Yêu ngôn ngữ đa thanh và nhạc điệu hài hòa của lục bát Việt Nam

Lý luận - phê bình - Ngày đăng : 15:27, 23/05/2022

Âm hưởng thơ lục bát đã hòa nhập từ rất sớm vào tuổi thơ của hầu hết các thế hệ người Việt suốt hàng ngàn năm, thông qua các bài hát ru dịu dàng của bà, của mẹ, cùng các bản dân ca cổ, được truyền miệng đến thuộc lòng từ đời này sang đời khác. Không ai còn nhớ nổi hình thức thơ lục bát ấy đã xuất hiện từ thời nào, vả lại cũng không còn lại một dòng ghi chép nào thật tin cậy về tuổi đời chính xác của dòng thơ ca dân gian truyền thống ấy, mà chỉ tưởng như dòng thơ này đã gắn bó liền mạch với dân tộc ta ngay từ khi dựng nước đến giờ.
Tìm lại các tư liệu gốc gác của ngôn ngữ Việt, chúng ta thấy, sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, dù mọi tầng lớp quan lại thống trị nhà Hán ra sức muốn đồng hóa dân ta và văn hóa nước ta vào với văn hóa, phong tục, lối sống và ngôn ngữ Hán, nhưng khi nước ta vừa giành lại độc lập, thì văn hóa và ngôn ngữ Việt đã có sự phát triển vô cùng tươi sáng và ngoạn mục. Kho tàng truyện kể, truyền thuyết, thần thoại và cổ tích vẫn tồn tại vững chắc trong lòng người. Kho tàng ca dao, tục ngữ, câu đố, các bài hát ru… ra đời từ lúc nào, tuy chưa kịp tìm hiểu ngọn ngành, nhưng cứ thế tưng bừng nở rộ! Rất nhiều từ ngữ Hán quen dùng đã được đổi sang thành từ ngữ Việt, nôm na nhưng sống động. Có nhiều từ vốn không có trong tiếng Việt cổ xưa thì được làm mới bằng một từ Hán-Việt tương đương, nhưng được đọc theo cách của người Việt.
Yêu ngôn ngữ đa thanh và  nhạc điệu hài hòa của lục bát Việt Nam
Có thể căn cứ vào sự xuất hiện của những câu ca dao để suy đoán về thời điểm ra đời của lục bát.

Một loạt các từ gốc Nam Á và Đông Nam Á xưa vốn là từ đa âm, được mượn vào tiếng Việt qua quan hệ tiếp xúc, giao thương, cũng như qua các quan hệ tôn giáo, tín ngưỡng với các dân tộc Đông Nam Á và Nam Á. Những từ này dần dần được tước bỏ tính đa âm của chúng, và biến thành từ đơn âm trong tiếng Việt. Như vậy, chúng ta thấy, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XII, việc làm trong sáng ngôn ngữ Việt đã được tiến hành không ồn ã, mà thật sự khéo léo, khôn ngoan và tài tình trong dân gian. Sang đến thế kỷ XIII thì các cụ nhà ta đã biết dùng ngay lối chữ tượng hình Trung Hoa để tạo ra ký tự của mình, một cách viết dựa vào Hán ngữ để chép ra ngôn ngữ tiếng Việt, đọc luôn thành âm Việt, phổ cập cho mọi tầng lớp dân cư có thể hiểu dễ dàng, đó chính là chữ Nôm.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi trong cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” (in lần đầu năm 1956), ta cũng có thể phần nào căn cứ vào sự xuất hiện của những câu ca dao, dân ca tối cổ, nói về các sự tích lịch sử và phong tục dân gian đương thời, để suy đoán về thời kỳ ra đời của chúng. Ví dụ như câu: “Ru con, con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi/ Muốn coi, lên núi mà coi/ Coi bà Triệu tướng cưỡi voi, đánh cồng!” - hẳn đã có thể xuất hiện ngay từ thời Bà Triệu. Hay câu: “Đánh giặc thì đánh giữa sông/ Chớ đánh trong cạn, phải chông mà chìm!”- thì cũng có thể xuất hiện sau trận thủy chiến của Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là suy diễn, chứ chưa hẳn là những chứng tích lịch sử, và những câu ca dao này vẫn có thể ra đời sau nữa, có khi cách hàng thế kỷ. Vì vậy, chúng ta chưa thể lấy các ước đoán này để coi đó là chứng cứ chính xác về niên đại của các câu ca dao - lục bát.
Có một cứ liệu lịch sử chính xác, cho tới nay có thể xem là sớm nhất về sự ra đời của hình thức thơ lục bát, là bài thơ Nôm trường thiên “Nghĩ lại 8 giáp Giải thưởng hát ả đào” của tác giả Lê Đức Mao (1462 - 1529). Lê Đức Mao là người gốc ở Đông Ngạc, Từ Liêm, thuộc Thành phố Hà Nội ngày nay, sau chuyển lên Phú Thọ định cư. Ông đậu Tiến sĩ năm 1505 đời Lê, nhưng đúng vào thời suy tàn của triều vua Lê Uy Mục, nên ông không chịu ra làm quan mà về quê ở ẩn, mở trường dạy học. Bài “Nghĩ lại 8 giáp Giải thưởng hát ả đào” của ông là một bài ca trường thiên viết bằng chữ Nôm, thể lục bát, có vài chỗ xen với song thất lục bát và nói lối. Đây là dạng một bài hát cửa đình, loại ca trù, để các ả đào hát, chúc phúc dân làng trong hội xuân tế thần. Bài hát có 128 câu, gồm 9 đoạn, mỗi đoạn khoảng 14 câu, bắt đầu bằng 2 câu thất ngôn, kết thúc bằng 4 câu song thất lục bát. Đây là bài ca cổ nhất đến nay còn giữ được, đa phần là thể thơ lục bát. 
Sau tác phẩm của Lê Đức Mao, ta phải kể đến một tác phẩm thơ lục bát chữ Nôm khác là “Lâm tuyền vãn” (nghĩa là “Bài ca thở than, tâm sự về cảnh sống ở nơi rừng suối”, gồm 185 câu lục bát), được tác giả sử dụng thể lục bát khá suôn sẻ để nói về cái tâm của mình đối với đất quê, của Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613), hay còn gọi là Trạng Bùng (người làng Bùng, tức Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội ngày nay). Ông đỗ Tiến sĩ năm 1580, là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, từng đi sứ Trung Quốc năm 1597 và bí mật mang về cho dân vùng quê mình nhiều loại hạt giống quý chưa có ở quê, để trồng và gây giống ở Việt Nam. Ông còn nghiên cứu nhập tâm được bí quyết dệt lượt (loại the mỏng) ở Trung Quốc, về quê phổ biến lại cho dân, để dệt ra loại lượt nổi tiếng gọi là “lượt Bùng” ở làng Bùng, tức Thạch Xá, Thạch Thất ngày nay. Khi Phùng Khắc Khoan mất, ông còn được dân tôn vinh là ông tổ nghề dệt lượt ở quê Bùng.
Tiếp đó, tác phẩm “Ngọa long cương vãn” (136 câu lục bát chữ Nôm) của Đào Duy Từ (1572 - 1634) là tác phẩm viết bằng thể lục bát, liền mạch, khá linh hoạt và nhuần nhụy, nói lên chí khí của tác giả, sau lúc đi thi ở Thăng Long, tuy văn bài rất đạt, nhưng lại bị đánh trượt vì là con nhà hát phường chèo - “xướng ca vô loài”, nên không được cho đỗ! Ông phẫn chí, bỏ vào Nam lập nghiệp, tự ví mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng ở Ngọa Long Cương thuở hàn vi, mong tìm được một vị minh chủ biết dùng cái tài kinh bang tế thế của mình. Chúa Sãi tức Nguyễn Phúc Nguyên, kế nghiệp chúa Nguyễn Hoàng, đã rất hài lòng khi đọc bài “Ngọa Long Cương vãn” của ông, ngay lập tức mời ông vào triều, phong tước cao cho Đào Duy Từ và từ đó dùng ông như một vị quân sư và chiến lược gia tài năng của mình, cho đến khi ông mất, thọ 63 tuổi. Chúng ta thử đọc một đoạn của bài “Ngọa Long cương vãn” để biết giọng thơ và từ ngữ trong thơ lục bát của Đào Duy Từ, vốn là con một vị kép hát phường chèo, sống cách đây 4 thế kỷ, cũng đã có ngôn ngữ tự nhiên (kiểu hát chèo) dễ tiếp nhận như thế nào:  
…Nam Dương có kẻ ẩn nho,
Khổng Minh là chữ, trượng phu khác loài,
Ẩn mình trọn vẹn lắm tài,
Phúc ta gẫm ắt  ý trời hầu vay,
Điềm lành, thụy lạ đã hay,
Đời này sinh có tài này, ắt nên!... 
(Ngọa Long cương vãn)

Thời chúa Trịnh Doanh (1682 - 1729) ở Thăng Long còn lưu truyền một tác phẩm văn vần chữ Nôm khá nổi tiếng và rất bề thế nữa, có đến 8136 câu thơ, đa phần là lục bát, ngoài ra còn 31 bài thơ chữ Hán và sấm ngữ, đó là tác phẩm “Thiên Nam ngữ lục”, một tác phẩm ẩn danh (không rõ tác giả), kể lại lịch sử người Việt từ thời Hồng Bàng đến thời hậu Trần, theo từng câu chuyện dựa theo chính sử hoặc dã sử. Tuy chất lượng thơ lục bát trong tập không được đồng đều và thiếu tinh luyện, nhưng bù lại, chất thơ nôm na, mộc mạc lại mang tính dân gian rất rõ, lồng vào nhiều câu khẩu ngữ gần với thành ngữ tục ngữ. 
Tiếp đó, sang thế kỷ XVII, một loạt các truyện thơ Nôm dân gian khuyết danh xuất hiện và được phổ biến rộng rãi, đều sử dụng thể thơ lục bát: “Tống Trân, Cúc Hoa”, “Trê Cóc”, “Phạm Công Cúc Hoa”, tiếp đến “Phan Trần”, “Nhị độ mai”. Các nghệ nhân hát rong cũng có các tiết mục kể chuyện bằng thơ lục bát như: “Trương Chi”, “Quan Âm Thị Kính”, “Thạch Sanh”...
Bên cạnh thơ dân gian khuyết danh, sang thế kỷ XVIII, chúng ta có một số nhà khoa bảng có tiếng cũng rất hay làm thơ lục bát, điển hình như tác giả Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789). Ông quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh, đỗ đầu kỳ thi Hương năm 1732, lại đỗ đầu kỳ thi Đình năm 1748, nhận chức Hàn lâm viện đãi chế (1749) rồi Đông Các đại học sĩ (1757). Năm 1765, ông được làm Chánh sứ đi sứ sang Trung Quốc, đã sáng tác một trường ca 472 câu, viết bằng chữ Hán nhưng lại dùng hình thức thơ lục bát của dân tộc để miêu tả hành trình, cảm xúc và suy tư của mình trong khi đi sứ, đó là tác phẩm: “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca”. Ông cũng còn dùng hình thức thơ lục bát chữ Hán độc đáo này để viết thêm một bài thơ dài dạy con nữa, đó là bài:“Huấn nữ tử ca” (632 câu), nhằm kết hợp vừa giáo dục, vừa để dạy chữ Hán cho con, để thêm phần lý thú, dễ tiếp thu hơn.
Cuối thế kỷ XVIII,  giai đoạn đỉnh cao huy hoàng của thơ lục bát, lẽ tất nhiên ta phải kể đến thời kỳ đại thi hào Nguyễn Du (1766 - 1820) sáng tác Truyện Kiều, một kiệt tác thi ca của dân tộc, viết bằng thể thơ thuần lục bát. Sáng tạo này của đại thi hào Nguyễn Du đã nâng hẳn tiếng Việt đạt đến một tầm cao mới, trở thành một ngôn ngữ văn chương khúc chiết, trong sáng, cao sang và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các nhà thơ tên tuổi, gần với thời Nguyễn Du, như Nguyễn Gia Thiều (tác giả “Cung oán ngâm khúc” nổi tiếng) hay Lý Văn Phức (tác giả “Nhị thập tứ hiếu diễn ca”) lại vẫn chỉ sử dụng nhuần nhụy duy nhất thể thơ song thất lục bát trong tác phẩm, mà không viết tác phẩm nào thuần chỉ có thơ lục bát. 
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, thơ lục bát phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn không có cây bút nào sánh được tới tầm Nguyễn Du. Các tên tuổi lớn của thế kỷ XIX như Nguyễn Công Trứ, thì chỉ có 1 bài lục bát đúng nghĩa là bài “Vịnh cây thông” (mà trong bài có 2 câu nổi tiếng được nhiều người nhớ là: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!”), ngoài ra, ông viết rất nhiều ca trù. Hay Nguyễn Khuyến thường viết thơ Đường luật, cũng chỉ có đôi bài lục bát ít ỏi như: “Vịnh ông phỗng đá” và “Chúc thọ 80”. Còn nhà thơ Trần Tế Xương, thì độc nhất chỉ có một bài lục bát, nhưng ai cũng thuộc, đó là bài “Sông Lấp”, mang đầy tâm sự u uẩn giữa buổi giao thời:
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai,
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò! 
(Sông Lấp)

Năm 1870, dưới thời vua Tự Đức, xuất hiện một quyển sử nước Nam viết bằng thơ lục bát khá nhuần nhụy và nhanh chóng được lan truyền rộng rãi, đó là quyển “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Bản in đầu tiên của quyển diễn ca này của Lê Ngô Cát, gồm trên 1800 câu thơ lục bát; mà có tư liệu lưu truyền rằng, cuốn sử bằng thơ này được đích thân vua Tự Đức khuyến khích tác giả biên soạn. Lê Ngô Cát quê ở huyện Chương Mỹ, thuộc Hà Nội ngày nay, đỗ cử nhân năm 1848, làm việc ở Quốc sử quán triều Nguyễn. Ông tìm được một ít tư liệu từ tập “Sử ký quốc ngữ ca” (khuyết danh), viết bằng thể lục bát, đã xuất hiện trước đó, kể rải rác khoảng một chục câu chuyện lịch sử và dã sử, từ thời dựng nước Văn Lang đến thời Mạc Đăng Dung. Lê Ngô Cát viết lại, hoàn chỉnh các câu chuyện từ thời Hồng Bàng đến hết thời Trần, sau đó viết tiếp tập diễn ca này cho đến hết thời Lê, bằng thể lục bát. Về sau, Phạm Đình Toái, quê ở Nghệ An, đỗ cử nhân năm 1843, được bổ làm Án sát tỉnh Bình Định, rồi thăng lên đến chức Hồng Lô tự khanh, là người cũng có năng khiếu văn học, thấy cuốn sách này hay, nhưng còn bị khuyết nhiều chỗ, bèn bỏ công biên soạn tiếp, lại chỉnh sửa những đoạn dài ngắn chưa đều, hay thiếu mạch lạc, rườm rà, ít tính nghệ thuật, đem cô đúc lại, cuối cùng được trên 1000 câu thơ lục bát, chia ra thành từng đoạn, tương ứng với các sự kiện lịch sử, từ thời Hùng Vương đến hết thời Hậu Lê. Nhà sách Trí trung đường đã khắc mộc bản, in thành cuốn “Đại Nam quốc sử diễn ca” (1871), đứng tên cả hai soạn giả, được hoan nghênh, tái bản nhiều lần, lưu truyền cho đến nay. Dưới đây là một đoạn thơ hào hùng về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã in trong “Quốc văn giáo khoa thư” thời trước, mà lứa trẻ đi học nào cũng thuộc lòng:
Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên,
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân,
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên,
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành,
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta,
Ba thu gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương…
(Đại Nam quốc sử diễn ca) 
Sang thế kỷ XX, người làm cho thơ lục bát thực sự nở rộ là Tản Đà, tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), quê xứ Đoài, Sơn Tây. Tập“Tản Đà vận văn” của ông hầu hết là thơ lục bát. Ngôn ngữ lục bát của ông nhẹ nhàng, thanh thoát, có thể coi như chiếc cầu uyển chuyển, nối từ thơ cổ điển thế kỷ XIX sang thơ hiện đại thế kỷ XX, trước thời Thơ Mới. Những bài như “Thề non nước” hay bài ngẫu hứng “Vô đề”, chất chứa nỗi lòng khắc khoải, yêu nước thương nòi, tỏ rõ khát vọng muốn tìm ra người tri kỷ, đã được công chúng tán thưởng nồng nhiệt. Ta thử đọc lại 2 trích đoạn này, để nhớ lại chất thơ lục bát đầu thế kỷ XX:
1.Thề non nước
Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không!
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày,
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương…
(…) Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước, hãy còn thề xưa!...      
Yêu ngôn ngữ đa thanh và  nhạc điệu hài hòa của lục bát Việt Nam
Người làm cho thơ lục bát thực sự nở rộ là Tản Đà.
2. Vô đề
Suối tuôn róc rách ngang đèo,
Gió thu bay lá, bóng chiều về tây…
Chung quanh những đá cùng cây,
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm?
Hỏi thăm những lá cùng chim,
Chim bay hút bóng, cá chìm mất tăm…
Bây giờ vắng mặt tri âm,
Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình?         
Tản Đà còn dịch nhiều thơ Đường, mà cũng thường dịch ra thành lục bát. Bài “Phong kiều dạ bạc” của Trương Kế hay bài “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu, đều là các bản dịch ra thơ lục bát rất tài hoa của ông. Thử đọc lại một bài “Phong kiều dạ bạc” (bản gốc) và bản dịch của Tản Đà:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền! 
(Trương Kế)
Dịch:
Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ,
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San! 
(Tản Đà dịch)
Như vậy, có thể nói, trải qua 6 thế kỷ, như ở trên chúng ta đã điểm qua, thơ lục bát đã chính thức ngự trị trong thơ Việt như một thể thơ truyền thống được ưa chuộng bậc nhất, vừa mang tính bình dân, vừa mang tính bác học, dễ nhớ, dễ thuộc vì phát huy được tối ưu những ưu thế của tiếng Việt (là thứ ngôn ngữ đơn âm, lại có tới 6 âm tiết trắc-bằng, đọc hoán đổi với nhau để có nhạc tính rất du dương; hiệp vần với nhau theo thứ tự rất cân đối ở từ thứ 6 và thứ 8 trong câu lục và câu bát; đôi khi còn có biến hóa, thì lại hiệp vần ở chữ thứ 4 trong câu bát, cũng vẫn giữ được nhạc tính và tiết tấu hài hòa trong câu thơ).   
(Đón đọc bài 2: Thơ lục bát phải có vị trí 
xứng đáng - là hình thức “Quốc thi”)

Bằng Việt