Phát triển nền tảng công nghệ "Made in Vietnam"

Tin tức - Ngày đăng : 08:38, 08/01/2020

Trở thành xu thế tất yếu trong kỷ nguyên đa kết nối và bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, khái niệm cũng như vai trò của in-tơ-nét vạn vật (IoT) đang được tất cả các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) quan tâm hàng đầu. Trong quá trình từng bước chuyển đổi thành những nhà cung cấp dịch vụ số (DSP), các nhà mạng Việt Nam cũng đã và đang xây dựng nền tảng IoT của riêng mình để hoàn toàn làm chủ công nghệ tương lai này.
Trong cuộc CMCN 4.0, đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, IoT được coi là một trong những công nghệ đóng vai trò then chốt. Năm 2013, tổ chức Global Standards Initiative on Internet of Things (IoT-GSI) chính thức định nghĩa IoT là hạ tầng cơ sở toàn cầu phục vụ xã hội thông minh, hỗ trợ các dịch vụ điện toán chuyên sâu thông qua các vật thể dạng thực hoặc ảo kết nối với nhau thông qua công nghệ thông tin và truyền thông hiện hữu đã được tích hợp.

Ðó là một kịch bản của thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một mã định danh của riêng mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người, hay người với máy tính. IoT phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và in-tơ-nét. Như vậy, có thể hiểu nôm na, IoT là khi tất cả mọi thứ đều được kết nối với nhau qua mạng in-tơ-nét, lúc đó người dùng có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng chỉ bằng một thiết bị thông minh, chẳng hạn như điện thoại thông minh, máy tính bảng hay thậm chí chỉ bằng một chiếc đồng hồ thông minh nhỏ bé trên tay.

Thực tế, khái niệm về IoT đã được manh nha từ lâu, nhưng kỷ nguyên của công nghệ này chỉ thật sự được chú ý và bùng nổ trong những năm gần đây, sau sự phát triển của điện thoại thông minh, máy tính bảng hay những kết nối không dây khác… Và ngay sau khi nhận được sự chú ý của cộng đồng, IoT đã cho thấy tiềm năng của mình với những số liệu đáng kinh ngạc. Cisco - nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu của Mỹ dự báo: Ðến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào in-tơ-nét, bao gồm hàng tỷ thiết bị di động, ô-tô, ti-vi, máy giặt.

Ðiều này cho thấy rõ sự bùng nổ nhanh chóng của IoT khi mà năm 1984, cả thế giới chỉ có khoảng 1.000 thiết bị được kết nối mạng toàn cầu. Hiện nay, có thể nói IoT đã có mặt khắp nơi từ xã hội con người, sự vật bất kỳ, cả tự nhiên và nhân tạo, có thể gán được một địa chỉ IP và có thể cung cấp dữ liệu thông qua mạng lưới. Một trong những thí dụ tiêu biểu là nhà thông minh có các tính năng tự kiểm soát và tự bật tắt đèn, lò sưởi.

Tự động hóa kết nối in-tơ-nét đang dần trở nên đại trà hơn và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, và tương lai sẽ là nền tảng của thành phố thông minh với hệ thống quản lý năng lượng thông minh. Việc đẩy mạnh ứng dụng IoT có thể giúp nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững, là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng như giúp các quốc gia xây dựng thành công mô hình đô thị thông minh. Rõ ràng, IoT chính là xu hướng của tương lai và có thể thay đổi hoàn toàn cách sống của con người. Ai sở hữu những thành tựu trong lĩnh vực này nghĩa là đang nắm giữ chìa khóa thành công.

Phát triển nền tảng công nghệ

VNPT giới thiệu các giải pháp công nghệ tại hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam.

Trước xu thế phát triển của IoT, hầu hết các doanh nghiệp coi đây là một công nghệ nổi bật, quan trọng với tiềm năng mang đến lợi thế trong tương lai. Và các nhà mạng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo chiến lược phát triển, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số. Ngay từ những ngày đầu, VNPT đã xác định phải tự đầu tư xây dựng một nền tảng tổng thể để làm chủ được các công nghệ lõi. Nền tảng IoT - Smart Connected Platform (SCP) của VNPT đã được chính các kỹ sư của VNPT nghiên cứu và phát triển từ những ý tưởng độc đáo như thế.

SCP được xây dựng đầu tiên trong lộ trình chuẩn bị từ năm 2017, mục đích giúp vạn vật kết nối với nhau, tạo nền tảng cho các nhà phát triển tập trung xây dựng ứng dụng IoT. Kế đó, tạo hệ sinh thái thiết bị, nền tảng và ứng dụng IoT đa thiết bị. Và hạ tầng nền tảng đó chứa sáu đặc điểm cốt lõi: Kết nối, thu thập, quản lý, kiểm soát, xây dựng và phân phối. Dựa trên nền tảng SCP của VNPT, các nhà phát triển hoàn toàn làm chủ được công nghệ trong kết nối, thu thập, quản lý, xây dựng và phân phối ứng dụng, thiết bị IoT, tài nguyên mạng in-tơ-nét một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí. SCP cung cấp nhiều mô hình khác nhau, đáp ứng tất cả nhu cầu triển khai thực tế của các nhà phát triển ứng dụng. Nhờ vậy, nhà phát triển chỉ cần tập trung vào chọn thiết bị phù hợp và xây dựng giải pháp để đáp ứng nhu cầu người dùng.

Ðến nay, SCP đã được VNPT sử dụng để phát triển ứng dụng IoT trong nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ nhu cầu khách hàng. Trong đó nổi bật là các ứng dụng thông minh như: Giao thông, du lịch, nông nghiệp… Các giải pháp này đang được nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tin tưởng sử dụng. Hiện VNPT đã xây dựng thành công hơn 28 thành phố thông minh; triển khai nhiều dự án nông nghiệp thông minh như Khu nông nghiệp thông minh Hòa Lạc, quan trắc môi trường tại Phú Quốc. VNPT cũng xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược viễn thông - CNTT với hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước ở các lĩnh vực chủ chốt: Chính quyền điện tử, an ninh, giáo dục, y tế,... Ðang từng bước chuyển đổi thành nhà cung cấp dịch vụ số, chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ, giải pháp viễn thông - CNTT sáng tạo, đột phá; VNPT đã và đang xây dựng nền tảng IoT SCP của riêng mình để hướng đến trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025 và Trung tâm số của châu Á vào năm 2030.

https://vietnamhoinhap.vn/article/phat-trien-nen-tang-cong-nghe-made-in-vietnam---n-26020

Anh Tuấn/VNHN