Nghệ thuật múa rối nhìn lại và bước tiếp
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 18:58, 28/12/2019
Trong sự phát triển của sân khấu Thủ đô và những năm gần đây, nghệ thuật múa rối đã có nhiều đóng góp tích cực. Cứ nhìn vào dòng người ngày ngày xếp hàng mua vé tại rạp 57B - Đinh Tiên Hoàng bất kể trời nắng hay mưa, từng đoàn xe du lịch đưa đón khách tới xem làm tắc nghẽn đường phố, chúng ta, những người hoạt động trong ngành sân khấu ai cũng phấn khởi vì Thủ đô có một địa điểm văn hóa luôn sáng đèn, một nhà hát luôn HÁT 365 ngày, không ngày nghỉ với lịch diễn 5 - 6 suất/ngày, hơn nửa triệu khán giả, 2000
Một cảnh trong vở rối “Tấm Cám” của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Ảnh: Lê Bích
Vậy điều gì đã tạo nên sự bứt phá đáng tự hào đó. Ngoài những thuận lợi về địa điểm (ở trung tâm phố cổ, nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Hồ Gươm, Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khách du lịch qua lại tấp nập) còn có yếu tố hết sức quan trọng đó là sự hăng say, sáng tạo của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Múa rối Thăng Long. Họ là những nghệ sĩ yêu nghề, sống chết vì nghề…
Nói đến một nhà hát nghệ thuật là phải nhắc đến chương trình kịch mục, chất lượng chính là thước đo cho các sản phẩm nghệ thuật. Việc tiếp thu, chỉnh lý 17 trò rối nước cổ truyền tinh hoa cha ông để lại bằng các thủ pháp chuyên nghiệp về đạo diễn, âm nhạc, diễn xuất đã nâng nghệ thuật cổ truyền dân gian lên một tầm cao mới, vì vậy vị thế của nghệ thuật múa rối Thủ đô ngày càng chiếm được lòng tin của công chúng khán giả.
Bên cạnh đó là việc giữ gìn rối cổ truyền dân tộc. Đã có nhiều chương trình rối cạn, rối nước độc đáo được dàn dựng công phu, vừa có tính nghệ thuật đặc sắc vừa có nội dung tư tưởng tốt, phản ánh phong phú bản sắc văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt Nam như: chương trình rối nước “Linh thiêng hai tiếng đồng bào”, “Bay lên từ mặt nước” hay các vở rối cạn “Trái tim người mẹ”, “Hồn trương ba da hàng thịt”, “Công chúa tóc mây”. Có những tiết mục bắt kịp được trào lưu nghệ thuật quốc tế như: rối dây “Vũ điệu đường phố”, “Múa hip hop”, “Múa Flamengo”… Tất cả đã được khẳng định công nhận, được trao các giải vàng, bạc trong các Liên hoan múa rối quốc tế, liên hoan sân khấu thử nghiệm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghệ thuật múa rối Hà Nội cũng bộc lộ những mặt hạn chế kìm hãm sự phát triển.
Thứ nhất: Có dấu hiệu chững lại trong việc khôi phục thêm các trò rối nước cổ truyền. Múa rối nước dân gian Việt Nam có hàng trăm trò. Ngoài 17 trò đã khai thác thì vẫn còn rất nhiều trò kì lạ trong mỏ vàng của cha ông để lại vẫn chưa được phục dựng. Đành rằng, khách quốc tế rất yêu mến rối nước nhưng nếu chương trình cổ truyền chỉ có vậy, cứ diễn đi diễn lại ngày này qua tháng nọ, chưa kể đến sự phát triển không kiểm soát được chất lượng nghệ thuật của các trung tâm mang danh hoạt động nghệ thuật nhưng chỉ đặt nặng vào kinh doanh thì đến lúc múa rối nước Việt Nam sẽ bớt đi “lấp lánh” trong con mắt khán giả quốc tế.
Thứ hai: Rạp rối Thăng Long được xây dựng trong những năm 90 của thế kỉ trước, nay đã như chiếc áo chật cho một cơ thể phát triển. Với lượng khách quốc tế đến Hà Nội ngày càng tăng, với số ghế chỉ 300 chỗ, rạp rối có lúc quá tải. Nhiều đoàn khách vì thời gian được sắp xếp từ trước, chỉ xem vào một ngày, giờ duy nhất nên phải chấp nhận đến địa điểm khác mặc dù họ biết rằng nơi đó không phải sân khấu rối chuyên nghiệp. Việc địa điểm chật hẹp không có sân khấu rối cạn cố định nên nhiều chương trình rối cạn vốn đã nghèo nàn trang thiết bị kĩ thuật lại chẳng có đất để dàn dựng nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nghệ thuật.
Thứ ba: Thành phần khán giả, người xem vẫn là điều đáng băn khoăn. Từ chục năm nay đối tượng người xem múa rối nước khách quốc tế chiếm tới 95%. Khách đông đều từ khắp các châu lục đó là điều phấn khởi nhưng nếu thế giới có nhiều biến động như khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, thiên tai là ảnh hưởng ngay đến số lượng khách. Các dịch H5N1, SARS xảy ra trước đây đã là những bài học nhãn tiền rồi. Tuy vậy việc xây dựng chiến lược nuôi dưỡng, phát triển lực lượng khán giả trong nước dường như ít được chú trọng, làm cho bài bản.
Từ thực tế này cho thấy để phát triển nghệ thuật múa rối Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu các trò rối nước dân gian còn lưu truyền ở các phường rối Hà Nội như: Đào Thục, Thạch Thất, Tế Tiêu. Tại các phường đó còn rất ít các cụ biết và giữ được bí kíp trò diễn. Nên chăng có sự đầu tư tiền bạc, động viên thăm hỏi tinh thần để các cụ nhiệt tình hướng dẫn truyền nghề. Nhiều cụ đã cao tuổi như ngọn đèn dầu trước gió nếu chẳng may quy tiên thì trò diễn sẽ thất truyền mãi mãi. Nhà hát Múa rối Thăng Long trong khả năng của mình có thể tài trợ kết hợp với Hội sân khấu Hà Nội tổ chức các liên hoan múa rối nước cổ truyền dân gian có các phường rối nước thuộc địa bàn Hà Nội và mời thêm các phường rối khác ở lưu vực châu thổ sông Hồng tham dự để qua đó học hỏi, tiếp thu nhiều trò diễn độc đáo, áp dụng sáng tạo cho nhà hát.
Bên cạnh đó cần có định hướng, mục tiêu cụ thể trong việc dàn dựng các chương trình rối cạn với đề tài đa dạng từ cổ tích dân gian, ngụ ngôn đến đề tài đương đại. Bằng nhiều hình thức phong phú của nghệ thuật rối dây, rối bong bóng, rối mặt nạ, rối sân khấu đen. Tránh xây dựng các chương trình xa lạ với múa rối như biểu diễn thời trang áo dài, người mẫu.
Ngoài ra, cũng cần có kế hoạch phát triển múa rối học đường tạo nguồn khán giả. Hiện nay khối trường tiểu học, mẫu giáo nhất là trường tư thục các hoạt động văn nghệ rất được coi trọng. Có thể liên kết với họ để tổ chức ngoại khóa đưa các cháu đến thăm quan phòng truyền thống, xưởng chế tác tạo hình con rối, trực tiếp hướng dẫn các cô giáo với các cháu cách làm con rối đơn giản, cách chuyển thể một bài giảng thành một tiết mục rối ngộ nghĩnh sinh động. Những việc làm đó sẽ kích thích sự hứng thú, tò mò, tạo sự yêu mến với nghệ thuật rối. Đây chính là nguồn nhân lực khán giả nội tiềm tàng trong tương lai.
Trong thời đại 4.0 việc quảng bá giới thiệu nghệ thuật múa rối có nhiều thuận lợi. Cần xây dựng trang web vừa đầy đủ thông tin về lịch sử nghệ thuật múa rối Việt Nam, múa rối Hà Nội, quá trình xây dựng, phát triển của nhà hát múa rối, lịch diễn, chương trình diễn... nhưng đặc biệt phải có sự tương tác trực tiếp với khán giả, sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn chi tiết từng yêu cầu tìm hiểu của người xem. Cùng với đó cũng cần kết hợp với truyền hình, phát thanh, báo chí, xây dựng các chuyên đề về nghệ thuật múa rối nước di sản quý báu của dân tộc.