Dấu ấn văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2020
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:59, 27/01/2020
Mỗi một năm qua đi, các Hội chuyên ngành của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội lại có thêm những thành tựu mới, ghi dấu bước phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô. Đón xuân Canh Tý, các “nhạc trưởng” của 9 Hội chuyên ngành đã chia sẻ với báo Người Hà Nội những thành quả gặt hái được trong năm 2019 cùng những dự định, kế hoạch cho năm mới 2020.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Đặng Đình An Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội
Năm 2019 là năm khởi sắc của nhiếp ảnh Thủ đô trong đó hoạt động nổi bật là các triển lãm. Đầu tiên là Liên hoan ảnh nghệ thuật 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh. Tiếp đó là Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội (hoạt động thường niên do Hội phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức với chủ đề “Vẻ đẹp người Hà Nội”. Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm “Tự hào Hà Nội” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với báo Người Hà Nội tổ chức một số triển lãm quy mô nhỏ. Bên cạnh các triển lãm, Hội cũng đã tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại Thanh Hóa; tăng cường hoạt động của các Chi hội, các CLB trực thuộc. Hội thường xuyên định hướng, tham gia góp ý cho các tác giả, hội viên trong việc nâng cao chất lượng tác phẩm…
Bước sang năm 2020, Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động mà trọng tâm vẫn là các triển lãm, các chuyến đi sáng tác, ngoài ra còn tổ chức hội thảo đổi mới nâng cao chất lượng nghệ thuật cho các tác phẩm nhiếp ảnh. Hội chủ trương tổ chức các cuộc thi và triển lãm ảnh đi sâu hơn vào các chuyên đề về Hà Nội, qua đó mong muốn hội viên và những người cầm máy có điều kiện sáng tạo mở rộng hơn trong các mảng đề tài khác nhau về Hà Nội. Hy vọng với sự nỗ lực của các hội viên, hoạt động Hội sẽ ngày càng khởi sắc, tạo đà cho phong trào nhiếp ảnh của Thủ đô ngày càng phát triển.
Họa sĩ Phạm Kim Bình Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội
Năm 2019, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, hoàn thành tốt các phương hướng nhiệm vụ của năm. Hội đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi và hiệu quả như: tổ chức trại sáng tác tại Đà Nẵng dành cho các tác giả đạt giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô; tổ chức trại sáng tác “Vẽ về đề tài Lịch sử” tại Tuyên Quang; tổ chức cho hội viên đi tham quan Đền Trần - Chùa Keo - Phủ Giầy (Nam Định).
Điểm nhấn trong các hoạt động của Hội đó là Triển lãm “Mỹ thuật Thủ đô 2019” - triển lãm định kỳ hàng năm của Hội Mỹ thuật Hà Nội, là sự hội tụ những sáng tác mới của giới nghệ sĩ tạo hình Thủ đô. Sau triển lãm, Hội đã hoàn thành cuốn vựng tập “Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2019”. Bên cạnh triển lãm “Mỹ thuật Thủ đô 2019”, Hội còn gửi 5 tác phẩm của các em thiếu niên Hà Nội tham gia Triển lãm quốc tế thiếu niên tại Tokyo - Nhật Bản. Năm nay,
Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô 2019 đã lựa chọn được 6 giải chính thức và 10 giải tặng thưởng cho các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Ngoài ra, Hội đã có 6 họa sĩ được nhận giải thưởng cuộc vận động sáng tác VHNT kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô 2019 đã lựa chọn được 6 giải chính thức và 10 giải tặng thưởng cho các tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao. Ngoài ra, Hội đã có 6 họa sĩ được nhận giải thưởng cuộc vận động sáng tác VHNT kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Phát huy những thành tích đã đạt được năm 2019, năm 2020, BCH Hội Mỹ thuật Hà Nội sẽ cố gắng nâng cao chất lượng các hoạt động sáng tác, triển lãm với quy mô cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hội dự kiến sẽ tổ chức trại sáng tác cho các tác giả có phác thảo tốt về Hà Nội, trại sáng tác cho các tác giả đạt giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô 2020; Duy trì “Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô” vào dịp 10/10, in cuốn sách vựng tập về triển lãm nhằm giới thiệu những tác phẩm mới sáng tác; Tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức trang thông tin điện tử của Hội.
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội
Bám sát Nghị quyết đại hội lần thứ VI, năm qua Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã chỉ đạo các nghệ sĩ hội viên thực hiện Đề án về Múa hát trong lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Cùng với đó Hội đã tổ chức được 5 đoàn đi thực tế nghiên cứu về múa tại các lễ hội làng, xã, lễ chùa ở nội, ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận để tiến tới xây dựng cuốn sách theo đề án sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Ngoài ra, Hội cũng đã tổ chức thành công cuộc trình diễn 10 điệu nhảy Việt Nam tại hồ Gươm; tổ chức cuộc thi “Tài năng múa Thiếu niên, nhi đồng Thành phố Hà Nội lần thứ IV” để lại nhiều dấu ấn. Dịp Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội còn phối hợp với Hội Âm nhạc Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Cảm xúc tháng Mười”; phối hợp với Trung tâm thông tin triển lãm thành phố và Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật “Nghệ thuật múa Thăng Long - Hà Nội”.
Sau 2 năm phát động cuộc thi “Tìm kiếm điệu nhảy Việt Nam lần thứ II”, vào trung tuần tháng 12/2019, Hội đồng thẩm định của Hội đã chọn được 4 điệu nhảy đạt giải B và 4 điệu nhảy đạt giải C (không có giải A) để trao thưởng.
Năm 2020, Hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu viết cuốn sách Múa hát trong lễ hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; Xây dựng chương trình, tập hợp những điệu múa tiêu biểu trong múa cổ truyền Thăng Long để biểu diễn trong dịp Đại lễ 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng biên đạo phong trào; phối hợp với Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội phổ biến các điệu nhảy Việt Nam và tổ chức hội diễn múa không chuyên toàn thành phố; Tổ chức cuộc thi biểu diễn tài năng nghệ thuật múa thiếu niên nhi đồng lần thứ V đồng thời tích cực chuẩn bị cho Đại hội Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội lần thứ VII.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội
Năm 2019, Hội Kiến trúc sư Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hành nghề tư vấn kiến trúc sư, tư vấn, thẩm định và phản biện xã hội; tham gia các hội đồng về quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị, cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học và phản biện xã hội, Hội còn trưng cầu rộng rãi hội viên, điều chỉnh bổ sung Điều lệ Hội cho phù hợp; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo phổ biến kiến thức về quy hoạch, kiến trúc, đô thị, nông thôn…; chú trọng công tác phát triển hội viên, củng cố hoạt động của các chi hội, công ty trực thuộc Hội.
Trong năm qua Hội cũng đã xét chọn giải thưởng kiến trúc Hà Nội, giới thiệu các tác phẩm cho Giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia. Ngoài ra, Hội còn thành lập CLB Kiến trúc sư trẻ Hà Nội tạo sân chơi bổ ích cho các kiến trúc sư trẻ…
Để hoạt động Hội ngày càng hiệu quả hơn, bước sang năm 2020 Hội tiếp tục động viên anh chị em làm nghề sáng tác, cập nhật được với khuynh hướng mới của thế giới, xanh và bền vững với nhiều mạnh dạn, sáng tạo gắn với giá trị truyền thống; Duy trì và đẩy mạnh công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội và hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm, lý luận về quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị; Tham gia tích cực trong các Hội đồng tư vấn, Hội đồng kiến trúc quy hoạch; Tăng cường hoạt động nghề nghiệp và tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến trúc đô thị; Đẩy mạnh các hoạt động thường kỳ và triển khai thêm nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực của Hội và các hội viên. Bên cạnh đó, Hội sẽ phát động Giải thưởng Kiến trúc Hà Nội 2019 - 2020 kết hợp với sáng tạo tác phẩm chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Năm 2019 là năm Hội Nhà văn Hà Nội có nhiều hoạt động để lại những kết quả tốt đẹp góp phần gắn kết hội viên với Hội, ghi dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử phát triển chung của Hội. Hội đã tổ chức đều và có chất lượng các sinh hoạt định kỳ chuyên đề bằng việc duy trì thường xuyên các buổi tọa đàm văn học, nghiệp vụ sáng tác, các chuyên đề mở rộng hàng tháng về tình hình văn hóa, đời sống xã hội mà nhà văn quan tâm.
Đáng chú ý, việc tập trung đầu tư cho phong trào và lực lượng viết trẻ cũng đã được Hội cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động thiết thực. Đầu tháng 11/2019, Hội tổ chức thành công Hội nghị những người viết văn trẻ lần 3 tại Ninh Bình. Trước đó, vào tháng 7/2019, CLB Văn trẻ Hà Nội thuộc Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội đã được thành lập. Ngay sau đó là các hoạt động hết sức sôi nổi của CLB với các buổi tọa đàm, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Hội cũng hết sức chú trọng kiện toàn công tác hội viên và công tác giải thưởng. Năm nay, Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đã chọn được 2 tác phẩm tiêu biểu là “Thị dân tiểu thuyết” của nhà văn Nguyễn Việt Hà và tập phê bình, tiểu luận “Hà Nội từ góc nhìn văn chương” của nhà văn Bùi Việt Thắng để trao giải. Hội cũng đã trao tặng “Giải thưởng văn học trọn đời” cho nhà văn Lê Minh Khuê và bỏ phiếu thông qua việc kết nạp 36 tác giả vào Hội.
Sang năm 2020, Hội tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức xây dựng Hội đồng thời tập trung đẩy mạnh hoạt động sáng tác, chuyên môn, hội thảo khoa học... Hội cố gắng để mỗi hội viên được đi thực tế một lần trong một nhiệm kỳ; đầu tư sáng tác có trọng điểm cho một số hội viên; giao cho mỗi hội đồng chuyên môn, ban công tác tổ chức một hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực. Hội cũng sẽ tiếp tục biên soạn Kỷ yếu Nhà văn Hà Nội, lập kế hoạch xây dựng Tuyển tập văn học nghệ thuật thời kỳ đổi mới đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Quỹ hỗ trợ văn học, phát triển xã hội hóa nhiều hoạt động liên quan đến văn học, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động Hội…
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Loan Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội
Hòa chung không khí sáng tạo của các văn nghệ sĩ Thủ đô, năm 2019 Hội Điện ảnh Hà Nội cũng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả. Để khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho các tác giả, Hội đã tổ chức cho các hội viên đi thực tế tại một số di tích lịch sử văn hóa ở Thái Nguyên, Lạng Sơn và Hà Nam. Nhiều hội viên trong Hội cũng đã có các kịch bản phim tài liệu và phim truyện hưởng ứng kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô.
Bên cạnh đó, Hội đã xét được 25 tác phẩm để nhận hỗ trợ sáng tác năm 2019; dự thảo xong quy chế sử dụng trang thiết bị nghe nhìn được Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội giao cho quản lý, sử dụng; tổ chức tọa đàm đổi mới cách làm phim và chiếu minh họa bộ phim “Truyện hoang dã” của Mexicô; tổ chức buổi xem phim học tập bộ phim truyện “Thị xã trong tầm tay” của NSND Đặng Nhật Minh.
Hãng phim Sao Khuê cùng một số nghệ sĩ của Hội nỗ lực huy động nguồn kinh phí để thực hiện những bộ phim đã chuẩn bị kịch bản như: phim tài liệu “Minh triết Hồ Chí Minh với Phật giáo”, phim truyền hình 30 tập “Lê Thái Tổ - từ Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm”, phim truyện “Người mẹ Hà Nội”.
Bước sang năm 2020, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế, các buổi giao lưu trao đổi với nghiệp vụ; sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm ngày Điện ảnh Việt Nam. Hội cũng đã lên kế hoạch tổ chức tọa đàm “Hướng đi của điện ảnh trong thời đại công nghệ 4.0”. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội sẽ tổ chức tọa đàm sáng tác về Hà Nội. Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục duy trì các cuộc họp thường trực BCH để thông tin kịp thời các sự kiện, Đại hội của Hội Điện ảnh Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.
GS.TS Lê Hồng Lý Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội
Với tính chất đặc thù chủ yếu là sưu tầm, phổ biến và bảo tồn các di sản văn nghệ dân gian, vì thế việc trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu thông tin khoa học và những cuộc điền dã thực tế luôn được Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội duy trì và coi là công việc trọng tâm. Trong năm qua, Hội đã tổ chức cho hội viên đi điền dã tại Sóc Sơn, đền Sóc, đi tìm hiểu văn hóa dân gian tại Mộc Châu - Sơn La, đi thực tế khảo sát nghiên cứu dân gian miền Tây Nam Bộ, đi thực tế tại chùa Tam Chúc…; Tổ chức tọa đàm “Tranh thờ dân gian miền núi ở miền Bắc Việt Nam”, tọa đàm “Trống đồng và nguồn gốc dân tộc Việt Nam”.
Hội cũng đã hoàn thành đề tài "Sự tích Thành hoàng Thăng Long - Hà Nội" và đang tiến hành triển khai thu thập tư liệu để thực hiện đề tài "Sưu tầm những lễ hội chưa công bố ở Hà Nội”. Ngoài ra, Hội còn tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tạo điều kiện và khuyến khích cho các hội viên trong việc tham gia phong tặng nghệ nhân dân gian bằng nhiều hình thức như giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ.
Năm 2020, Hội tiếp tục thực hiện đề tài khoa học đang được triển khai từ năm trước; Duy trì các cuộc điền dã thực tế tại các địa phương và trên địa bàn Hà Nội; Tăng cường các cuộc tọa đàm, sinh hoạt khoa học cho hội viên; Đưa các CLB trực thuộc Hội tham gia tích cực hơn nữa trong các hoạt động của Hội và của Thành phố Hà Nội; Tăng cường phát triển hội viên mới, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế cận đặc biệt là các hội viên trẻ. Cùng các hội bạn trong Hội liên hiệp, Hội cũng sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, đẩy mạnh các hoạt động góp sức trong các hoạt động kỉ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội
Trong năm qua, Hội Âm nhạc Hà Nội đã duy trì thường xuyên buổi sinh hoạt vào ngày 15 hàng tháng với chất lượng ngày càng nâng cao. Hội đã tổ chức 10 buổi sinh hoạt âm nhạc, giới thiệu 115 tác phẩm của các nhạc sĩ bằng hình thức nghe đĩa CD đã thu thanh kết hợp với biểu diễn; Tổ chức 2 buổi thông tin âm nhạc với chuyên đề “Những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội từ thời tiền chiến đến nay”, “Nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác ca khúc”.
Ngoài ra, Hội đã tổ chức thành công chương trình “Tình yêu Hà Nội” lần VII với chủ đề “Thanh âm trên mái phố” vinh danh 15 tác phẩm của 3 nhạc sĩ: An Thuyên, Nguyễn Tiến và Quang Vinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được coi là “điểm nhấn” trong hoạt động của Hội, được đông đảo công chúng và giới âm nhạc hoan nghênh.
Dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội đã phát động cuộc vận động sáng tác âm nhạc mới về Hà Nội. Từ 93 tác phẩm dự thi thuộc các thể loại thanh xướng kịch, hợp xướng, tổ khúc, ca khúc, Hội đồng nghệ thuật của Hội đã chọn được 22 tác phẩm để trao giải, đồng thời lựa chọn 65 tác phẩm để in “Tuyển tập tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội - Chào mừng 65 năm Giải phóng Thủ đô”.
Song song với hoạt động chuyên môn Hội còn tổ chức các chuyến đi thực tế cho hội viên tại Mộc Châu (Sơn La), Ba Vì (Hà Nội), trại sáng tác cho hội viên tại Nha Trang; tăng cường hoạt động biểu diễn của các CLB trực thuộc…
Năm 2020, Hội tập trung vào một số hoạt động trọng tâm là: Duy trì nâng cao chất lượng và đổi mới hình thức sinh hoạt Hội vào ngày 15 hàng tháng; Tổ chức tốt chương trình “Tình yêu Hà Nội” lần thứ XIII; Tổ chức sáng tác và biểu diễn chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội Âm nhạc phía Tây Hà Nội, các CLB thành viên và trung tâm khuyến nhạc; Tổ chức tốt Đại hội XIII (2020 - 2025) Hội Âm nhạc Hà Nội...
NSND Bùi Thanh Trầm Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội
Bên cạnh việc duy trì các chuyến đi thực tế cho hội viên, trong năm 2019 Hội Sân khấu Hà Nội còn mở trại sáng tác kịch bản sân khấu đồng thời xét duyệt các kịch bản sân khấu có chất lượng tốt để đầu tư hỗ trợ sáng tạo; tổ chức trang trọng lễ giỗ tổ nhân Ngày Sân khấu Việt Nam.
Hội cũng đã tổ chức được 2 cuộc hội thảo về “Sân khấu Hà Nội với cách mạng công nghệ lần thứ 4” và “Sân khấu Hà Nội sáng tạo - phát triển”; 2 buổi tọa đàm chủ đề “Nghệ thuật sáng tác kịch và biểu diễn của nghệ sĩ với cuộc sống hôm nay” và tọa đàm về vở chèo “Điều còn lại” của Nhà hát Chèo Hà Nội. Các cuộc hội thảo tọa đàm đã trở thành diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ trao đổi chia sẻ những băn khoăn, kiến nghị trước tình hình thực tế của sân khấu hiện nay.
Ngoài ra, Hội còn vận động các hội viên tham gia sáng tác kịch bản sân khấu về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” năm 2019. Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác VHNT của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội có hơn 20 kịch bản dự thi và đã vinh dự được nhận 6 giải thưởng của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.
Bước sang năm 2020, Hội sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến đi thực tế, mở trại sáng tác, bồi dưỡng kiến thức nghề nghiệp cho nghệ sĩ trẻ. Ngoài ra, Hội sẽ tổ chức hội thảo, tọa đàm về những đề tài của sân khấu Hà Nội, những vấn đề lý luận sân khấu; tăng cường hoạt động giao lưu với khán giả… Bên cạnh đó, Hội sẽ tiếp tục giới thiệu một số vở diễn, cuốn sách để tham gia Giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2020 chào mừng các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.