Văn học dịch Việt Nam thời hội nhập: Cần những người “nội trợ thông thái”
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:00, 03/01/2020
Có thể nói chưa bao giờ thị trường sách văn học dịch ở Việt Nam lại phong phú, đa dạng và cập nhật như hiện nay. Điều này dễ dàng có thể nhận thấy tại các hiệu sách ở các thành phố lớn, khi mà thị phần sách văn học dịch khá cao (trên 50%). Đặc biệt các tác phẩm văn học dịch đương đại càng ngày càng được cập nhật rất nhanh và kịp thời.
Thị trường sách văn học dịch ở Việt Nam lại phong phú, đa dạng.
Mở cánh cửa hòa nhập với văn học thế giới
Có thể nói chưa bao giờ thị trường sách văn học dịch ở Việt Nam lại phong phú, đa dạng và cập nhật như hiện nay. Điều này dễ dàng có thể nhận thấy tại các hiệu sách ở các thành phố lớn, khi mà thị phần sách văn học dịch khá cao (trên 50%). Đặc biệt các tác phẩm văn học dịch đương đại càng ngày càng được cập nhật rất nhanh và kịp thời. Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là những tác phẩm được giải thưởng, kể cả giải Nobel, đã nhanh chóng có mặt tại Việt Nam qua các bản dịch tiếng Việt. Tiểu thuyết Cái trống thiếc của Gunter Grass, Nobel văn học (Dương Tường dịch); Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của Peter Handke, Nobel văn học 2019 (Nguyễn Hữu Tâm dịch); Người đàn bà xấu nhất hành tinh của Olga Tokaczuk, Nobel văn học 2018 (Lê Bá Thự dịch) là những tác phẩm như vậy.
Chỉ trong vòng khoảng hai năm gần đây hàng loạt tác phẩm dịch có giá trị đã đến với bạn đọc Việt Nam. Có thể kể đến tiểu thuyết Đinh Trang Mộng của Diêm Liên Khoa (Trung Quốc), Minh Thương dịch; tiểu thuyết Shosha của Issac Bashevis Singer (nhà văn lưỡng quốc Ba Lan - Mỹ), Hoàng Lam Vân dịch; tiểu thuyết Bản ngã của Laurent Gounelle, Hiệu Constant dịch; tiểu thuyết Con miu cái của nàng Sikirida, của Rachid El-Daif, Thuận dịch; tiểu thuyết Chuyến hỏa xa ngầm của Colson Whiehead, Nguyễn Bích Lan dịch; tiểu thuyết Búp bê của Boleslaw Prus và tiểu thuyết Hoàng đế của Ryszard Kapuscínki, Nguyễn Chí Thuật dịch; tiểu thuyết Con gái của những phù thủy của Dorota Terakowska, Nguyễn Thị Thanh Thư dịch; Những câu chuyện về phố nhỏ ven sông của Povidky Malostranke, Bình Clavicka và Dương Tất Từ dịch…
Đội ngũ dịch giả văn học nước ngoài ngày càng đông đảo, nhất là các dịch giả trẻ tuổi thông thạo tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nếu như trước kia người đọc Việt Nam chỉ được đọc những tác phẩm của các nền văn học lớn như: Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, thì trong những năm vừa qua và hiện nay người đọc có cơ hội được đọc các tác phẩm văn học của rất nhiều nước khác nữa trên thế giới mà lâu nay hầu như chưa được biết đến tại Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Âu… Các tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Việt cũng ngày càng phong phú về thể loại và đề tài, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho văn học Việt Nam hòa nhập với văn học thế giới. Số lượng người đọc Việt Nam mến mộ văn học nước ngoài cũng ngày càng tăng, điều này được thể hiện ở sức mua và việc tái bản các tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt.
Có thể thấy, kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và hội nhập với thế giới, các tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn và đến được nhiều nước khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên đó chủ yếu mới chỉ là kết quả của những nỗ lực đơn phương, thậm chí của cá nhân, những nỗ lực chưa thật sự có bài bản và đa phần là dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp rồi sau đó tiếp tục dịch sang các ngôn ngữ khác, việc trực dịch còn rất hạn chế. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu đáng mừng. Chẳng hạn, Truyện Kiều song ngữ Việt - Nga đã được ấn hành và năm 2016, tại Berlin, Truyện Kiều song ngữ Đức - Việt được tái bản đã ra mắt bạn đọc. Hay một số tác phẩm văn xuôi và thơ đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ba Lan và các ngôn ngữ khác. Việc Hội Nhà văn Việt Nam, một số nhà xuất bản đã ký được hợp đồng dịch thuật và xuất bản với một số đối tác nước ngoài cũng là những tín hiệu vui như vậy. Các sự kiện thành lập Trung tâm dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam và ba hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam tổ chức trong những năm gần đây là những nỗ lực to lớn của Hội Nhà văn Việt Nam trong lĩnh vực này.
Nhìn chung, dẫu còn có những khiếm khuyết, nhưng trong những năm vừa qua, văn học dịch càng ngày càng phát triển mạnh, luôn luôn cập nhật, có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà trong thời kỳ hội nhập. Các tác phẩm văn học dịch đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng nước ta, và trên thực tế văn học dịch đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam.
Cần những người “nội trợ thông thái”
Nhiều người cho rằng, dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Theo tôi, dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Để trở thành một dịch giả văn học người dịch phải giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, có phông văn hóa rộng.
Tiêu chí đầu tiên của dịch văn học là phải đúng và hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn “hay” chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn đắc địa nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, gây cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch. Đúng và hay là yêu cầu và cũng là thước đo thành công của một bản dịch.
Tác giả thường viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết. Cho nên, người dịch phải am tường, phải tinh thông thì mới chuyển tải đúng và hay nội dung và hình thức của tác phẩm mình dịch. Phông văn hóa rộng, biết nhiều, hiểu nhiều thì người dịch sẽ tự tin trong công việc dịch thuật, tránh được những sai sót không đáng có. Các dịch giả trẻ tuổi nghề cần hết sức chú ý điều này. Để tìm cho được một từ hoặc một cụm từ tiếng Việt tương đương đắc địa trong khi dịch lắm khi người dịch phải trăn trở, mất ăn mất ngủ. Người ta bảo “nghề dịch lắm công phu” có lẽ là vì như vậy.
Cũng cần phải nhận thức rằng, một dịch giả chuyên nghiệp phải biết cách thích nghi với mọi cách tân, mọi bút pháp mới, mọi thể nghiệm của nhà văn. Cái khổ của người dịch là ở đó, không được yêu cầu, không được đòi hỏi, luôn luôn ở vị thế thụ động, luôn luôn phải thích nghi. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó, viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì, thể nghiệm gì thì tôi, tức người dịch, cũng dịch đúng và dịch hay. Để làm được vậy, người dịch phải qua nhiều trải nghiệm, phải chịu học, chịu đọc, chịu dấn thân. Ngoài ra, người dịch cũng rất cần người đọc thấu hiểu và thông cảm với công việc nhiều công phu, lắm nhọc nhằn, đó là dịch văn học.
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật đó là “tôn trọng nguyên tác”. Nếu không tôn trọng nguyên tác thì đừng gọi đó là bản dịch hay tác phẩm dịch nữa. Đây là lương tâm và trách nhiệm của người dịch, đây là yêu cầu của mỗi tác giả và đương nhiên đây là đòi hỏi của độc giả. Chẳng có độc giả nào lại thích đọc “bản dịch” không tôn trọng nguyên tác. Tuy nhiên, tôn trọng nguyên tác không có nghĩa là dịch bám từng chữ một cách máy móc. Cho nên mới có người nói: “Dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”. Những điều tôi nói trên chủ yếu áp dụng cho dịch văn xuôi. Còn dịch thơ thì người dịch phải cân nhắc để chọn lựa cách dịch thích hợp cho từng bài.
Một điều mà tôi muốn đề cập khi dịch thuật đó là các nhà dịch thuật cần chọn đúng và chọn trúng. Khi bắt tay vào dịch một tác phẩm người dịch phải nắm bắt được hồn cốt của tác phẩm, văn phong của tác phẩm (giọng điệu), văn hóa của tác phẩm… để rồi có cách tiếp cận tác phẩm, chuyển ngữ tác phẩm hiệu quả nhất. Người dịch không thể, thậm chí không được bám vào nguyên tác một cách máy móc. Ngoài ra, trong dịch thuật việc tra từ điển cũng phải hết sức thận trọng. Một từ trong từ điển thường có nhiều nghĩa, có khi cả chục nghĩa khác nhau, người dịch phải biết chọn nghĩa nào thích hợp nhất, đúng nhất, đắc địa nhất với văn cảnh để sử dụng, chứ không thể tra từ điển một cách máy móc, nghĩa là phải chọn từ thật đúng và thật trúng. Người dịch từng trải, hiểu nhiều, biết lắm, phông văn hóa rộng, thì càng tự tin, càng thuận lợi trong việc chọn đúng và chọn trúng như đã nói trên.
Lâu nay chúng ta vẫn thường được nghe các cụm từ: thực phẩm sạch, rau sạch, cá sạch, thịt sạch, củ quả sạch… Nhưng gần đây xuất hiện cụm từ sách sạch, thoạt nghe có vẻ lạ tai nhưng hoàn toàn có lý khi trên thị trường sách xuất hiện những cuốn sách không lành mạnh, độc hại với người đọc nhất là những người đọc nhỏ tuổi. Đó là những cuốn sách kích động bạo lực, đồi trụy, không hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam, truyện kinh đị, tiểu thuyết võ hiệp, diễm tình, ngôn tình… Cũng bởi thế mà ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, từng tuyên bố sẽ ráo riết kiểm duyệt các đầu sách để đảm bảo “sách sạch”, “thực phẩm sạch” về tinh thần cho độc giả Việt Nam. Có thể ví dịch giả văn học như người nội trợ đi chợ sách, mua các "món sách" để chuẩn bị bữa "cơm sách" cho người đọc thưởng thức. Bữa "cơm sách" có ngon lành, có béo bổ, có an toàn đối với người đọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch giả - người nội trợ, có phải là dịch giả - "người nội trợ thông thái" hay không. Bởi vì, ở cái chợ bạt ngàn sách văn học với đủ các thể loại đề tài, sách có giá trị, sách hay, sách dở, thậm chí sách độc hại đều có, chọn sách nào cho đúng và cho trúng để dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và cái tài của dịch giả. Chọn được một cuốn sách ưng ý để dịch là người dịch đã thành công đến một nửa rồi.