Quang Hoài và hành trình ''Trở về ta''

Truyện - Ngày đăng : 09:10, 13/03/2020

Quang Hoài và hành trình “Trở về ta”

“Gậy ông đập lưng ông”. “Sự tráo trở của phương pháp”. Một cách nói của ta. Một cách nói của Tây. Tuy cách nói sau, có vẻ hiện đại, chữ nghĩa và mới mẻ hơn cách nói trước, nhưng cả hai đều hướng tới một nghĩa. 

Tương tự, khi người xưa nói: “Gừng càng già càng cay”, thì người nay (nhà thơ Quang Hoài) lại nói: “Quả càng già càng chín ngọt thơm”. Tôi nghĩ Quang Hoài không cố tình nói một cách khác cho khác người, trong trường hợp này, ông đã hướng vào đời ông, vào cái tuổi của ông, vào cách nghĩ, cách cảm của ông mà đặt tên cho đứa con tinh thần mới nhất của mình như thế!

Mặt khác, “Quả càng già càng chín ngọt thơm”, cũng có thể là một kiểu Quang Hoài tự ra một “đề tài” cho mình, rồi tự mình đứng ra để làm một “khoá luận” hoặc một “luận văn” bằng thơ đặng bảo vệ “đề tài” ấy.

Bằng chứng là ở tuổi 75, nhà thơ của chúng ta vẫn không chịu già. Hay nói một cách khác là vẫn có ý thức tự làm mới mình. Bởi thế mà trong “Tôi cũ tự bao giờ?”, Quang Hoài mới viết: “Tôi không cũ/ Bởi không muốn cũ/ Cả hôm nay/ Và cả mai sau...”.  Bởi thế mà trong “Ngày ấy...  gió và dòng sông”, Quang Hoài mới muốn quên cái ngày xưa, cái đã qua để sống với cái hôm nay và cũng là cái bây giờ: “Gió ơi, giờ gió về đâu/ Đừng đưa ta về ngày ấy/ Ngày ấy đã xa, em đã đi rồi...”. Bởi thế mà càng sống Quang Hoài càng tin yêu cuộc sống và tin yêu con người hơn: “Trần gian nơi dung dưỡng/ Thể xác lẫn linh hồn/ Còn chỗ nào hơn thế/ Người yêu người nhiều hơn?”.

Chặng hành trình không chịu cũ, không chịu già ấy cũng là chặng hành trình buông bỏ tất cả hoặc triệt để hơn là “rũ sạch” để “trở về là ta”, “như ta thuở nào”:

“Bao giờ rũ sạch u mê
Để ta lại được trở về là ta?

Bao giờ rũ sạch chói lòa
Để ta lại được như ta thuở nào?
(Bao giờ rũ sạch…)

Cả bài thơ là hai câu hỏi cuộc đời, nếu như không muốn nói là hai câu hỏi lớn của đời người. Bởi rũ sạch “u mê” đã khó, rũ sạch “chói lòa” còn khó hơn nhiều. Cùng với câu hỏi lớn, có lúc, nỗi nhớ của Quang Hoài cũng lớn trong “Những cánh chim”: “Nhớ buổi bình minh/ Non sông ta khởi từ đôi cánh/ Chim Lạc bay trên mặt trống đồng/ Vạch cương vực rừng xanh, biển xanh”.

Hành trình “trở về ta”,“được  như ta” cũng là hành trình “trở về mình” và nhận ra cái tất yếu, cái quy luật của đời sống. Và rồi Quang Hoài do trải nghiệm nó, đã trân trọng nó, chấp nhận nó. Bài thơ “Rồi ra... rồi cũng thế thôi” hàm chứa cái tứ ấy. Và những câu thơ này là minh chứng rõ rệt nhất cho sự băn khoăn và thấu hiểu ấy: “Người xưa: Đen mực... sáng đèn/ Người nay: Sáng đèn... sao lại tối om/ Bây giờ chức tước sạch trơn/ Ai người cất tiếng gọi hồn dâng hoa/ Rồi ra... rồi ra... rồi ra/ Rồi cũng thế thôi! ”. Cái quy luật, cái tất yếu ấy của đời sống cũng được bộc lộ rất rõ trong “Chớp mắt”. Hẳn phải là người rất hiểu lẽ đời và ngộ ra một lẽ gì đấy thì Quang Hoài mới vừa ngẫm vừa viết: “Một năm cũng một cuộc người/ Một ngày cũng một kiếp đời nhân gian; Ngậm ngùi thì cứ ngậm ngùi/ Đắng cay thì cứ sụt sùi đắng cay; Dài mà chi, ngắn mà chi/ Sau lưng/ Trước mặt.../ Đường đi không cùng”.

Cũng có lúc, Quang Hoài rơi vào tình thế: “Tháng Mười ngày ngắn đêm dài/ Mong người…/ Người vẫn ở ngoài chân mây” (“Tháng Mười”), nhưng vì là người say đắm một cách rất cụ thể, rất trực quan, nên ông lúc nào cũng muốn: “ Cho lòng quẫy sóng đam mê/ Cho thơ thắp lửa vỗ về đơn côi...” (“Áo vàng là áo vàng ơi”) để được sống hết mình với hương vị của tình yêu: “Tóc em thơm ngào ngạt/ Anh chìm trong hương em”.
Ngoài những câu lục bát đã trích dẫn ở trên, Quang Hoài còn có nhiều cặp lục bát nhuần nhuyễm khác. Riêng “Buồm nâu phập phồng”, tôi coi là một tứ thơ mở, vừa được về tình, vừa được về ý, có nhiều nét khơi gợi sâu xa:

“Đò lênh đênh ngoái độ đường
Dòng trong dòng đục ai tường nông sâu?
Đò đi đâu? Đò về đâu?
Chỉ con gió biết buồm nâu phập phồng!”.

Nhưng tôi chú ý “Quả càng già càng chín ngọt thơm” ngay từ những vần thơ đầu tiên trong “Bài ca chim gõ kiến”. Bài thơ có một cái tứ nổi, hiển hiện trong từng khổ thơ. Sức nặng tâm tư của tác giả bộc lộ rõ ở 4 câu:

“Ta đã từng đầu thai làm kiếp Người
đã chứng kiến những số phận trớ trêu 
và đen bạc
những cảnh huynh đệ tương tàn, 
chiến tranh nồi da nấu thịt
càng thương Nguyễn Trãi, 
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…
ta càng chán ngán kiếp Người”.

Bài thơ đắt ở hai câu kết mà đắt giá nhất là điều được rút ra: Quá trình hóa kiếp cũng chính là quá trình tái sinh. 

Được biết, từ 2002 đến nay, Quang Hoài đã cho xuất bản cả chục tập thơ. Đó là “Nguyện cầu”, “Mưa đền tình”, “Lời yêu rượu đắng”, “Gió sông Hồng vẫn thổi”, “Kiếp này ta chửa thương ta”,“Chớp lửa đường cong”,“Giữa hai bờ trăng khuất”, “Giọt trời trên lá sen”, “Trong veo nước suối nguồn”, “Trước mùa nước dâng”  trước đây và “Quả càng già càng chín ngọt thơm” bây giờ. Với một người làm thơ ở tuổi 75, sức viết như thế thì thật là đáng nể!  

Đặng Huy Giang