Kết quả từ Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội: Động lực để xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp
Tin tức - Ngày đăng : 22:38, 24/01/2020
Chương trình 04 - CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao, y tế, an sinh xã hội… Nhân dịp xuân mới Canh Tý 2020, phóng viên báo Người Hà Nội đã có cuộc trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội
PV: Sau thời gian thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, cùng với các kết quả đạt được về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao, y tế, an sinh xã hội… thì xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã có sự chuyển biến rõ nét. Là Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình, bà có những đánh giá như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, với vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình tôi có thể khẳng định, việc triển khai, thực hiện Chương trình 04-CTr/TU đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Công tác xây dựng văn hóa Thủ đô được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế được tổ chức. Tốc độ tăng bình quân khách du lịch quốc tế giai đoạn 2015 - 2019 đạt 21,2%/năm. Đến năm 2020, tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt 116.617 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch trung bình trong 5 năm 2016 - 2020 ước đạt 16,6%/năm.
Việc đổi mới căn bản giáo dục được triển khai đồng bộ. Hoạt động khoa học và công nghệ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. An sinh xã hội tiếp tục được chú trọng, góp phần mang đến nhiều điểm nhấn như xóa nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ chính sách; đưa tỉ lệ hộ nghèo xuống thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra; giành nhiều nguồn lực cho đối tượng người có công, giải quyết việc làm được tăng cường. Công tác y tế đã từng bước khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh cho người dân…
Công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh triển khai có trọng tâm, trọng điểm với nhiều mô hình, sáng kiến hay như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ban hành các quy tắc ứng xử; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, Giáo dục an toàn giao thông, Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương trong nhà trường; Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật đến người dân... Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Các chỉ tiêu của Chương trình đều đạt so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2011 - 2015), trong đó có 4/19 chỉ tiêu của Chương trình đã cán đích là: Tỷ lệ xã có điểm luyện tập thể dục thể thao theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 8,5%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới...
PV: Trong các kết quả đã đạt được, thông tin đến nay nhiều địa phương của Hà Nội không còn hộ nghèo, đó thực sự là những kết quả vô cùng ấn tượng phải không, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Đúng vậy. Đó là một niềm vui không của riêng ai. Thủ đô đã về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra, số hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hiện Thành phố giảm được 51.874 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% xuống còn 0,42%. Cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội 1.140.000 lượt (đạt 100%), hỗ trợ tiền điện, trợ cấp hàng tháng cho trên 4.000 người già yếu không tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động, cho vay ưu đãi gần 2.400 tỷ đồng. Trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 189.000 đối tượng và trên 2.600 đối tượng tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội. Hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, có 4.166 nhà được hỗ trợ xây sửa (đạt 103%) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 423 tỷ đồng, trong đó 108,5 tỷ đồng ngân sách Thành phố ủy thác cho vay, còn lại là kinh phí xã hội hóa.
PV: Để Chương trình 04 - CTr/TU tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt hơn trong thời gian tới, theo bà các cơ quan chức năng của thành phố cần phải tập trung những nhiệm vụ gì?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Để thực hiện Chương trình 04 - CTr/TU đạt hiệu quả cao hơn, theo tôi cần nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới cách làm; rà soát các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực, bổ sung sửa đổi theo thẩm quyền; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời nhắc nhở những mặt hạn chế, đưa ra các giải pháp hiệu quả. Các đơn vị liên quan chủ động rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, đề án… và có các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, tiến độ đặt ra. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ mới và khó được Chương trình 04-CTr/TU xác định, như việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
PV: Bà có thể thông tin cụ thể hơn về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Chính phủ, Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước về nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đánh giá, đề xuất các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Với mục tiêu đưa “Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước”; xây dựng thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, hướng tới trở thành “trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”, việc phát triển công nghiệp văn hóa chính là điều kiện căn cốt để chúng ta phát huy sức mạnh nội sinh - sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội.
Đề án được Thành phố ban hành, đã chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: du lịch văn hóa, nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, các không gian văn hóa sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật… là những lĩnh vực mà Hà Nội có tiềm năng, lợi thế để tạo ra ưu thế, thương hiệu riêng cho thành phố, thu hút đầu tư phát triển đóng góp vào tăng trưởng GRDP, tạo việc làm, quảng bá hình ảnh nâng cao vị thế Thủ đô, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị văn hóa tốt đẹp của Hà Nội trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Đây là một bước tiến rất lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa cũng như thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển trên địa bàn Thủ đô.
PV: Nhân dịp đầu xuân mới, bà có nhắn gửi gì tới đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô?
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Những nghệ sĩ, nghệ nhân là tài sản vô giá không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước. Các văn nghệ sĩ góp phần sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần; nuôi dưỡng sự bình yên, nhân văn… trong tâm hồn và mỗi nếp nhà người Hà Nội. Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin chúc đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và sáng tạo, tiếp tục có nhiều tác phẩm hay, đậm chất nhân văn và mang tính nghệ thuật cao, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Thủ đô và đất nước. Chúc tập thể báo Người Hà Nội ngày càng phát triển, được nhiều bạn đọc Thủ đô và cả nước tin yêu.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!