Hội xuân vật cầu - kéo mỏ làng Ngải Khê
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:37, 20/02/2020
Làng Ngải Khê xưa là trang Ngải Khê thuộc tổng Già Cầu, nay thuộc xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Làng nằm trên bờ sông Kim Ngưu trong vùng đồng chiêm trũng.
Xưa kia lúc mới hình thành, trang Ngải Khê chỉ có một xóm, gọi là xóm Trên. Sau con người ngày càng sinh sôi nảy nở, dần dần hình thành thêm một xóm mới gọi là xóm Dưới. Xóm Trên nằm trên phiến đất hình con rùa. Xóm Dưới nằm trên phiến đất hình con rồng. Làng có hai đình, hai miếu, một ngôi chùa. Hiện nay còn hai ngôi miếu, một ngôi chùa và ngôi đình trên. Đình dưới bị giặc Pháp bắn phá tan nát trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nay không còn nữa. Đình Trên được xây gạch lợp ngói năm 1947. Trong kháng chiến bị đại bác của Pháp bắn thủng phá một gian, ngày nay đã được tu sửa lại.
Theo thần phả thì làng thờ bốn vị Thành hoàng. Đệ nhất Thành hoàng là Quốc mẫu Hoàng Thái hậu. Đệ nhị Thành hoàng là Bát nội Thái uý Trung Phụ dũng vũ Uy Thắng Chiêu Nhân Đại vương. Đệ tam Thành hoàng là Bảo hộ quốc thọ Thiên Hưng Đại vương. Đệ tứ Thành hoàng là Thiên Hộ Quốc linh ứng Chương Vũ Trung Linh Đại vương. Trong bốn vị thần đó, có hai vị vốn là người Ngải Khê, đó là Quốc mẫu Hoàng Thái hậu và Bát nội Thái úy. Bốn vị thành hoàng là những vị có công giúp nước đánh giặc ngoại xâm, giúp dân trị cướp, chữa trị bệnh tật, trồng trọt làm ăn mở mang hương quán. Để ghi nhớ công lao và biết ơn các vị Thành hoàng làng, hằng năm, làng Ngải Khê đều mở lễ hội vào ngày mồng 6 tháng Giêng đầu xuân năm mới - cũng là ngày Tết khai hạ.
Tại lễ hội, sau khi tiến hành tế lễ Thành hoàng làng trang nghiêm và thành kính, làng tổ chức nhiều trò chơi, trò thi dân gian khá phong phú và hấp dẫn, trong đó tiêu biểu nhất mang đậm nét độc đáo của Ngải Khê là hai trò chơi dân gian vật cầu và kéo mỏ.
Trò vật cầu
Vật cầu là một trò chơi dân gian cổ truyền khá độc đáo của làng Ngải Khê - một trò hiếm có trong vùng. Quả cầu không phải là làm bằng da, bằng cao su, hay bằng nhựa mà bằng củ chuối - một loại cây ăn quả rất sẵn có ở các làng quê, rất gần gũi, gắn bó với người nông dân ở nông thôn.
Củ chuối của cây chuối già được đẽo gọt rất tỉ mỉ thành hình cầu hơi hơi dẹt, đường kính từ 20 - 30cm, đánh bóng nhẵn nhụi rất công phu, bôi trơn bóng nhẫy, vồ ôm nó cứ trơn truội khỏi tay.
Trò chơi bắt đầu bằng mục khai cầu của cụ chủ tế. Dân làng tụ tập đầy đủ, đông đúc giữa sân đình. Lệnh tuyên bố trò chơi bắt đầu được phát ra, cụ chủ tế trong trang phục khăn áo tế màu đỏ tươi đứng giữa cửa đình, hai tay trịnh trọng nâng quả cầu lên. Hàng trăm con mắt chăm chắm hướng vào quả cầu, hồi hộp chờ đợi. Cụ chủ tế nâng quả cầu lên cao quá đầu, dập dình đưa lên đưa xuống mấy nhịp rồi bỗng tung quả cầu vào giữa sân. Cả một đám đông gồm đủ nam - phụ - lão - ấu đang im phăng phắc chợt ào cả về phía quả cầu, miệng hò hét, tay tranh cướp, vật lộn, chen lấn, xô đẩy nhau. Quả cầu bóng nhẫy trơn như bôi mỡ như không muốn “dính” vào vòng tay nào cả. Nó cứ trơn tuột qua hàng trăm bàn tay, lăn đi tứ phía. Quả cầu lăn về phía nào, cả đám đông ùa về phía đó, chen lấn, xô đẩy, hò hét ầm ầm cả sân đình, ôm được quả cầu chẳng phải chuyện chơi! Trong khi đó, tiếng trống thúc giục, tiếng loa truyền vang, tiếng reo hò mỗi lúc càng náo động. Người ôm chặt được quả cầu, chạy nhanh tách khỏi đám đông, không để ai giằng cướp được nữa, thẳng hướng ao đình, ném quả cầu xuống ao đình làng là người chiến thắng. Thế là vận may, là hạnh phúc và vinh quang sẽ đến với người thắng đó trong suốt cả năm, được mọi người trong làng ngợi khen, nể phục!
Khi quả cầu đã có người ôm được, giành phần thắng, cũng là lúc cụ cao tuổi nhất làng phát lộc thánh. Lộc thánh là mâm táo quả và xấp tiền lẻ. Cụ cao tuổi tung táo ra giữa sân đình. Hết táo là tung tiền. Mọi người lại xô vào cướp táo, cướp tiền sôi nổi, hỷ hả. Vì cướp được lộc thánh tức là được nhiều sự may mắn, an khang, thịnh vượng trong cả năm.
Trò kéo mỏ
Kéo mỏ có phần giống như kéo co ngày nay nhưng có phần không giống, vì vật để kéo không phải bằng thừng, bằng dây, mà bằng hai cây tre. Các cụ dân làng Ngải Khê xưa chọn hai cây tre bánh tẻ, thẳng, dài khoảng 6 - 7 mét. Hai cây tre tương đối đều nhau, kể cả tuổi cây, cả chất lượng cây, đủ ngọn, không đốt nào bị sâu, bị kiến. Số đốt tre được tính từ gốc trở lên theo bốn chữ định mệnh: sinh, lão, bệnh, tử. Đốt cuối cùng phải đúng vào chữ “sinh”, tránh chữ “tử”. Hai ngọn tre được hơ lửa cho dẻo, mềm và dai rồi xoáy vặn quặp lại như hai cái mỏ ngoặc vào nhau rồi dùng lạt mềm buộc thật chặt cố định lại để làm vật kéo, nên gọi là kéo mỏ.
Khác với kéo co, kéo mỏ trước khi vào cuộc, hai bên kéo thử, du đi du lại ba lần. Các người già trong làng kéo làm mẫu trước, sau đó thi mới bắt đầu. Kéo mỏ ở Ngải Khê xưa được chia ra nhiều hiệp thi: thi giữa giáp này với giáp kia, giữa xóm Trên với xóm Dưới. Số người nhiều ít phải cân bằng hai bên. Lực lượng cũng được lựa chọn những tay khỏe mạnh, cân sức cân tài.
Cuộc thi đấu chuẩn bị. Hai đội ra sân. Một vạch vôi kẻ dài làm ranh giới. Hai cây tre mỏ đặt hai bên, chỗ hai mỏ ngoặc giao nhau đặt giữa vạch vôi. Lệnh phát ra. Cuộc thi kéo mỏ bắt đầu.
Những đôi tay chắc nịch của hai bên nâng hai cây tre mỏ lên, du đi du lại ba lần theo đúng thủ tục. Lệnh “kéo” phát ra. Cả hai bên dùng hết sức mạnh, nắm chắc cây tre mỏ kéo về phía mình. Tiếng trống nổi lên! Tiếng reo hò vang dậy. Những người trong cuộc kéo thì dùng hết sức lực giữ chân chèo, tay nắm chắc cây mỏ, gồng người lên lôi hết sức về phía mình. Đội thắng là đội kéo được cây mỏ của đối phương qua vạch vôi về phía sân mình. Cả sân đình lại rộn lên tiếng hò reo và mọi người tràn cả vào sân đình mà vồ vập, mà bắt tay, mà công kênh, mà đấm thùm thụp vào lưng những người chiến thắng…
Giải thưởng cho phía bên thắng cũng không có gì lớn lao. Nó bình dị như cuộc sống mộc mạc của người dân Ngải Khê, nhưng nó lại là nguồn động viên tinh thần vô cùng quý giá, là niềm hãnh diện đáng yêu trong ngày đầu xuân năm mới. Mà người Ngải Khê xưa rất công bằng, rất nhân hậu. Sự công bằng và nhân hậu ấy thể hiện ở chỗ cả những người bên thắng cũng như người bên thua đều được ưu ái chia lộc, một thứ lộc đặc biệt quý dành cho những người tham gia kéo mỏ trong ngày hội một năm chỉ có một lần.
Đó là, sau trò thi, hai cây tre kéo mỏ biểu hiện cho sức mạnh, sức bền, cho cốt cách của người Ngải Khê, được chẻ ra, chặt ra từng mảnh nhỏ chia cho những người đã tham gia kéo mỏ, coi đây là một thứ lộc quý đầu năm mới. Những người được nhận lộc tre của cây mỏ này đem về chẻ thành tăm tre. Tăm này chỉ đem ra dùng trong những ngày trọng đại như ngày lễ, ngày tết, ngày giỗ, tiếp khách quý, bạn thân, hoặc tặng, biếu làm quà kỷ niệm. Các cụ ông ngày xưa để tóc dài, chiếc tăm này còn dùng để cài lên búi tóc của mình.
Đó là, sau trò thi, hai cây tre kéo mỏ biểu hiện cho sức mạnh, sức bền, cho cốt cách của người Ngải Khê, được chẻ ra, chặt ra từng mảnh nhỏ chia cho những người đã tham gia kéo mỏ, coi đây là một thứ lộc quý đầu năm mới. Những người được nhận lộc tre của cây mỏ này đem về chẻ thành tăm tre. Tăm này chỉ đem ra dùng trong những ngày trọng đại như ngày lễ, ngày tết, ngày giỗ, tiếp khách quý, bạn thân, hoặc tặng, biếu làm quà kỷ niệm. Các cụ ông ngày xưa để tóc dài, chiếc tăm này còn dùng để cài lên búi tóc của mình.
Trải qua mấy chục năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lễ hội và trò thi vật cầu, kéo mỏ ở Ngải Khê bị ngừng lại. Từ những năm đổi mới đến nay, đời sống ngày càng được nâng cao, việc “xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được thực hiện, những giá trị văn hoá cổ truyển được khôi phục và phát huy, lễ hội truyền thống với trò vật cầu, kéo mỏ ở Ngải Khê đã được tổ chức trở lại với sự hoan nghênh, nhiệt liệt hưởng ứng của toàn thể dân làng.
Quả cầu bằng củ chuối lại lăn trên sân đình Ngải Khê trong ngày hội xuân. Trò kéo mỏ ở Ngải Khê được kế thừa và thêm sáng tạo, cải tiến đa dạng hơn để tăng phần luyện tập và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, như: kéo mỏ đồng đội nam với nhau, nữ với nhau, đồng đội nam nữ, kèo đôi, kéo đơn… Để giáo dục tinh thần và ý thức tập thể, trò kéo mỏ được tổ chức thi đồng đội các đoàn thể. Đặc biệt người Ngải Khê còn truyền dạy trò kéo mỏ cho các cháu thiếu niên nhi đồng nhằm duy trì, gìn giữ lâu dài trò chơi truyền thống của làng - một nét đẹp văn hóa quý báu của quê hương.
Quả cầu bằng củ chuối lại lăn trên sân đình Ngải Khê trong ngày hội xuân. Trò kéo mỏ ở Ngải Khê được kế thừa và thêm sáng tạo, cải tiến đa dạng hơn để tăng phần luyện tập và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, như: kéo mỏ đồng đội nam với nhau, nữ với nhau, đồng đội nam nữ, kèo đôi, kéo đơn… Để giáo dục tinh thần và ý thức tập thể, trò kéo mỏ được tổ chức thi đồng đội các đoàn thể. Đặc biệt người Ngải Khê còn truyền dạy trò kéo mỏ cho các cháu thiếu niên nhi đồng nhằm duy trì, gìn giữ lâu dài trò chơi truyền thống của làng - một nét đẹp văn hóa quý báu của quê hương.