Thơ Nguyễn Thị Kim với thi điệu lục bát truyền thống

Truyện - Ngày đăng : 11:04, 20/02/2020

Sau một số tập thơ được dư luận đánh giá tốt và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội lần này nhà thơ Nguyễn Thị Kim cho ra mắt tập “Thơ lục bát” để đánh dấu cho sự lắng lại và chọn lọc trong thơ mình với nhịp điệu truyền thống lục bát.
Thơ Nguyễn Thị Kim với thi điệu lục bát truyền thống
Nhà thơ Nguyễn Thị Kim

Sau một số tập thơ được dư luận đánh giá tốt và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội lần này nhà thơ Nguyễn Thị Kim cho ra mắt tập “Thơ lục bát” để đánh dấu cho sự lắng lại và chọn lọc trong thơ mình với nhịp điệu truyền thống lục bát. Thể thơ này vốn được coi là hồn cốt của thi ca dân tộc và dường như người Việt từ ngàn năm nay đã coi lục bát là thi điệu chính trong tâm hồn nhiều người. Dường như trong thơ Nguyễn Thị Kim, hơi thở của ca dao và đồng dao đã phần nào được chuyển hóa trong mạch chảy trữ tình vốn giàu nữ tính nơi thơ chị:

Bước chân lẫm chẫm bên rào
Vấp câu lục bát ngã vào lời ru
(Nỗi oan lục bát)

Đôi mắt lúc nào cũng sẵn niềm cảm thông, như chỉ chực trào nước mắt, giọng nói bịn rịn, ân cần, ám ảnh tâm can, dáng đi nhẹ nhàng, nhẫn nại, tính cách nhún nhường, luôn nhận phần thiệt thòi về mình. Đó là đôi nét phác thảo chân dung chị - nhà thơ Nguyễn Thị Kim - thật khó lẫn vào ai khác.

Cuộc sống viên mãn, đủ đầy không đủ sức cám dỗ làm nhạt phai đời sống nội tâm trong chị. Nguyễn Thị Kim luôn khéo léo hóa giải những xét nét, áp đặt của người đời để giữ thuận bền sau trước. Chị như kẻ tu tâm đến độ chín đằm. Như mặt sông phẳng lặng chất chứa đáy sông những âm thầm cuộn sóng, chị không làm phiền ai trong đời thường những bộn bề cá nhân mình. Nhưng chị đã tìm được nơi trút bỏ gánh nặng tâm tư thầm lặng và bình yên nhất - đó là thơ.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Thị Kim cho ra đời tập thơ lục bát của mình. Điều này có lý do của nó. Đó là khi người này người kia xôn xao muốn phủ nhận lục bát, Nguyễn Thị Kim đã có chính kiến riêng để bảo vệ và minh oan cho lục bát bằng thơ:

Người chê lục bát cũ càng
Tôi yêu lục bát bởi mang hồn người
(Nỗi oan lục bát)

“Nỗi oan lục bát” như một tuyên ngôn thơ của chị.

Chị nhìn thấu vẻ đẹp lục bát không chỉ ở chiều sâu ngôn ngữ mà còn ở chiều rộng của không gian và chiều dài của thời gian. Đấy là vẻ đẹp bất chấp mọi giới hạn và khoảng cách, luôn khơi gợi những khát khao, khám phá đến vô cùng:

Lục bát đẹp tựa giấc mơ
Dẫu đi đi mãi vẫn chưa tới bờ
(Nỗi oan lục bát)

 Có bao người đã viết về chị và thơ chị, tôi không muốn lặp lại nữa, chỉ muốn nghiêng một chút về đời sống nội tâm của Nguyễn Thị Kim. Bài thơ khiến tôi suy nghĩ nhiều về chị là bài “Tôi đi tìm… tôi”. Đây có lẽ là những mật mã đầy ẩn ức trong đời sống tinh thần chị trải. Những ức chế, những kìm nén phải ghìm lại, làm cho chìm đi để chiều lòng đời, chiều lòng người. Chị đã không được sống hết cho mình, cười cũng vì người, khóc cũng vì người, nhưng tự sâu trong thâm tâm Nguyễn Thị Kim không thỏa hiệp, chị luôn khát khao, muốn bứt phá ra khỏi rào cản vô hình, chiếc lồng vô hình ấy. Chị không tuyệt vọng dù thời gian có gieo tuổi tác lên đời, không giới hạn nào làm chùn lòng chị, khi cuộc sống còn, khát khao còn:

Ngày nay sương phủ mái đầu
Biển xanh đã hóa nương dâu vẫn tìm
(Tôi đi tìm… tôi)

Chị đã từng quyết liệt:
Bao năm tôi vẫn đi tìm
Mải mê chắt lọc nổi chìm thế gian
(Tôi đi tìm… tôi)

Và khi trở về già không những không mệt mỏi, buông xuôi mà còn bền bỉ, mạnh mẽ hơn:
Đời người bảy nổi ba chìm
Cả đời lặn ngụp tôi tìm… chính tôi
(Tôi đi tìm… tôi)

Thơ Nguyễn Thị Kim với thi điệu lục bát truyền thống
Không phải chị nhút nhát hay sợ hãi, nhưng tính cách đã làm nên số phận chị. Nguyễn Thị Kim không vô tình đến mức không cảm thấy xót xa cho chính bản thân mình:

Khổ đau dìm chết đắm say
Đêm đêm thao thức tìm ngày mộng mơ
Bao giờ, cho đến bao giờ
Tìm cho được cái dại khờ bấy lâu
(Tôi đi tìm… tôi)

Chị luôn tìm cách thoát khỏi bế tắc tinh thần như thế, trong âm thầm.

Ngẫm đời mây, đời hoa, đời người, Nguyễn Thị Kim càng nhận ra mẫu số chung của sự tan - hợp, đoàn tụ - chia ly. Và đối nghịch với những sự ấy là sức sống dẻo dai, lâu bền của cỏ, bất chấp quy luật chuyển vần bốn mùa:

Trở về rồi lại ra đi
Duy còn thảm cỏ xanh rì bước chân
Thời gian cứ mặc chuyển vần
Mướt xanh đời cỏ vào xuân ngọt ngào
(Cỏ xanh)

“Cỏ xanh” là bài thơ không mới nếu so với những bài thơ viết về cỏ của những nhà thơ khác, song Nguyễn Thị Kim đã vượt qua cái ngưỡng nhàn nhạt để bật lên ý tưởng ở cuối bài:

Dịu êm dưới bước chân đi
Xanh ban mai có xanh vì hoàng hôn
(Cỏ xanh)

Có chút gì đó như ngậm ngùi, như xa xót. Đang âu yếm đấy đã thầm trách móc. Đời người “Chưa mừng đoàn tụ đã sầu chia ly” thì cỏ mươn mướt xanh vô tư đến vô tâm kia nào thấy đâu để hát khúc đồng vọng. Mà nhân tình thế thái, thói đời phù thịnh, mấy ai phù suy?

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim là người đa cảm. Với người, chị đã quan tâm là quan tâm đến tận tụy, không nửa vời. Chị là người tinh tế, tinh tế trong cuộc sống thường nhật, tinh tế vào trang thơ. Trong bài “Quả lép” sáng lên tình yêu người và cảm thông của Nguyễn Thị Kim. Thương cảm cho thiệt thòi không được làm mẹ của những nữ thanh niên xung phong, chị hạ bút:

Chị giờ như ngọn cây khô
Quả cho hạt lép gieo mùa được đâu
Lặng chìm vào cõi thẳm sâu
Nhỏ nhoi hạt cát nỗi sầu mênh mang
Cùng chịu hậu quả do chiến tranh để lại, nhưng hố bom, rừng già còn có cơ hội hồi sinh:

Hố bom giờ mướt cỏ non
Rừng già lại trổ xanh rờn bóng cây

Còn các chị đã vĩnh viễn mất đi tuổi xuân của mình, không còn cơ hội làm mẹ. Thế đủ thấy chiến tranh nghiệt ngã quá, dù đi qua nhưng hệ lụy vẫn còn dai dẳng, gặm nhấm bao số phận.

Không thấy từ “nước mắt” gieo trong bài thơ đó nhưng chắc chắn một điều Nguyễn Thị Kim đã vừa chấm nước mắt mình vừa viết bài thơ này. Tôi đã gặp trong đời thực không ít lần nhà thơ như thế khi nói về những số phận không may khác.

Ví hương vị đời người gói gọn trong một món nộm thì chắc chỉ có Nguyễn Thị Kim:

Nộm mang hương vị đắm say
Ngọt ngào, mặn, chát, chua, cay - đời người
(Nộm)

Nâng tầm cho một thứ tưởng bỏ đi cũng là cái khéo, cái tài tình của Nguyễn Thị Kim. Và chị đã thành công ở phần khai thác ý tưởng:

Vắt lòng cạn kiệt dâng đời
Dẫu còn chút bã đượm nơi bếp hồng
Kiến ruồi ham ngọt đừng mong
Vo ve khuấy đục vẩn dòng trần gian
(Bã mía)

Một sự hy sinh đến tuyệt đối để giữ gìn thanh danh, phẩm hạnh.

Sắc sảo không phải tính cách của Nguyễn Thị Kim nhưng đôi lúc thêm vào gia vị của ớt cũng không làm khác chị đi là mấy.

Có những năm tháng trong đời Nguyễn Thị Kim đã phải sống héo hon trong nỗi nhớ. Chị đơn độc trong nỗi nhớ: “Nói cùng trăng/ Mây ngàn che khuất/ Nói cùng mây/ Mây khuất sau cây/ Bình minh lên/ Chưa kịp giãi bày/ Đã tròn bóng trưa hè nắng gắt/ Hoàng hôn buông/ Nghiêng mình cúi nhặt/ Vệt ráng chiều vội tắt sườn non”.

Có lẽ chính vì vậy mà chị thấm thía sâu xa hơn trước những “thờ ơ đồng loại” và “vô cảm nỗi đau”. Trong bài “Chuồn chuồn kim” chị trách móc cũng nhiều mà tra vấn cũng nhiều. Nhưng lời chị như rơi vào khoảng không vô vọng:

Chuồn kim bay lượn lưng trời
Sao không vá những mảnh đời éo le

Sao không khâu lại ngày hè
Để cho ra rả tiếng ve đêm ngày

Áo đời đã rách không may
Nhởn nhơ mặt nước lượn bay vô tình
Mượn chuồn chuồn kim để trách thói đời vô tâm, vô trách nhiệm với đồng loại, Nguyễn Thị Kim đồng thời cũng bộc lộ thái độ sống của chị: 

Thờ ơ đồng loại nổi chìm
Hãy xin vá hộ con tim cho người
Nỗi đau vô cảm chuồn ơi!
(Chuồn chuồn kim)

“Chuồn chuồn kim” là một bài thơ chặt chẽ về cấu tứ và bố cục. Không quá lời khi cho rằng đây là bài thơ có sức nặng nhất trong tập thơ cùng tên trước đây của chị.

Khi gấp lại tập thơ này tôi lại nghĩ miên man về chị. Nguyễn Thị Kim - phải chăng chị như cánh chuồn kim bé nhỏ theo nghĩa tích cực nhất hiển hiện giữa thế gian này để hát những điệp khúc tâm tình cho người khác, mải mê và say sưa đến độ khi tỉnh ra mới giật mình thảng thốt “lặn ngụp đi tìm” chính mình.

Với Nguyễn Thị Kim - đi tìm cái tôi của mình chẳng bao giờ là quá muộn. Tìm lại những đắm say, dại khờ, mộng mơ bị dìm trong khổ đau mênh mang ngày tháng. Nguyễn Thị Kim chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Và tôi tin thời gian sẽ thua chị.

Bế Kim Loan