghệ 5G trên nhiều dịch vụ khác nhau, như giao lưu với robot mô phỏng các động tác được điều khiển từ xa qua sóng 5G, chơi trò chơi thực tế ảo trên đám mây, xem video trực tuyến với độ phân giải 8K, du lịch ảo qua camera 360... và một số ứng dụng như nhà thông minh, các ứng dụng IoT như đo quan trắc môi trường nước, không khí, đo công tơ điện từ xa. Nhưng khả năng ứng dụng của 5G không dừng ở đó.
Theo ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel, trong giai đầu, ứng dụng 5G là Internet trên điện thoại di động và thay thế cáp quang. “Vài năm tới, trên nền tảng 5G, hai bác sỹ ở cách nhau hàng ngàn km có thể hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh nhân”, ông Thắng nói. Ông Thắng cũng cho biết, mạng 5G của Viettel sẽ được triển khai ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, các nhà máy thông minh, các bệnh viện, trường học… Những động thái trên cho thấy, các nhà mạng, doanh nghiệp, cơ quan đã tích cực đón lõng công nghệ 5G. Nhưng để công nghệ 5G sớm phổ biến và mang lại lợi ích cao nhất, cần nỗ lực của không chỉ các nhà mạng, mà cả doanh nghiệp và người dùng.