Từ Thủ đô di sản đến Thành phố Vì hòa bình và Thành phố sáng tạo
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 11:36, 24/01/2020
Thời gian mở cánh cửa năm 2020 báo hiệu Thăng Long - Hà Nội đã tròn 11 thế kỷ kể từ độ vua Lý Công Uẩn dời Hoa Lư về định đô ở đất rồng bay. 11 thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử đã khẳng định một vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài bốn phương để kiến tạo nên Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội rạng ngời trong lịch sử, Hà Nội ngàn năm Kinh kỳ văn hiến hôm nay. Đáng nói hơn là sau 11 thế kỷ ấy, Hà Nội vẫn lắng đọng hồn núi sông ngàn năm để tự hào là “Thủ đô di sản”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng
Hoàng hôn cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Trần Hưng Hòa Hiệp
Gìn giữ và đắp bồi “Thủ đô di sản”
Với lịch sử hình thành và phát triển 11 thế kỷ, Hà Nội tự hào ôm trong lòng kho di sản văn hóa vô giá với 5.922 di tích đa dạng loại hình, “định cư” ở cả 30 quận, huyện, thị xã. Người làm di sản đã không ít lần tự hào khoe trước bạn bè quốc tế về 50 di tích lịch sử cách mạng, 2.007 ngôi chùa, 1.804 ngôi đình, 811 ngôi đền, 307 am, phủ, phố cổ, làng cổ, cửa ô...
Tự hào chứ, bởi hệ thống di tích này không chỉ phản ánh bề dày văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, mà còn là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế của một “Thủ đô di sản” trong quá trình hội nhập.
Trong tiến trình phát triển đô thị, người Hà Nội đã giữ đúng tâm niệm: Người nắm giữ di sản, làm công tác bảo tồn như người sáng tạo văn hóa, chứ không chỉ là “lính canh gác di sản”. Di sản Hà Nội vì thế đã có đời sống của nó trong hiện tại, các giá trị mới “đơm hoa kết trái”, trở thành biểu tượng của Hà Nội, Việt Nam và rạng danh trước bạn bè quốc tế. Bằng chứng là suốt những năm tháng dựng xây và kiến tạo Thủ đô, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản luôn được coi trọng, luôn nhận được sự ưu ái của các nhà quản lý lẫn người dân. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm Hà Nội đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tu bổ và chống xuống cấp di tích, trong đó kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm hơn 30%. Rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội văn hóa của Hà Nội đã trở thành điểm đến của người dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Có thể thấy, đô thị hóa làm bộ mặt Thủ đô khang trang bao nhiêu, thì di sản Hà Nội cũng tỏa sáng trên nền hiện đại bấy nhiêu. Hà Nội đang sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO trao tặng, nhiều di tích được xếp hạng quốc gia nhất trong nước. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi nhận là Di sản Văn hóa thế giới; 82 bia Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được vinh danh Di sản tư liệu thế giới; Hội Gióng (ở đền Phù Đổng và đền Sóc), Nghi lễ và trò chơi kéo co (tại Hà Nội và một số địa phương), tín ngưỡng thờ Mẫu được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, còn Ca trù có tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đó là chưa kể 13 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1.000 di tích cấp quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia… Đồng hành cùng kho di sản phong phú đó, còn là hệ thống thiết chế văn hóa đa dạng, đặc biệt là các bảo tàng quốc gia và thành phố.
11 thế kỷ đi qua, di sản của đất Kinh kỳ ngàn năm không chỉ được hồi sinh sau những biến động lịch sử, mà còn có một đời sống vinh hoa trong thời hiện đại. Nói như GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các loại hình di sản chính là nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Hà Nội.
Bền vững danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”
Hà Nội ghi danh “Thành phố Vì hòa bình” ở thời điểm kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội (16/7/1999). Đây là ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những đóng góp tích cực của Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, trong sự nghiệp phát triển, xây dựng một thành phố hòa bình; một thành phố năng động nhưng vẫn giữ những nét truyền thống, vươn lên với sức bật mạnh mẽ, xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính, trung tâm văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
10 năm sau ngày được UNESCO trao tặng danh hiệu đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, rồi 20 năm sau trước thềm kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội vẫn tự hào là Thủ đô duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Nhưng Thủ đô hôm nay đã khoác lên mình tấm áo mới với những thay đổi ngoạn mục. Không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, mà Hà Nội còn là thành phố đa sắc màu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng. Giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của các tỉnh phía Bắc, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội tăng từng năm, thành phố cũng là địa điểm của 1.600 văn phòng đại diện nước ngoài, 14 khu công nghiệp cùng trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất công nghiệp…
Đáng nói hơn là Hà Nội đã trở thành trung tâm kết nối các giá trị toàn cầu, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia tích cực, có trách nhiệm tại nhiều diễn đàn quốc tế quan trọng… Nhiều hội nghị quốc tế được tổ chức ở Hà Nội như: Hội nghị cấp cao APEC (năm 2006), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, ASEM, IPU-132, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai (năm 2019)... Hà Nội hôm nay được báo chí quốc tế nhắc đến như một cầu nối hòa bình, một điểm đến “an toàn - thân thiện”.
Vì lẽ đó mà Hà Nội luôn nhận được thiện chí của UNESCO: Sẽ tiếp tục hợp tác, không chỉ để thúc đẩy và bảo tồn lịch sử, mà còn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mới cho một thời đại mới.
Bước vào “Thành phố sáng tạo”
Vì những đổi thay ngoạn mục nơi đô thị theo ý tưởng phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, mà ngày 31/10 vừa rồi, Hà Nội lại được công nhận là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Món quà mừng Thủ đô 1010 năm tuổi này thực sự ý nghĩa vì sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa 246 thành phố trên thế giới đã được vinh danh, hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Hà Nội chọn lĩnh vực thiết kế để tham gia “Thành phố sáng tạo” bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các thế mạnh của Hà Nội, thể hiện được đa dạng tiềm năng của Thủ đô trong phát huy sức sáng tạo. Nhưng điều quan trọng là Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn của một thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên… Với thương hiệu của Thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, tập trung các chương trình phát triển giáo dục, các sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững. Bản thân mỗi người Hà Nội cũng ý thức hơn tính sáng tạo trong mọi lĩnh vực, để sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới.
Kế hoạch cho những năm tiếp theo đã được Hà Nội lên khuôn với mục tiêu rất cụ thể: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng, củng cố các không gian sáng tạo; triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ… tạo điều kiện cho lĩnh vực sáng tạo thiết kế tiếp tục được nâng tầm. Trong tương lai, Hà Nội sẽ trở thành kinh đô sáng tạo của khu vực, điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.
Từ “Thủ đô di sản” đến “Thành phố Vì hòa bình” và “Thành phố sáng tạo” - một hành trình đi và đến của Thăng Long - Hà Nội. 1010 năm đi qua, Hà Nội đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, là trái tim của cả nước, là Thành phố Vì hòa bình, điểm đến của những vị khách quốc tế, nơi tổ chức những sự kiện tầm cỡ khu vực và thế giới. Những thành công ấy có được dựa trên một nền móng vững chắc là văn hiến nghìn năm.