Sâu đậm tinh hoa văn hiến Thăng Long
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 16:29, 20/12/2019
Dự án Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" giai đoạn II đượctriển khai từ năm 2013 đến nay là sự tiếp nối Dự án điều tra, sưu tầm, biên soạn và xuất bản Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến" giai đoạn I với nhiều hoạt động nhằm hệ thống hóa mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội qua tiến trình 1.000 năm lịch sử. Ở giai đoạn II của dự án, Nhà xuất bản Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai điều tra, khảo sát nguồn tư liệu văn hiến về Thăng Long - Hà Nội từ thực địa và tại các cơ quan lưu trữ Trung ương, địa phương, đặc biệt là tập trung nghiên cứu những vùng đất mới của Hà Nội mở rộng. Dự án tiếp tục quy tụ hàng trăm các cộng tác viên là các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành ở Trung ương và địa phương trên các lĩnh vực.
Kết quả, sau 7 năm thực hiện, Dự án đã biên soạn và xuất bản 40 đầu sách (74 tập sách) thuộc các mảng: Địa lý, Lịch sử, Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Văn học Nghệ thuật, Tư liệu Tổng hợp với dung lượng hơn 50.000 trang; xuất bản 20 đầu sách phổ thông phục vụ rộng rãi bạn đọc nhiều lứa tuổi, thành phần.
Một số đầu sách của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến” . Ảnh: Đặng Thủy
Bên cạnh đó, Dự án cũng đã thu được khối tư liệu khổng lồ từ các hoạt động điều tra, sưu tầm tư liệu trong và ngoài nước. Trên cơ sở các kết quả điều tra, sưu tầm tại 14 quận, huyện, thị xã còn lại của khu vực Hà Nội mở rộng, Dự án đã triển khai tổ chức dịch, hiệu đính các tài liệu thu được và xây dựng hồ sơ tư liệu văn hiến Thăng Long (theo đơn vị quận, huyện, thị xã) cùng một số toàn tập tư liệu.
Về điều tra sưu tầm tư liệu tại nước ngoài, ở giai đoạn II này có gần 9.000 trang tư liệu đã được khai thác (gấp gần 2 lần kế hoạch, không phát sinh thêm kinh phí và thời gian). Đáng chú ý, nếu ở giai đoạn I, Nhà xuất bản Hà Nội đã tổ chức điều tra, sưu tầm được gần 9.000 trang tư liệu của các thương điếm công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan tại Thăng Long - Kẻ Chợ thế kỷ XVII thì ở giai đoạn II cũng đã thu được 3.420 trang tư liệu từ việc khảo sát, điều tra các thương điếm của công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan tại nước ngoài. Tư liệu của các thương điếm Hà Lan ở Nagasaki (Nhật Bản), Zeelandia (Đài Loan), Ayuthaya (Xiêm), Batavia (Indonesia) và các thương điếm Anh ở Madras (Ấn Độ), Bantam (Indonesia) có liên quan đến Kẻ Chợ - Đàng Ngoài. Tất cả các tư liệu khai thác được ở cả hai giai đoạn cũng đã được tuyển chọn, biên dịch thành hai đầu sách trong cơ cấu Tủ sách giai đoạn II.
Cùng với đó, việc điều tra sưu tầm tư liệu tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại của Pháp Aix-en-Provence cũng đã thu được 5.400 trang tư liệu và đây là cơ sở để Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức dịch, khai thác tư liệu, biên soạn thành sách.
Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội cho hay, hiện tại, tất cả các đầu sách đã hoàn thành việc in ấn và sẵn sàng đến tay bạn đọc. Dự kiến, quý I/2020 sẽ phát hành sách đến hệ thống các thư viện, các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học... trên cả nước. “Ngoài các cuốn sách xuất bản, Dự án đang tiếp tục tổ chức số hóa sách và tư liệu giai đoạn II. Số trang sách và tư liệu đưa vào số hóa lên đến hơn 150.000 trang. Đây là thành công vượt sức mong đợi của Tủ sách, thể hiện tầm nhìn xa, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội trong thời đại công nghệ” – ông Dũng khẳng định.
Đại diện Ban Thi đua khen thưởng TP. Hà Nội trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức, triển khai và thực hiện Dự án Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”. Ảnh: Thanh Tùng
Là người có “duyên may” được đi cùng với dự án từ buổi đầu khởi dựng; được tham gia từ Hội đồng khoa học cho đến các hội đồng chuyên môn, từ xây dựng đề cương, đề tài đến nghiệm thu bản thảo… GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học Dự án Tủ sách "Thăng Long ngàn năm văn hiến” đánh giá cao chủ trương của lãnh đạo UBND Thành phố khi quyết định đầu tư xây dựng tủ sách. “Sự thành công của tủ sách, trước hết chính là ở chủ trương sáng suốt, đúng đắn với tầm nhìn văn hóa cao của lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội khi quyết định đầu tư xây dựng một tủ sách tổng hợp về Thăng Long – Hà Nội mà giá trị của nó chắc chắn sẽ được kế thừa và phát huy mãi mãi về sau” - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.