Cổ tích mùa Xuân
Truyện - Ngày đăng : 10:49, 27/01/2020
Minh họa của NGUYỄN VĂN ĐỨC
- Bác Dâu, bác đi đâu mà lỉnh kỉnh đồ đạc, nón lá, gậy tre thế này! Chị Thơm xuống xe, dắt chiếc xe đạp cà tàng lại gần người đàn bà đã gần 80 tuổi, lưng đã còng như dấu hỏi, đang liêu xiêu bước đi trong bộ áo quần bạc màu, chân mang đôi dép nhựa đã chằng chịt những mảnh vá chắp nối, ân cần hỏi.
- Tôi… tôi đi tìm thằng Tý (Tý là tên của Trường, con trai bà Dâu vẫn thường gọi ở nhà). Nó bảo sẽ về đón tôi lên phố ở cùng. Vậy mà gần cả năm nay, chẳng thấy nó đâu cả. Chắc ở trên phố nó bận nhiều việc… Thôi thì, nó không về được thì tôi lên đó vậy! Bà Dâu nói, ánh mắt buồn bã, xa xăm hướng về phía con đường đất ngoằn ngoèo trước mặt.
- Ấy chết! Bác ơi… cậu Tý… cậu ấy đã qua đời rồi mà. Bác không nhớ hay sao? Thôi, đi nào… để cháu đưa bác về nhà!
- Không! Rõ ràng nó đang ở trên phố. Tối hôm qua, nó còn nói với tôi là sáng nay mẹ lên phố với nó mà! Nó bảo nó nhớ tôi lắm!... Giọng bà Dâu khản đặc. Hai hốc mắt khô khốc rỉ ra dòng nước đục ngàu của người đàn bà bất hạnh đã ở vào cái tuổi gần đất xa trời.
Chị Thơm gửi xe ở bên đường, tay xách đồ cho bà Dâu, tay dìu bà về. Hai người một đã già cả, một đã luống tuổi dắt díu nhau đi giữa cái chênh chao của những vạt nắng cuối đông se sẽ.
Ngôi nhà bà Dâu ở dúm dó, nằm trống trải, chênh vênh ở con dốc phía cuối làng. Ngôi nhà ấy suốt một năm nay chỉ mình bà thui thủi ra vào. Cảnh đơn độc, cô quạnh khiến bà trở nên lẩm cẩm, lúc nhớ lúc quên, khi cười khi khóc; khi nói chuyện một mình, khi lại trò chuyện với mọi vật xung quanh như trò chuyện với con.
- Sao mình về muộn thế? Anh Dân ngồi dưới mái hiên, tay đều đều chẻ những khúc tre già chuẩn bị nấu bánh chưng ngày tết. Thấy vợ về, ông ậm ừ hỏi.
- Lẽ ra tôi về sớm hơn. Nhưng lại gặp bác Dâu còng. Rõ là tội! Già rồi. Được mỗi thằng con thì... Dù đã gần cả năm trời, vậy mà bác ấy vẫn chẳng thể nào quên được con trai. Bác ấy đâm ra lẩm cẩm mình ạ. Chị Thơm vừa chép miệng, lắc đầu vừa kể.
- Ừ. Ông bà ta nói trẻ cậy cha già cậy con. Được mỗi đứa con, những tưởng sẽ được an ủi tuổi già, ai ngờ… Thật là, bác ấy khổ nhất làng mình ấy chứ! Anh Dân nhìn vợ thủng thẳng đáp.
Cuộc đời của bà Dâu khổ thế nào, cả cái làng Tiên Hòa này ai mà chẳng biết. Bà mồ côi cha mẹ từ thuở mới lọt lòng, được họ hàng xúm tay cho bữa cháo, bữa cơm. Trộm vía được cái trời cho bà sức khỏe. Dẫu sống vật vờ, lăn lóc cũng ít khi đau bệnh. Lên 10 tuổi, bà đã thạo việc mò hến, bắt cua ngoài mương, ngoài đồng. Bước vào thời con gái, bạn bè cùng trang lứa, ai nấy sửa soạn, quần là áo lượt, bà chẳng có gì ngoài hai bộ đồ mặc đi mặc lại quanh năm. Ngoài 40 tuổi, bà còn may mắn được người ta đến hỏi, xin cưới. Bà nên vợ nên chồng với ông Bền. Cả hai sống với nhau vỏn vẹn được hai năm thì ông Bền bỏ bà đi trước vì bạo bệnh. Khi ấy, thằng Tý mới tròn 1 tuổi. Bà đành lòng ở vậy. Tay chăm con, tay mò hến, mò cua ngoài đồng. Suốt những năm tháng cơ cực nhất, bà chỉ biết cố gắng mỗi ngày kiếm được đủ tiền cho con ăn, con học. Áo quần bà dù rách bươm, mặt mũi, tay chân bà dù lấm lem, sần sùi, bà cũng quyết để con được ăn mặc lành lặn, được học hành đủ đầy như con người ta. Thằng Tý thương bà lắm. Thấy bà khổ cực, vất vả, cố công học tập, hứa mai này sẽ đền đáp công ơn trời biển của bà. Ngày nó tốt nghiệp đại học, bà vui đến không kìm được nước mắt. Tý được một công ty lớn trên phố nhận vào làm, chẳng mất một xu xin việc, lương tháng ban đầu cũng tạm ổn. Bà sung sướng và hãnh diện, đem khoe con khắp làng. Tưởng đã đến lúc được bõ công đền đáp, an dưỡng tuổi già, ai ngờ chẳng bao lâu Tý gặp tai nạn giao thông trong ngày cuối tuần anh từ trên phố chạy xe về thăm bà. Mất đi đứa con duy nhất cả đời yêu thương, kỳ vọng, trái tim bà vụn vỡ. Ruột gan bà quặn thắt đến suy sụp. Nước mắt chẳng còn đủ để khóc thương con. Suốt thời gian sau khi Tý mất, ngày nào bà cũng ngồi thẫn thờ ở bục cửa ngó ra một cách vô định. Bà chẳng thiết sống. Nhưng dường như ông trời chưa cho bà chết. Bà ở vậy, quẩn quanh, buồn tủi, cô đơn đến héo mòn thân xác.
- Mình ăn cơm đi! Anh Dân giục vợ.
- Mình này… Tôi… tôi có chuyện này để trong lòng từ bữa đến nay. Không biết nói ra, mình nghĩ thế nào? Chị Thơm đắn đo, giọng ngập ngừng.
- Mình cứ nói đi. Vợ chồng sống với nhau hơn 20 năm trời rồi, có chuyện gì mà không nói được cơ chứ!
- Hay là vợ chồng mình đón bác Dâu về sống chung, chăm sóc bác ấy như người trong nhà được không mình? Hoàn cảnh của bác ấy bây giờ thấy thương quá! Già cả, lẩn thẩn rồi mà chẳng có ai ở bên.
- Nhưng…
- Tôi biết mà! Tôi biết, nói ra thể nào mình cũng sẽ không chấp nhận mà.
- Không. Ý tôi không phải như vậy. Vẻ đăm chiêu, anh Dân buông đũa xuống, phân trần:
- Biết rằng bác Dâu giờ rất cần người chăm sóc. Mình có tâm, mình thương, mình cưu mang. Nhưng chỉ sợ điều tiếng của xóm giềng. Có khi nào họ lại bảo mình vì miếng đất, vì ngôi nhà của bác ấy đang ở mà làm vậy.
- Sao có thể như vậy được. Họ nghĩ, họ nói sao mặc họ. Thâm tâm mình không như thế là được. Sao cứ phải bận tâm, đắn đo, suy nghĩ miệng lưỡi thiên hạ hở mình? Chị Thơm lẳng lặng nhìn xa xăm về phía góc vườn, nơi mấy con gà đang rủ nhau bới tung đám đất kiếm mồi. Trong giấy lát, bỗng nhiên chị lại nghĩ đến hoàn cảnh của hai vợ chồng.
Anh Dân, chị Thơm vốn là trẻ mồ côi. Hai người được Trung tâm bảo trợ nuôi và cấp dưỡng đến khi cả hai tròn 18 tuổi. Hồi trẻ, cả hai cùng làm công nhân may. Đến khi nên vợ nên chồng, công việc của họ cũng vẫn vậy. Được chút vốn liếng, hai vợ chồng mua miếng đất nhỏ, cất nhà. Niềm mong ước sau những tháng ngày mòn mỏi, chờ đợi cuối cùng cũng chỉ là sự thất vọng khi nghe bác sĩ thông báo anh Dân không thể có con. Nghe anh khuyên nên đi lấy người khác, chị chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức. Dù anh có nói, có làm thế nào, chị cũng chỉ muốn sống bên cạnh anh. Không có con thì đã sao? Miễn là vợ chồng thương yêu nhau. Chị nói với chồng như thế. Thấm thoát, cả hai đã bước sang tuổi 50. Họ vẫn sống như đôi vợ chồng son. Ngày ngày lấy việc nuôi đàn gà, chăm mấy luống rau sạch làm nguồn vui. Từ ngày hai vợ chồng nghỉ việc ở xưởng may, anh Dân sắm cái máy may về nhà. Ai sửa đồ, may đồ, anh làm thêm, có khi làm giúp chẳng lấy tiền. Chị Thơm ngoài việc nhà cũng thường xuyên qua lại Trung tâm bảo trợ giúp đỡ mấy cô chăm sóc, thay quần áo, tắm giặt cho người bệnh, nơi anh chị đã từng được cưu mang, chăm sóc.
- Bác Dâu cũng gần 80 tuổi rồi. Mình chăm sóc bác ấy được ngày nào thì tốt ngày ấy. Những mong bác ấy được vui vẻ, thảnh thơi, để bác ấy cảm nhận được tình yêu thương của con cái, của gia đình. Chứ già yếu ở một mình, những khi mưa bão, ốm đau biết trông cậy ai; rồi thì tết nhất cứ thui thủi một mình như thế thì buồn tủi lắm… Chị Thơm một lần nữa nói với chồng về nguyện vọng của mình, giọng lại rưng rưng. Anh Dân nghe rồi cũng gật đầu:
- Vậy, mình thu xếp đi, vợ chồng mình sẽ sang nhà đón bác ấy!
- Bác Dâu ơi! Đến đầu cổng, vợ chồng anh Dân, chị Thơm đã đánh tiếng gọi. Không thấy bà Dâu lên tiếng, họ vội vã bước vào sân.
Bà Dâu đang ngồi ở mép giường. Đôi mắt chăm chăm nhìn vào chiếc áo len màu cánh gián con trai mua tặng bà khi còn sống. Tay bà đưa lên vuốt vuốt cho phẳng đôi ống tay áo. Bà lại khóc. Lại nhớ con.
- Bác Dâu ơi! Vợ chồng chị Thơm nãy giờ đứng bên ngoài bục cửa, lên tiếng. Bà Dâu hấp háy đôi mắt mờ đục, gượng cười:
- Chị Thơm, anh Dân đấy à! Vào đây. Vào đây xem này… Rồi bà khoe với vợ chồng chị Thơm món quà con trai tặng.
Đang vui vẻ, giọng bà bỗng khựng lại. Nhưng… thằng Tý nó sẽ chẳng bao giờ về với tôi nữa. Nó đã bỏ tôi đi trước rồi…!
Đang vui vẻ, giọng bà bỗng khựng lại. Nhưng… thằng Tý nó sẽ chẳng bao giờ về với tôi nữa. Nó đã bỏ tôi đi trước rồi…!
- Bác! Bác vẫn có vợ chồng con, vẫn còn có hàng xóm láng giềng nữa. Bác đừng buồn. Bác về ở chung với vợ chồng con nghe bác! Vợ chồng con sẽ chăm sóc bác. Bác cứ coi vợ chồng con như con cái trong nhà. Được không bác? Chị Thơm nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo nổi rõ từng đường gân xanh xám, chằng chịt của bà Dâu, thủ thỉ. Ba, bốn người hàng xóm cũng đến nhà bà Dâu nãy giờ. Nghe chị Thơm thưa chuyện với bà Dâu, họ liền nhìn nhau mỉm cười, gật đầu tán thành.
Sáng 29 Tết, ở một góc sân, dưới gốc cây bưởi già, chiếu hoa được trải ra. Nào lá dong, nào lạt tre, nào thịt mỡ, dưa hành, đỗ xanh… tất cả đã được bày biện sẵn sàng. Vợ chồng anh Dân, chị Thơm đã ngồi vào chiếu chuẩn bị gói bánh chưng. Bà Dâu ngồi bên, mỉm cười hiền hậu. Vậy là từ Tết này, bà đã có một gia đình để yêu thương. Không khí chuẩn bị Tết đón xuân về khiến bà cứ ngỡ như là cổ tích!