Làng nhiếp ảnh Lai Xá và ông tổ Nguyễn Đình Khánh
Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 08:24, 21/05/2022
Ông tổ làng nghề nổi tiếng
Cụ Nguyễn Đình Khánh (còn gọi là Khánh Ký), hồi còn nhỏ có tên là Nguyễn Văn Xuân, sinh năm Giáp Tuất (1874) tại xóm Dộc, làng Lai Xá, tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là xóm 3 thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).
Thân sinh của cụ Nguyễn Đình Khánh là cụ Nguyễn Hữu Phong và cụ bà là Phạm Thị Tít. Hai cụ đều đã mất khi cụ Khánh còn nhỏ tuổi. Năm 1890, khi vừa 16 tuổi, Nguyễn Đình Khánh được chú là cụ Nguyễn Văn Tạo đưa đi làm giúp việc và học ảnh tại hiệu ảnh Du Chương của người Trung Quốc ở phố Hàng Bồ, Hà Nội. Trong hai năm giúp việc tại đây, cụ Khánh đã học được nghề làm ảnh.
Năm 1892, khi vừa 18 tuổi, cụ Nguyễn Đình Khánh đã trở thành ông chủ hiệu ảnh Khánh Ký, cửa hiệu được mở tại phố Hàng Da, Hà Nội, đây là một trong những hiệu ảnh nổi tiếng đất Kinh kỳ thời bấy giờ. (Sau này, chính vì cụ Nguyễn Đình Khánh đã có công đào tạo và truyền nghề ảnh cho hơn 80% số nam giới của làng Lai Xá nên dân làng đã đề nghị và được chấp thuận lấy năm 1892 là năm ra đời của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá).
Từ năm 1911 - 1913, cụ Khánh Ký tới Pháp mở hiệu ảnh Khánh Ký và tiệm ăn tại hải cảng Toulouse, một khu vực sầm uất có đông đảo thợ thuyền, người Việt làm thợ trong các công binh xưởng của Pháp. Hiệu ảnh Khánh Ký đã thành nơi đón tiếp và giúp đỡ kiều bào, học sinh của ta sang Pháp du học hoặc làm ăn sinh sống thời đó.
Năm 1913, Raymond Poicare trúng cử Tổng thống Pháp được hàng trăm tay máy đua nhau chụp hình. Bức ảnh Raymond Poicare do cụ Nguyễn Đình Khánh - chủ hiệu ảnh Khánh Ký ở đại lộ Malesherbe-Paris chụp được chọn đưa lên trang bìa tờ họa báo Illustration nổi tiếng ở Pháp lúc đó... Sau này cụ Khánh Ký về Việt Nam (tháng 7/1921) và mở nhiều hiệu ảnh trong nước. Cụ còn mở hiệu ảnh ở Quảng Châu, Trung Quốc.
Ngày 20 tháng Tư năm Bính Tuất (31/5/1946), cụ Nguyễn Đình Khánh đã đột ngột qua đời tại Paris. Tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Tại Paris, vào lúc 6 giờ sáng ngày 25/6/1946, tuy bộn bề công việc nhưng Bác Hồ đã trực tiếp đến viếng cụ Khánh Ký. Cuộc thăm viếng của Bác Hồ với một người bạn vong niên của mình thật là cảm động. Theo cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917 - 1923) của NXB Chính trị Quốc gia 2002: Giai đoạn đầu sang Pháp, Bác đã được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh… trợ giúp về tài chính, nơi ở và truyền bá cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động.
Làng nghề giàu truyền thống
Được ra đời năm 1892, làng ảnh Lai Xá đã thực sự là một dấu ấn đậm nét trong tiến trình phát triển của nhiếp ảnh Hà Nội cũng như nhiếp ảnh Việt Nam nửa cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Từ Lai Xá, hình thức nhiếp ảnh cửa hiệu của Việt Nam đã ra đời và phát triển. Gần 2.000 thợ ảnh từ quê hương Lai Xá đã tản ra khắp mọi nơi, ở hơn 200 hiệu ảnh cả Bắc - Trung - Nam, có lúc họ còn sang đến Lào, Campuchia, Thái Lan,Trung Quốc, Pháp,… để mở cửa hiệu. Một số cửa hàng khi khai trương còn lấy chữ Lai để chứng tỏ mình gốc từ làng Lai Xá. Trong đó có một số hiệu ảnh được thành lập vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà đến nay người Lai Xá vẫn còn nhớ.
Cho đến những thập niên đầu của thế kỷ XXI, khi mà công nghệ ảnh trong nước và trên thế giới đã bước những bước vượt bậc, làng Lai Xá vẫn còn nhiều nhà làm ảnh với các hiệu ảnh nổi tiếng như: Sơn Hà, Ngọc Quang, Đức Lai, Thủ Đô, Chiến Thắng, Hồng Thảo, Ngọc Trâm, Cường Ngọc... Thợ ảnh Lai xá không những chỉ biết chụp ảnh tráng phim mà còn phải biết in, phóng và chấm sửa ảnh, tô màu.
Ngày 9/7/2003, tại Quyết định số 918/QĐ-UB, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đã công nhận Danh hiệu làng nghề cho Làng Nhiếp ảnh truyền thống thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Và, cũng vinh dự cho Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá, đến nay đã có 5 cá nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhiếp ảnh là các ông: Phạm Thành, Phạm Đăng Hưng, Nguyễn Minh Nhật, Phí Văn Hồng, Nguyễn Tú Anh. Nhiều người là Hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hà Nội như các ông Vũ Đình Hồng, Phạm Thành, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Dịu…
Hiện nay, Lai Xá có một Bảo tàng Nhiếp ảnh ngoài công lập (đầu tiên của Việt Nam), với tên gọi: Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, đặt tại xóm 3, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Người đại diện là ông Nguyễn Văn Thắng. Nội dung hoạt động của bảo tàng: Sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu các tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển về nghề nhiếp ảnh ở làng Lai Xá, đặc biệt là các loại máy ảnh, các công cụ nghề ảnh và tác phẩm nhiếp ảnh, các nghệ nhân, các hiệu ảnh nổi tiếng của người làng Lai Xá từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Chặng đường 130 năm, cùng với sự phát triển của đất nước và của khoa học công nghệ ảnh thế giới, tuy có lúc thăng trầm nhưng Lai Xá vẫn giữ và phát triển, trở thành làng nghề nhiếp ảnh duy nhất ở Việt Nam.