Tố Hữu: Người mở đường nền thơ Cách mạng
Truyện - Ngày đăng : 09:46, 14/01/2020
Sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, gần cố đô Huế, Tố Hữu có tên thật là Nguyễn Kim Thành, làm thơ khá sớm. Mười tám tuổi có thơ đăng. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Tháng 4/1939, ông bị Pháp bắt. Tháng 3/1942, ông vượt ngục Đắklây, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa. Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Huế. Năm 1946 xuất bản tập thơ đầu tay Thơ (tái bản đổi là Từ ấy), tập hợp các bài viết từ 1937.
Sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, gần cố đô Huế, Tố Hữu có tên thật là Nguyễn Kim Thành, làm thơ khá sớm. Mười tám tuổi có thơ đăng. Cùng năm đó, ông gia nhập Đảng Cộng sản. Tháng 4/1939, ông bị Pháp bắt. Tháng 3/1942, ông vượt ngục Đắklây, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa. Cách mạng tháng Tám 1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Huế. Năm 1946 xuất bản tập thơ đầu tay Thơ (tái bản đổi là Từ ấy), tập hợp các bài viết từ 1937.
Có lần, trong lúc trò chuyện, khi tôi hỏi đến những bài thơ riêng tư của ông, Tố Hữu nói: “Các cậu nên coi mình là nhà thơ nghiệp dư. Chưa bao giờ mình được làm thơ chỉ vì thơ. Hồi Từ ấy viết để vận động cách mạng. Sau này viết cũng là để giải quyết các nhiệm vụ chính trị. Coi mình là nhà thơ chuyên nghiệp là oan mình!”. Tôi hiểu đây là cách nói vui của nhà thơ lớn. Vận động cách mạng hay làm nhiệm vụ chính trị, với Tố Hữu, đã thành những vấn đề của trái tim, đã nhuần chín trong tâm tư tình cảm ông. Nghĩ cho cùng, thơ không tồn tại cho bản thân nó. Đạo Phật sinh ra không phải dành cho các ông Phật. Muốn cứu chúng sinh, Phật mới tìm ra Đạo. Tố Hữu sinh vào thời nước mất “đêm trường dạ tối tăm trời đất”, niềm nung nấu trong lòng ông là cứu nước. Đời ông, thơ ông đều hướng vào mục đích ấy. Trong cảm nghĩ thường ngày hay trong lời trăng trối, “đến hôm nay phút chết đã kề bên” (Lao Bảo 1940), Tố Hữu luôn canh cánh thường trực một nỗi niềm tranh đấu ấy. Cho nên tính nghiệp dư khi Tố Hữu nói về thơ ông chính là nét đặc sắc, là tầm lớn lao của tâm hồn ông:
Đi, bạn ơi, đi! Cả cuộc đời
Của ta nào chỉ của ta thôi!
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi!
(Đi)
Đến đời mà còn như thế thì sống cũng có thể coi là nghiệp dư. Nó không sống cho nó. Nó vay và nó trả. Sống để trả ta cho mạch giống nòi.
Trong tập Từ ấy có nhiều bài hay viết từ năm mười bảy tuổi. Tố Hữu có năng lực cảm thụ rất nhạy và khả năng diễn đạt gây đồng cảm rất nhanh:
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!
(Nhớ đồng)
Đo thương nhớ bằng chiều sâu một buổi trưa tù, nghe hiu quạnh đong đầy trong một tiếng hò xa. Thơ Tố Hữu giàu điệu nhạc. Nhạc điệu trong bài Em ơi... Ba Lan... thành tiếng piano gợi nhớ Sôpanh, trong bài Tiếng chổi tre thành nhịp quét ngắn dài chăm chỉ. Hình ảnh thường bình dị nhưng rất ám ảnh, và nhất là có sức khái quát. Giọng thơ thầm nhẹ, thấm thía, dễ thân dễ nhớ với mọi người.
Nhờ Tố Hữu, nền thơ cách mạng đã có sức tập hợp, chinh phục lớn đối với các thi sĩ đương thời và với bạn đọc. Các nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới còn đang nhận đường, sáng tác của họ mới có nhiệt tình mà chưa thật sự có chất thơ của cuộc sống mới. Thơ của công nông binh thì có được hơi thở cuộc sống lớn lao nhưng nghệ thuật lại quá non nớt. Tố Hữu lúc đó đã bù đắp cho cả hai phía.
Với Tố Hữu, nhân vật trữ tình mới của thơ, người cộng sản, bắt đầu hiện diện. Cái riêng tư của nhân vật trữ tình này là cái chung của sự nghiệp cách mạng. Nỗi bâng khuâng cá thể mà ở Huy Cận thành “Mang mang thiên cổ sầu”, ở Xuân Diệu thành “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, ở Chế Lan Viên thành “Tất cả như vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau”, thì với Tố Hữu, đó lại là sự chủ động chọn lựa và chấp nhận gian lao:
Bao nhiêu hi vọng đem ngày mới
Với cả trời vui phủ địa cầu
Tôi đã nuôi trong lòng phấn khởi
Từ ngày chân bước xuống hầm sâu
(Hầm người)
Phẩm chất lí tưởng trong cảm hứng thơ Tố Hữu thuở thanh niên ấy có sức say người, say bởi sự chân thành, bởi ý chí chiến đấu, bởi tinh thần quả cảm:
Đường cách mạng, từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ, súng kề tai...
(Trăng trối)
Ý chí quyết liệt nhưng tình cảm không là lên gân, khô cứng mà đầy mê đắm, trẻ trung, mơ mộng. Thời đại vùng dậy vũ bão của quần chúng cách mạng đã tạo cảm hứng mới cho thơ. Thơ Tố Hữu đã bay trong quỹ đạo chiến đấu. Trong khi tài năng thơ Tố Hữu có đủ cái tinh tế, lãng mạn và phẩm chất thẩm mỹ của phong trào Thơ mới đương thời:
Cô gái thẫn thờ vê áo mỏng,
Nghiêng nghiêng vành nón dáng chờ ai
Ven bờ sông phẳng con đò mộng
Lả lướt đi về trong gió mai...
(Dửng dưng)
Nhưng khi các nhà thơ lãng mạn của Thơ mới chạy trốn hiện thực, tìm vào cõi mơ màng, viễn vọng, tự lừa, tự ru mình thì Tố Hữu dấn thân và chiến đấu. Ông chấp nhận máu lửa tù đày, gian khổ hi sinh để xóa bỏ bất công, để giành phẩm giá cho con người và độc lập cho dân tộc. Đẹp, cao cả. Đời ông thành niềm cảm hứng của thơ ông và thơ ông toàn tâm toàn ý phục vụ cho mục đích đấu tranh của đời ông. Lí tưởng hòa quyện trong vô vàn chi tiết cuộc sống đời thường, đời thực của người chiến sĩ. Lãng mạn tựa vào nội lực của hiện thực mà cất cánh. Giọng thơ thân gần dễ thấm, dễ hiểu với mọi người nhưng lại có sức lay động, đánh thức phần anh hùng gan góc tiềm ẩn trong mỗi hồn người. Từ ấy có sức giác ngộ cách mạng nhưng nó không sa vào kiểu tuyên truyền hướng ngoại.
Tố Hữu giãi bày tâm sự, như nói với chính mình, ngay cả khi thơ dùng ngôi thứ hai. Toàn tập một giọng nội tâm, trong tinh thần “cái tôi thú nhận”. Thú nhận đã sống, đã chiến đấu, đã tự vượt mình. Bài thơ Con cá, chột nưa viết trong những ngày tuyệt thực ở nhà tù Lao Bảo 1940 là một cuộc đấu tranh thầm lặng, giằng xé, đầy quyết liệt nhưng giọng cứ thầm thì, tự nói tự nghe, chân thực lắm. Sức cảm hóa của thơ Tố Hữu ở tập đầu tay này có gì đồng dạng với thơ Phan Bội Châu không lâu trước đó. Phan Bội Châu từng coi “Lập thân tối hạ thị văn chương” (Lập thân bằng văn chương là thấp nhất). Ông đã dùng thơ viết những dòng máu và nước mắt tâm sự với đồng bào về tình dân, vận nước. Ở độ tuổi hai mươi, Tố Hữu đã có “đôi mắt thần: chủ nghĩa”, ông nhìn ra thực trạng xã hội bất công, nỗi lầm than thống khổ của đồng bào. Hình ảnh những em bé nghèo khổ, những người con gái cực nhục, những thân già đơn chiếc, bần cùng... đã thành những ám ảnh xót thương đòi quyền sống trong thơ Tố Hữu. Chủ nghĩa nhân đạo của Tố Hữu đồng nghĩa với chiến đấu, với giải phóng.
Tố Hữu giãi bày tâm sự, như nói với chính mình, ngay cả khi thơ dùng ngôi thứ hai. Toàn tập một giọng nội tâm, trong tinh thần “cái tôi thú nhận”. Thú nhận đã sống, đã chiến đấu, đã tự vượt mình. Bài thơ Con cá, chột nưa viết trong những ngày tuyệt thực ở nhà tù Lao Bảo 1940 là một cuộc đấu tranh thầm lặng, giằng xé, đầy quyết liệt nhưng giọng cứ thầm thì, tự nói tự nghe, chân thực lắm. Sức cảm hóa của thơ Tố Hữu ở tập đầu tay này có gì đồng dạng với thơ Phan Bội Châu không lâu trước đó. Phan Bội Châu từng coi “Lập thân tối hạ thị văn chương” (Lập thân bằng văn chương là thấp nhất). Ông đã dùng thơ viết những dòng máu và nước mắt tâm sự với đồng bào về tình dân, vận nước. Ở độ tuổi hai mươi, Tố Hữu đã có “đôi mắt thần: chủ nghĩa”, ông nhìn ra thực trạng xã hội bất công, nỗi lầm than thống khổ của đồng bào. Hình ảnh những em bé nghèo khổ, những người con gái cực nhục, những thân già đơn chiếc, bần cùng... đã thành những ám ảnh xót thương đòi quyền sống trong thơ Tố Hữu. Chủ nghĩa nhân đạo của Tố Hữu đồng nghĩa với chiến đấu, với giải phóng.
Người ta dễ dàng nhận thấy Tố Hữu đã tận dụng được mọi thành tựu cách tân của Thơ mới, nhưng lại ít người chú ý đến phần đóng góp trở lại của Tố Hữu từ báo chí bí mật cho thi đàn công khai. Tố Hữu tinh tế sử dụng âm điệu để tạo tình và tạo cả nghĩa cho câu thơ:
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít, ai nào kêu ai?
(Tiếng hát đi đày)
Bốn âm ch liền nhau tượng thanh tiếng chim non và cũng gợi một e ấp, chăm chút, chiều chuộng lúc chiều hôm làm tôn tình cảnh cô quạnh của người tù trên đất lạ.
Mở đầu bài Tiếng hát sông Hương, hai cặp ba câu đối xứng nhau giữa trời và nước, tạo nên hình và bóng một con thuyền in trên mặt nước sông Hương. Mặt sông yên tĩnh (nên mới có hình bóng ấy) tương phản với cuộc đời con người trên sông đầy bão gió cho thấy một thực trạng bên trong một đời sống ngỡ như yên bình thời ấy:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Em buông mái chèo
Trên dòng Hương Giang
Những sáng tạo diễn đạt này, bạn đọc sẽ gặp mau hơn trong những chặng thơ sau. Điều đó chứng tỏ Tố Hữu coi trọng và rất “chuyên nghiệp” trong nghệ thuật ngôn từ.
Vào cuộc kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, trong thơ, khía cạnh trữ tình chủ thể dần khép lại nhường chỗ cho thi pháp hiện thực khách thể. Đọc thơ Tố Hữu giai đoạn này, gói trọn trong tập Việt Bắc, người ta ít thấy bóng dáng tác giả như trong giai đoạn trước. Bù lại, đời sống kháng chiến và tâm tình của người dân, người lính, người cán bộ... lại hiện lên rõ nét và phong phú. “Cái ta” trở thành đối tượng chính yếu của văn chương. Các nhà thơ đã thành danh như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... đang từ bỏ cảm hứng cũ chắt từ mình để bắt đầu nuôi dưỡng cảm hứng mới lấy từ đời, từ cuộc kháng chiến của toàn dân. Công việc chẳng dễ dàng. Có lúc người trong cuộc tự coi đó là cuộc “lột xác” (chữ dùng nghe sợ quá!) “Sang bờ tư tưởng ta lìa ta” (Tế Hanh). Thay đổi tư tưởng đã khó, thay đổi cảm xúc còn khó hơn. Cả một lớp nhà thơ tài năng của phong trào Thơ mới, dù đã toàn tâm toàn ý đứng dưới cờ kháng chiến cứu nước, dù đã vui vẻ và chủ động chấp nhận mọi thiếu thốn hi sinh, thơ vẫn cứ mất mùa. Người hăng hái nhất có lẽ là Xuân Diệu, dấu vết cố gắng hằn trong câu, trong chữ mà thơ vẫn chưa đến được hồn người. Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh và nhiều cây bút tài danh trong mùa thơ cũ gần như không viết được. Có viết thì hồn cũng chưa nhập chữ. Tố Hữu không rơi vào tình cảnh ấy. Ông vẫn liền mạch cảm xúc, liền mạch lí tưởng từ thời Từ ấy: cảm xúc dấn thân chiến sĩ và lí tưởng tự do độc lập.
Không “lột xác”, nhưng Tố Hữu có đổi thay. Thơ chất chứa nhiều hơn, không phải chỉ là cảm và nghĩ của nhà thơ trước đời sống mà còn là bản thân đời sống với nhiều chi tiết chân thực, tươi rói... Hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu tháng Tám 1945 mới là những nét sơ đồ, của sự “nghĩ ra”, còn là khái niệm:
...cảm tử đi tiên phong
Đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng!
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến
(Hồ Chí Minh)
Nhưng đến Sáng tháng Năm, viết 1951, hình ảnh Bác đã là một chân dung sống động:
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời.
Người đọc như được theo nhà thơ mà đứng bên lãnh tụ. Chữ nghĩa to tát bớt đi, nhưng nhân vật hóa thân gần và tình cảm tác giả thật hồn nhiên mà sâu sắc. Những năm sau, Tố Hữu còn nhiều dịp viết về Bác, có khi là trường ca, nhưng tất cả như đã được bắt đầu từ mốc chuyển ý nghĩa này. Tố Hữu đổi thay cả cảm, cả nghĩ, cả ngôn ngữ và cách diễn đạt.
Năm 1938, tả nỗi lòng người vú em nhớ đứa con đang khát sữa ở quê nhà, Tố Hữu viết:
Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu
(Vú em)
Hình ảnh ấy, ngôn ngữ ấy chưa hợp với không gian tâm trạng người đàn bà thôn quê đi ở vú. Mười năm sau, 1948, về một người đàn bà quê Bắc Giang đi phá đường cản xe cơ giới giặc Pháp, ngôn ngữ thơ đã biết bao nhuần nhuyễn hài hòa với tâm trạng nhân vật, với làng mạc ngàn đời xứ Bắc và với cả không khí kháng chiến giai đoạn ấy:
Nhà em con bế con bồng
Em cũng theo chồng đi phá đường quan.
Và:
Đường đi ngoắt ngoéo chữ chi
Hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ.
(Phá đường)
Những thành ngữ bình dân của thường ngày, con bế con bồng, hố ngang hố dọc, rồi hình ảnh những chữ i chữ tờ vừa mang ra từ lớp bình dân học vụ, và ngay cả cái vần lưng học của ca dao... đủ sức gợi nội dung toàn dân toàn diện của cuộc kháng chiến và cho thấy sau chặng “hiện đại hóa” cùng các nhà Thơ mới, Tố Hữu đã “dân tộc hóa” rất nhuần nhuyễn hình thức diễn đạt của thơ mình.
Một nhược điểm chung của cả nền thơ kháng chiến chống Pháp mà Tố Hữu cũng không tránh khỏi, là cả cảm lẫn nghĩ thường bị tãi, loãng. Có lẽ do yêu cầu phổ cập, bài thơ cần rõ ràng, dễ hiểu, tránh dùng biểu tượng, nên các tác giả phải kể lể lớp lang, giải thích ngọn ngành, đầy đủ. Phẩm chất hàm súc của thơ chịu nhiều thua thiệt. Bài thơ dài Việt Bắc khá điển hình cho nhược điểm này, dù trong bài có nhiều câu thơ đẹp.
Tố Hữu thời kì này là cán bộ cao cấp, phụ trách công tác tuyên huấn. Công việc tuyên huấn đôi lúc lấn vào cảm xúc thơ. Anh bộ đội trong bài Bầm ơi chào mẹ lúc ra đi có một ngôn ngữ rất tuyên huấn:
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm
(Bầm ơi)
Không có người con nào lúc xa mẹ lại nói thế (Xa mẹ con có khối mẹ khác!). Đây là Tố Hữu đã mượn đề tài mẹ con để vun đắp tình quân dân, xây dựng phong trào “mẹ chiến sĩ”.
Những năm miền Bắc xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước in dấu rõ nét trong tập thơ Gió lộng. Gió lộng theo tôi là tập thơ chín nhất của Tố Hữu trong nền thơ nước Việt dân chủ cộng hòa. Chín về bút pháp, chín về sự hòa nhập khách thể đời sống và chủ thể trữ tình. Bài ca mùa xuân 1961, Em ơi... Ba Lan..., Tiếng chổi tre, Mẹ Tơm khi đó là những bài thơ xuất sắc của cả nền thơ. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật, đặc biệt là cách sử dụng âm điệu (Em ơi... Ba Lan..., Tiếng chổi tre...) rất sáng tạo. Hình ảnh người dân thường đánh giặc (Mẹ Tơm và sau này Mẹ Suốt) đã thành những đài kỉ niệm bất tử của chiến tranh nhân dân. Sức khái quát chủ đề và dung lượng đề tài rất rộng, mang tính sử thi, tính anh hùng ca nhưng không quá sao nhãng yếu tố trữ tình, cá thể hóa của cảm xúc. Trong bài Mẹ Tơm, sự hoài niệm có gì lắng lại, khi hỏi tuổi cô gái tên Nhiều, được diễn đạt rất tinh tế bằng sự ngập ngừng của câu thơ cắt đôi:
Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi?
- Hai mươi.
- Ờ nhỉ, tháng năm trôi
Trong bài Hãy nhớ lấy lời tôi, sau ba câu hô Hồ Chí Minh muôn năm! của người đền nợ nước, Tố Hữu hạ một chữ gọi làm rung chuyển tâm trí người đọc. Khẩu hiệu thành tiếng trăng trối của lòng người:
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Phút giây thiêng Anh gọi Bác ba lần!
Bài Mẹ Suốt, cũng là hình ảnh người dân thường anh hùng nhưng ý thơ hàm súc hơn so với bài Bà má Hậu Giang. Tính biểu tượng được đẩy cao hơn mà bài thơ vẫn giữ nét sinh động vốn có của đời sống. Tính cách hai bà mẹ yêu nước của hai giai đoạn lịch sử cho thấy một chặng phát triển tâm hồn người dân Việt Nam ta. Cái đĩnh đạc tự tin ở mẹ Suốt “Tây kia ta đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua” chưa thể tìm thấy ở bà má Hậu Giang 1941 (“Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt!/ Má già run trán toát mồ hôi/ Chạy đâu? Thôi chết, chết rồi!”). Sau Mẹ Suốt, Enily, con... Tố Hữu vẫn viết đều, nhưng sức chan hòa vào đời sống không được như trước. Ông thiên về bình luận, chiêm nghiệm. Những chi tiết tươi xanh sống động của đời như bị lọc lại. Thơ hình thành từ ý tưởng nhiều hơn là từ những xúc động chợt đến đầy run rẩy và hồi hộp.
Nhìn lại cả đời thơ Tố Hữu, trước sau nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn ông vẫn là nỗi niềm người chiến sĩ toàn tâm toàn ý cho lí tưởng. Suốt cuộc đời ông và toàn bộ thơ ông, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chệch cái đích mà ông vươn tới. Đó là một phẩm chất. Tố Hữu có niềm kiêu hãnh của người nghệ sĩ tự nguyện đặt tài năng mình xuống chân bạn đọc, làm viên đá lát đường thúc họ tiến về mục đích.