Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm: Báu vật làng nghề Vạn Phúc

Người Hà Nội thanh lịch, văn minh - Ngày đăng : 11:22, 14/03/2020

Người phụ nữ ấy sinh ra và lớn lên cùng những tiếng thoi đưa, tiếng rào rào của khung cửi dệt lụa hàng Vân. Những âm thanh ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người con gái đẹp người đẹp nết và cả cái tên chị cũng rất đẹp: Nguyễn Thị Tâm.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm: Báu vật làng nghề Vạn Phúc
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm
Người phụ nữ ấy sinh ra và lớn lên cùng những tiếng thoi đưa, tiếng rào rào của khung cửi dệt lụa hàng Vân. Những âm thanh ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người con gái đẹp người đẹp nết và cả cái tên chị cũng rất đẹp: Nguyễn Thị Tâm.

Tuổi đôi mươi chị Tâm về làm con dâu cả của gia đình nghệ nhân Triệu Văn Mão. Nghệ nhân Triệu Văn Mão là người được cả làng Vạn Phúc kính trọng vì những cống hiến, công sức sưu tầm, phục dựng nhiều loại lụa quý. Mong ước của ông Mão là để lại cho đời sau những kỹ thuật tinh xảo, những đường nét tinh hoa của nghề dệt lụa. Ông thường nói: "Đời tằm ngắn ngủi, nhưng sợi tơ của nó nhả ra, qua bàn tay người thợ, để lại cho đời những sản phẩm vô giá". Trong 6 người con, ông đã chọn chị Tâm để truyền dạy lại những bí quyết độc đáo của nghề dệt lụa. Ông bảo truyền nghề cho con dâu là để giữ gìn tổ nghiệp. Chính tình yêu và sự trân trọng, tâm huyết với nghề của bố chồng, đã khiến chị Tâm rất kính phục và nguyện giữ "ngọn lửa nghề" của ông cha.

Nhớ lại thời kỳ khó khăn nhất với nghề dệt lụa tơ tằm ở làng Vạn Phúc. Đó là thời điểm chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Khó khăn chồng chất khó khăn, các nhà máy ươm tơ thi nhau đóng cửa, đã vậy lụa làm ra chỉ để phục vụ mấy phố buôn lụa trong trung tâm nội thành Hà Nội như phố Hàng Ngang, phố Hàng Đào hoặc vài sạp hàng trong chợ Đồng Xuân.

Chị Tâm đã từng có ý định chuyển sang kinh doanh ở một lĩnh vực khác để đảm bảo kinh tế cho cuộc sống gia đình. Giữa lúc chị phân vân với việc gìn giữ, nối tiếp nghề truyền thống hay rẽ sang hướng kinh doanh khác thì ông Mão gọi chị Tâm lại và bảo: Con về đây làm nghề cùng bố, cả làng làm nghề được thì mình cũng làm được. Nếu bây giờ mà bỏ nghề thì tiếc lắm...! Nghe bố chồng nói vậy, niềm đam mê và nhiệt huyết với nghề lại trỗi dậy trong lòng, chị quyết định trở lại gắn bó với nghề dệt lụa. Chị Tâm đã cùng gia đình gìn giữ và vực dậy cơ sở sản xuất dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão. Thành công của chị thật không ít gian nan. Để bám trụ với nghề, để thực hiện đam mê và trách nhiệm của mình trước lời hứa với bố chồng "nguyện giữ lửa nghề" chị đã nỗ lực đi khắp nơi tìm kiếm các nguồn nguyên liệu cho đầu vào sản xuất, trong khi nhà máy ươm tơ Mỹ Đức và nhà máy ươm tơ Sơn Đồng giải thể. Chị Tâm đã lặn lội vào tận Gò Nổi Kỳ Nam của tỉnh Quảng Nam, vào tận vùng Bảo Lộc Lâm Đồng - nơi đang có nhiều ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản trong sản xuất tơ tằm để có nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Để tiêu thụ sản phẩm làm ra, chị đã cùng với Sở Du lịch và Sở Công thương Hà Nội kết nối với các làng nghề du lịch, mang sản phẩm tơ lụa của mình đi quảng bá, trưng bày và bán hàng tại các liên hoan du lịch, các triển lãm, hội chợ trong Nam ngoài Bắc và ra cả nước ngoài. Chị Tâm đã đưa lụa Vạn Phúc đi khắp nơi, đã ký kết được nhiều hợp đồng bán buôn cho các cửa hàng, đại lý ở các tỉnh.

Cũng chính chị Nguyễn Thị Tâm là người đã khôi phục lại được những sản phẩm tơ lụa tưởng chừng như đã thất truyền như lụa Vân - thứ lụa đặc biệt có hoa văn nổi như mây trên mặt lụa mượt mà vàng óng, mà thứ lụa này là đặc sản chỉ có ở làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông. Để làm được điều đó, chị đã không quản khó khăn, chị đến từng gia đình học hỏi các cụ cao niên trong làng, xin những mẫu lụa cổ và chia sẻ những kinh nghiệm làm nên loại lụa truyền thống đặc biệt này. Nhiều mẫu lụa cổ như lụa Vân quế hồng điệp, lụa Vân mai thọ, lụa Vân lưỡng long song hạc… đã dần dần được chị Tâm khôi phục lại nguyên mẫu. Đó là những dòng lụa quý mang đậm hồn cốt của làng nghề truyền thống Vạn Phúc.

Sản phẩm lụa Vân của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được đánh giá rất cao, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Có một cơ duyên đã đến với chị Tâm, khi chị gặp ông Trịnh Văn Bách, một Việt kiều từ Mỹ trở về. Ông Bách đã đến nhờ chị phục chế bức y môn, đặt trước ban thờ tổ tiên, đã bị sờn rách. Qua nhiều đêm suy nghĩ trăn trở bằng kinh nghiệm và những kiến thức học hỏi được từ các bậc cao niên, tình yêu với nghề và lòng tự trọng của một nghệ nhân, chị đã cẩn trọng soi từng sợi tơ, từng hoa văn họa tiết và cuối cùng chị đã phục chế thành công bức y môn của ông Việt kiều Trịnh Văn Bách. Từ mối duyên này ông Bách đã kết nối và giới thiệu để những tấm lụa Vân của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được chọn và phục chế thành công 18 bộ Triều phục cung đình Huế. Chị Tâm còn có may mắn và vinh dự lớn là được dệt lại nguyên mẫu bức rèm cửa phòng khách của Bác Hồ và phục chế chiếc khăn mùi xoa bằng lụa có dòng chữ "Phụ nữ cứu quốc Hà Đông kính tặng Bác". Những hiện vật này đã trở thành hiện vật được trưng bày trong Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những sản phẩm của chị Tâm đã góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá của đất nước, sản phẩm lụa hàng Vân của chị được Thành phố Hà Nội chọn làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế đến dự Đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội.

Trong kinh doanh, chị Tâm luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Để du khách được tận mắt chứng kiến từng công đoạn, quy trình làm ra sản phẩm tơ lụa. Chị đã thiết kế luôn xưởng sản xuất cùng với nơi giới thiệu và bầy bán sản phẩm. Hầu hết du khách đến đây đều tỏ ra rất thích thú, họ được nghe tiếng máy chạy rào rào như tiếng mưa rơi, tiếng thoi đưa lách cách vui tai, lại được tận tay sờ vào những tấm lụa mềm mượt vàng óng, dần dần thành hình qua đôi tay của những người thợ khéo léo.

Chị Tâm được ví như con tằm nhả sợi tơ vàng. Người dân Vạn Phúc gọi chị bằng cái tên thật trìu mến: "Người đàn bà tơ lụa".

Hôm nay làng Vạn Phúc đã thành phố nghề, làng nghề du lịch sầm uất, các hợp đồng mua bán tơ lụa ngày càng tăng lên không chỉ ở trong nước mà còn có cả hợp đồng mua bán với các đối tác nước ngoài.

Cả một đời nâng niu trân trọng nghề dệt lụa của ông cha truyền lại, chị Tâm coi đó là cái duyên may của đời mình và đã tiếp nối được nghiệp tổ. Dù phải trải qua bao biến cố thăng trầm, chị Tâm đã làm sống lại hồn lụa quê hương, tô đẹp thêm dáng vóc con người Việt Nam. Để lụa Vạn Phúc không chỉ nức danh ở trong nước và còn có cơ hội vươn ra thế giới.

Với những cống hiến to lớn, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải "Ngôi sao Việt Nam" ở Huế năm 2006, hai lần nhận giải "Bông hồng vàng Thủ đô" năm 2008, 2010. Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2011, 2013. Thương hiệu nghề truyền thống - Báu vật gia truyền Việt Nam năm 2012, 2013. Được UBND Thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân. Ngoài ra, năm 2015 Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn được tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú".

Thật xứng đáng với những cống hiến của chị Tâm cho quê hương Vạn Phúc.

Nguyễn Thị Kim Oanh