Chống dịch do virus Corona gây ra: Chống dịch như ''chống giặc''
Tin tức - Ngày đăng : 08:21, 06/02/2020
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tình hình nhiễm viêm phổi do chủng Coronavirus mới (nCoV) gây ra đang lan rộng và ngày càng nghiêm trọng tại nước ta; đồng thời cho biết phiên thường kỳ Chính phủ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Xuân Phúc diễn ra cùng ngày là phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2020.
Tại phiên họp, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch Corona; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch Corona gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; công tác xây dựng thể chế… Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch nCoV với tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là "chống dịch như chống giặc", huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Thủ tướng Chính phủ đã liên tục kiểm tra, cập nhật tình hình và đã có nhiều văn bản chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương “không được chủ quan, lơ là nhưng không bi quan, hoang mang”. Hiện tại ở Việt Nam đã ghi nhận 10 trường hợp nhiễm virus Corona, trong đó đã chữa khỏi 3 người trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có trường hợp tử vong.
Với tinh thần đảm bảo sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân là trên hết, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các văn bản chỉ đạo việc phòng chống dịch: Công văn số 79-CV/TW ngày 30/01/2020; các Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020, số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 và Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020; Công điện số 156 ngày 02/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 733/VPCP-KTTH ngày 03/2/2020 của Văn phòng Chính phủ… Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc.
Về các phương án bảo hộ công dân, đưa người Việt Nam từ các vùng có dịch về nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai tiến Dũng thông tin, hiện tại, ở tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) có công dân Việt Nam, trong đó có 21 sinh viên và 3 người nhà. Nhiều người trong số đó bày tỏ mong muốn được trở về Việt Nam. Việc bảo hộ, tổ chức đón người Việt về nước cũng sẽ được thực hiện trên cơ sở nguyện vọng của công dân.
Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo chặt chẽ, các cơ quan đã xây dựng những phương án tổ chức đón công dân tại vùng dịch về nước với điều kiện là phải cách ly tập trung 14 ngày sau khi trở về.
Bộ Quốc phòng được giao lo việc tổ chức khu vực cách ly tập trung với những người trở về để loại trừ, ngăn chặn nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Việt Nam sẽ bố trí 1 sân bay tại Vân Đồn ở phía Bắc, một sân bay ở miền Trung và 1 sân bay ở phía Nam với điều kiện thuận lợi cho việc cách ly, kiểm soát nguy cơ để chuẩn bị cho hoạt động đón công dân về nước vì cách ly tập trung được xác định là giải pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Với những người việt Nam làm việc tại nước bạn, Thủ tướng giao 7 tỉnh biên giới chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón công dân trở về. Việc theo dõi, đảm bảo chuyên môn về y tế được giao cho Bộ Y tế.
Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh, đưa người Việt rời khỏi vùng dịch bệnh là chủ trương lớn mà Thủ tướng rất quan tâm và chỉ đạo chi tiết.
Nói về tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1.2020 tăng 1,23% so với tháng 12.2019. "Đây là chỉ số tăng cao so với thời gian gần đây" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thanh khoản được đảm bảo. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 1.2020 ước đạt 166,7 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 11% dự toán năm, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư NSNN tháng 01/2020 là 4.448,622 tỷ đồng, đạt 0,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng (gia cầm tăng 15%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng bị cháy, bị chặt phá giảm 20,6%; thủy sản tăng 1,7%, riêng tôm tăng 6,1%);
Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 179,5%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây;
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%; hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán;
Hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%);
Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay;
An sinh xã hội được đảm bảo với phương châm "không để người dân nào bị đói, không có Tết", xuất cấp 6.500 tấn gạo hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ gạo cho các hộ thiếu đói các tỉnh vùng núi phía bắc. Tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí.
Chúng ta đã hoàn thành tốt việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 1/2020, được bạn bè, đối tác quốc tế đánh giá cao.
Các lĩnh vực: lao động, việc làm; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; văn hóa, thể dục thể thao; thông tin, truyền thông được quan tâm thực hiện và có những chuyển biến tích cực. Công tác an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu KT-XH giảm so với cùng kỳ, hoặc so với tháng trước như IIP tháng 1/2020 giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 17,9%; nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, xuất hiện nhập siêu…
Mới bước vào năm 2020, nhưng đất nước chúng ta đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp; dịch tả lợn châu Phi chưa xử lý dứt điểm. Dịch nCoV diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội.
Nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ xác định tiếp tục kiểm soát dịch, đồng thời, chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm; trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường. Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá. Với tình hình phức tạp như hiện nay, yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ.đi cùng với khôi phục sản xuất, thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Một nhiệm vụ rất quan trọng của năm 2020, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tập trung tổng kết và xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước, cũng như của từng ngành, địa phương.